Thông qua kết quả trên, IADI chia sẻ kiến thức về đặc điểm của tổ chức BHTG như nhiệm vụ, vai trò, thành viên, hạn mức, nguồn vốn, vai trò của tổ chức BHTG trong quản lý khủng hoảng tài chính và xử lý ngân hàng.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy rất nhiều quốc gia đã tăng cường vai trò của tổ chức BHTG và hướng tới tuân thủ Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả do IADI ban hành.
Ngoài ra, IADI cũng theo dõi thực trạng về BHTG và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu.
Về cơ bản, kết quả khảo sát chỉ ra sự tiến triển trong các vấn đề về nhiệm vụ và quyền hạn, hạn mức BHTG, thời gian trả tiền bảo hiểm và áp dụng hệ thống phí phân biệt tại các tổ chức BHTG.
Về quản trị và nhiệm vụ: Đa số tổ chức BHTG là các tổ chức công do Nhà nước quản lý, chỉ có ¼ là các tổ chức do tư nhân quản lý. Khoảng 25% các tổ chức hoạt động với mô hình chi trả, 40% hoạt động với mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng (như hỗ trợ tài chính, mua lại v.v.) và 35% hoạt động với mô hình giảm thiểu rủi ro hoặc giảm thiểu tổn thất.
Thành viên và hạn mức BHTG: Tổ chức nhận tiền gửi bắt buộc phải tham gia BHTG tại hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó các ngân hàng thương mại chiếm đa số và các tài khoản tiết kiệm, vãng lai là loại hình sản phẩm tài chính được bảo hiểm chủ yếu.
Do điều kiện môi trường kinh tế - xã hội và thể chế khác nhau, hạn mức BHTG dao động từ 1.000 đô la Mỹ đến 300.000 đô la Mỹ, trong khi việc bảo hiểm toàn bộ vẫn còn ở một số nước. Tính đến hết năm 2019, hạn mức trung bình là 70.000 đô la Mỹ cho mỗi người gửi tiền tại một tổ chức tham gia BHTG và đã tăng đáng kể trong vòng 10 năm trở lại đây. Khu vực có hạn mức BHTG cao nhất là Châu Âu và Bắc Mỹ (110.000 đô la Mỹ), trong khi thấp nhất là ở Châu Phi (10.000 đô la Mỹ).
Nguồn vốn: Trên 90% tổ chức BHTG hoạt động theo cơ chế cấp vốn trước từ nguồn thu phí BHTG từ các tổ chức thành viên. Có khoảng 40% các tổ chức BHTG sử dụng hệ thống phí phân biệt trên cơ sở đánh giá hồ sơ rủi ro của các tổ chức tham gia BHTG.
Chi trả: Các tổ chức BHTG đã dành nhiều nguồn lực hơn để nâng cao hoạt động chi trả tiền bảo hiểm và giảm được đáng kể thời gian chi trả. Đến nay, số ngày chi trả trung bình đã giảm xuống còn 7 ngày tại 60% các tổ chức BHTG so với con số 33% các tổ chức BHTG vào năm 2013.
Khung xử lý: Vai trò của tổ chức BHTG trong việc ra quyết định xử lý đã được mở rộng. Các tổ chức hoạt động theo mô hình giảm thiểu tổn thất hoặc giảm thiểu rủi ro (đã tăng từ 21% năm 2011 lên 35% các tổ chức BHTG vào năm 2020) tham gia chủ động và tích cực vào quá trình xác định các phương thức xử lý ngân hàng đổ vỡ.