Ngoài Hệ thống báo cáo tài chính hợp nhất (SWFRS) do Ủy ban Giám sát tài chính (FSC) thiết lập năm 2008 dành cho tất cả các ngân hàng (ngân hàng truyền thống và ngân hàng internet), năm 2022, CDIC đã triển khai áp dụng “Hệ thống giám sát ngân hàng internet” (IBSS) dành riêng cho khối các ngân hàng internet. Hệ thống này được xây dựng trên cơ sở một Giao diện lập trình ứng dụng (API) nhằm mục tiêu thực hiện giám sát trên thời gian thực và xây dựng các báo cáo phân tích trực quan phục vụ công tác giám sát kịp thời của các cơ quan trong mạng an toàn tài chính. Theo đó, các ngân hàng internet phải nộp một số báo cáo định kỳ và báo cáo theo thời gian thực khi có sự kiện bất thường.
Hệ thống IBSS được CDIC thiết lập nhằm giám sát các vấn đề thanh khoản và một số vấn đề về hoạt động kinh doanh của các ngân hàng internet. Nguyên nhân là do đặc thù hệ thống này thực hiện các giao dịch trực tuyến nhanh gọn và thuận tiện, không có giới hạn về thời gian và địa điểm, tuy nhiên lại rất nhạy cảm trong một số tình huống như tiền gửi ra vào hệ thống rất nhanh với số tiền lớn vì chênh lệch lãi suất, tin đồn lan truyền,… khiến các ngân hàng dễ gặp phải khó khăn về thanh khoản.
Trong quá trình hơn một năm xây dựng và hoàn thiện hệ thống IBSS từ năm 2021, CDIC đã đối mặt với một số thách thức như phải đảm bảo sự thống nhất về dữ liệu từ các ngân hàng; đòi hỏi sự phối hợp với nhiều đơn vị liên quan (các ngân hàng, các nhà cung cấp dịch vụ, các cơ quan khác trong mạng an toàn tài chính…); những người tham gia xây dựng hệ thống cần đảm bảo đầy đủ năng lực (kỹ năng và kinh nghiệm) và khả năng về công nghệ của các cán bộ giám sát cần phải theo kịp sự phát triển của hệ thống ngân hàng internet.
Tuy nhiên, bên cạnh các thách thức trên, CDIC xác định việc triển khai IBSS là một cơ hội lớn trong tiến trình áp dụng công nghệ giám sát (Suptech) để nâng cao năng lực hoạt động giám sát chuyên sâu các ngân hàng nói chung và ngân hàng internet nói riêng. Xu hướng giám sát mới này cũng phù hợp với khuyến nghị của Nguyên tắc 13 của IADI về “Phát hiện sớm và can thiệp kịp thời”, theo đó phải có một khung pháp lý và hoạt động để tổ chức bảo hiểm tiền gửi và các cơ quan trong mạng an toàn tài chính có thể phát hiện sớm những nguy cơ tiềm tàng và can thiệp kịp thời.