Tài liệu hướng dẫn cung cấp những thông tin cập nhật về mục tiêu chính sách công của các hệ thống BHTG trên thế giới, xét đến những thay đổi trong các điều kiện kinh tế, tài chính, ngân hàng và chính sách tại các quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây cũng là văn bản nhằm cụ thể hóa việc áp dụng Nguyên tắc số 1, Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của IADI, đồng thời là kết quả từ cuộc khảo sát mà IADI triển khai về kinh nghiệm của các nước trong việc lựa chọn, triển khai và đánh giá mục tiêu chính sách công của hệ thống BHTG.
Một hệ thống BHTG sẽ không hoạt động hiệu quả nếu các mục tiêu chính sách công không rõ ràng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức BHTG với tư cách là thành viên Mạng an toàn tài chính quốc gia. Vì vậy, xác định đúng mục tiêu chính sách công góp phần làm rõ bối cảnh, mục đích, phương hướng hoạt động của tổ chức BHTG. Việc công khai mục tiêu chính sách công cũng giúp nâng cao nhận thức của công chúng về vai trò của tổ chức BHTG trong hệ thống tài chính – ngân hàng.
Những khuyến nghị của IADI về mục tiêu chính sách công của tổ chức BHTG bao gồm:
Phân tích bối cảnh: Việc lựa chọn mục tiêu chính sách công là một quá trình phức tạp nhưng cần thiết. Để giúp xây dựng mục tiêu chính sách công, các tổ chức BHTG có thể thực hiện phân tích bối cảnh của chính sách. Kết quả khảo sát cho thấy hơn một nửa (59%) các tổ chức BHTG cho biết đã thực hiện phân tích bối cảnh khi xây dựng mục tiêu chính sách công.
Các bên có liên quan đến việc thiết lập và đánh giá mục tiêu chính sách công: Trong khi đa số tổ chức BHTG phản hồi về việc chỉ có 1 cơ quan chịu trách nhiệm về việc thiết lập và đánh giá mục tiêu chính sách công, vẫn có 11 quốc gia đòi hỏi sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng. Đối với các hệ thống BHTG chỉ yêu cầu 1 cơ quan thiết lập và xem xét các mục tiêu chính sách công, 15 tổ chức trong số đó đã phản hồi rằng chức năng này nằm trong phạm vi của ban lãnh đạo tổ chức BHTG, trong khi 9 tổ chức cho biết trách nhiệm này thuộc về Quốc hội. Đối với 8 tổ chức khác, nhiệm vụ này được giao cho Bộ Tài chính.
Tham khảo ý kiến của các bên có liên quan: Việc tham vấn ý kiến của Chính phủ, Cơ quan Giám sát và các bên có liên quan là yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo mục tiêu chính sách công dễ hiểu và chặt chẽ. 57,5% số câu trả lời cho biết các tổ chức BHTG có tham khảo ý kiến từ các bên có liên quan, chủ yếu là Ngân hàng Trung ương, Bộ Tài chính, Cơ quan Giám sát ngân hàng.
Phê duyệt mục tiêu chính sách công. Đòi hỏi tuân theo một quy trình chính thức để tránh quyết định một chiều từ phía tổ chức BHTG. Phần lớn tổ chức BHTG phản hồi rằng Quốc hội và Hội đồng quản trị của tổ chức BHTG chịu trách nhiệm phê duyệt thông qua mục tiêu chính sách công.
Công bố cụ thể: Liên quan đến mức độ công bố mục tiêu chính sách công, khảo sát IADI cho thấy 90% tổ chức trả lời khảo sát đã công bố công khai và cụ thể các mục tiêu chính sách công của họ.
Đánh giá và công bố các hoạt động tuân thủ mục tiêu chính sách công. Mặc dù thông lệ quốc tế là tổ chức BHTG cần thực hiện đánh giá định kỳ về việc hoàn thành các mục tiêu chính sách công và nhiệm vụ của mình, một nửa số tổ chức cho biết họ không thực hiện một quy trình chính thức để đánh giá định kỳ về mức độ hoạt động của tổ chức BHTG đáp ứng các mục tiêu này. Chỉ có 11 tổ chức tiến hành cả đánh giá nội bộ và đánh giá do chuyên gia bên ngoài thực hiện.
Nguyên tắc chính và các mục tiêu khác. Hai nguyên tắc cơ bản hoặc thiết yếu đối với hoạt động của hệ thống BHTG là bảo vệ người gửi tiền và góp phần ổn định của hệ thống tài chính ngân hàng. Nhiều quốc gia coi việc góp phần ổn định của hệ thống tài chính ngân hàng mới là mục tiêu chính sách công quan trọng nhất. Tất cả các tổ chức phản hồi rằng đã đóng góp cho sự ổn định của ngành tài chính ngân hàng thông qua giảm thiểu rủi ro người gửi tiền rút tiền hàng loạt khi ngân hàng gặp vấn đề.
Khoảng cách cũng như sự chồng chéo giữa mục tiêu chính sách công của các tổ chức trong Mạng an toàn tài chính. Trong khi 73,5% số tổ chức cho biết không tồn tại khoảng cách hoặc sự chồng chéo này, 26,5% tổ chức cho biết còn sự chồng chéo trong chức năng về xử lý đổ vỡ hoặc giám sát, ảnh hưởng đến việc quy định quyền hạn và trách nhiệm chưa phù hợp. của tổ chức BHTG với các tổ chức khác trong Mạng an toàn tài chính,
Tích hợp giữa các mục tiêu chính sách công, đặc điểm và quyền hạn của hệ thống BHTG. Khoảng 22% tổ chức nhấn mạnh rằng các đặc điểm và quyền hạn của hệ thống BHTG không đủ để thực hiện mục tiêu chính sách công. Dó là quyền hạn chưa đầy đủ, thiết tính độc lập trong hoạt động và các trụ cột của hệ thống BHTG chưa đầy đủ. Cụ thể, vấn đề phổ biến nhất là tổ chức BHTG không có khả năng truy cập, thu thập thông tin người gửi tiền trước khi ngân hàng đổ vỡ.
Thay đổi mục tiêu chính sách công. Khoảng 1/3 số tổ chức cho biết đã thay đổi mục tiêu chính sách công với việc bổ sung chức năng đóng góp cho sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng.
Mục tiêu chính sách công trong tương lai. Kết quả từ khảo sát của IADI cho thấy mục tiêu chính sách công không được thay đổi thường xuyên. Tuy nhiên, một số tổ chức BHTG xem xét tăng cường các nhiệm vụ hoặc quyền hạn của mình tương ứng với mục tiêu chính sách công đã đề ra.