Nghiên cứu cho thấy đa số các tổ chức BHTG phản hồi về việc có sẵn cơ chế, khuôn khổ về quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ, dù là chính thức hay không chính thức trong cơ cấu tổ chức của mình. Mức độ hoàn thiện của cơ chế đó là khác nhau giữa các tổ chức và IADI đã thực hiện so sánh giữa các tổ chức này.
Về cơ bản, hướng dẫn của IADI tập trung vào một số vấn đề như sau:
Về quản trị:
Tổ chức BHTG nên chuẩn bị sẵn cơ chế, khuôn khổ về quản trị rủi ro và hệ thống kiểm soát nội bộ, cho phép việc phân loại, đánh giá, quản lý, ứng phó, kiểm soát và báo cáo về rủi ro có khả năng ảnh hưởng lên việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn, mục tiêu chính sách công về BHTG. Khuôn khổ quản trị rủi ro và hệ thống kiểm soát nội bộ phải được thiết kế với tỷ lệ hợp lý so với quy mô, nhiệm vụ và độ phức tạp trong hoạt động của tổ chức BHTG. Cần cân bằng giữa chi phí và hiệu quả khi thực hiện việc này.
Cơ quan quản lý về BHTG nên khuyến khích việc đánh giá về rủi ro trong mọi hoạt động của tổ chức BHTG, thông qua chính sách về quản trị rủi ro và các nguồn lực để sử dụng cho chính sách này; đồng thời chịu trách nhiệm về việc giám sát khuôn khổ quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ, đảm bảo khuôn khổ này đầy đủ và được triển khai hiệu quả.
Lãnh đạo cấp cao của tổ chức BHTG chịu trách nhiệm trong việc thiết kế, triển khai và cập nhật khuôn khổ quản trị rủi ro và kiểm soát nội bô dựa trên đánh giá của Hội đồng quản trị và sự giám sát của cơ quan quản lý về BHTG. Cần có cơ chế báo cáo định kỳ về các rủi ro xuất hiệu và các biện pháp kiểm soát.
Về quá trình quản trị rủi ro và hệ thống kiểm soát nội bộ:
Để thúc đẩy việc quản trị rủi ro hiệu quả, tổ chức BHTG cần đảm bảo đội ngũ nhân viên thực hiện các hoạt động nghiệp vụ hàng ngày có khả năng rủi ro nắm được trách nhiệm phát hiện, đánh giá và phản ứng với rủi ro.
Nhằm đảm bảo vai trò và trách nhiệm rõ ràng đối với cơ quan quản lý, ban lãnh đạo và các nhân viên có liên quan đến việc quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ, các tổ chức BHTG nhỏ với mô hình hoạt động đơn giản nên có ít nhất là một số chức năng, hoạt động với quy trình, quy định cụ thể bằng văn bản; còn các tổ chức BHTG lớn với mô hình hoạt động phức tạp hơn cần có sẵn khuôn khổ và hệ thống quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ chính thức trong hoạt động của tổ chức.
Tổ chức BHTG nên đánh giá quy trình hoạt động để đo lường được các rủi ro lớn nhất trong hoạt động của mình. Dựa trên nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức BHTG nên đánh giá một số rủi ro lớn hơn bao gồm việc đổ vỡ ngân hàng, cơ chế tài chính (cấp vốn và thanh khoản), vấn đề pháp lý, vận hành, công nghệ thông tin và an toàn, cũng như rủi ro về uy tín của tổ chức.
Tổ chức BHTG nên xây dựng đầy đủ các công cụ để đánh giá tính khả thi và phân loại các rủi ro; nắm rõ việc ứng phó với các loại rủi ro khác nhau và các hành động tiếp theo để giảm thiểu rủi ro, bao gồm các kế hoạch dự phòng, duy trì hoạt động liên tục, phục hồi sau khủng hoảng, cơ chế dự phòng về vốn ...
Tổ chức BHTG chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý về việc đã đánh giá đầy đủ các rủi ro, áp dụng các biện pháp kiểm soát thích hợp và giảm thiểu rủi ro. Các tổ chức BHTG với quy mô lớn nên xem xét việc thực hiện theo mô hình “Hệ thống quản trị rủi ro 3 lớp”.
Liên quan đến Cơ chế thông tin và báo cáo, tổ chức BHTG nên có sẵn cơ chế thông tin báo cáo về rủi ro trong toàn hệ thống tổ chức.
Đối với vấn đề Quản lý và nâng cao, khuôn khổ quản trị rủi ro và hệ thống kiểm soát nội bộ nên được đánh giá định kỳ nhằm đảm bảo đáp ứng với những thay đổi khách quan bên ngoài và chủ quan bên trong hoạt động của tổ chức.