Dựa trên phân tích kết quả khảo sát, nghiên cứu cho thấy, hạn mức BHTG có xu hướng ngày càng tăng và duy trì ở mức cao trên toàn thế giới kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007. Tính trung bình, có hơn 95% tài khoản tiền gửi và 40% số dư tiền gửi đã được bảo hiểm toàn bộ. Phạm vi tiền gửi được bảo hiểm ngày càng đa dạng và mở rộng so với trước đây. Ngoài tiền gửi truyền thống và các sản phẩm tài chính khác tùy theo quy định của từng quốc gia, một số tiền gửi điện tử và các sản phẩm kỹ thuật số tương tự khác đã được đưa vào phạm vi bảo hiểm.
Nghiên cứu cũng xem xét mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến hệ thống tài chính, phạm vi và hạn mức BHTG. Tính đến thời điểm báo cáo, nghiên cứu chưa thấy ảnh hưởng rõ rệt của dịch Covid-19 đến hệ thống BHTG trên toàn thế giới. Phần lớn tổ chức BHTG thể hiện thái độ lạc quan về sự phù hợp của hạn mức và phạm vi bảo hiểm đang áp dụng hiện tại với tình hình kinh tế, tài chính, ngân hàng tại quốc gia của mình.
Nghiên cứu chỉ ra 6 nhóm vấn đề nổi bật phát sinh trong giai đoạn này thông qua việc xem xét các trường hợp điển hình tại một số hệ thống BHTG trên thế giới, bao gồm: (i) các quốc gia có xu hướng dừng áp dụng cơ chế bảo hiểm toàn bộ hoặc chuyển dịch dần về cơ chế bảo hiểm có hạn mức theo lộ trình khi tình hình đã ổn định; (ii) việc quyết định hạn mức BHTG và sản phẩm tiền gửi được bảo hiểm luôn là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất, cần được cân nhắc kỹ khi thiết lập cơ chế BHTG mới; (iii) Vấn đề quản lý tiền điện tử hay tiền kỹ thuật số cũng đang là mối quan tâm hàng đầu của tổ chức BHTG và đặt ra nhiều thách thức cho tổ chức BHTG trong việc hoàn thiện khung pháp lý để quản lý loại hình mới nổi này; (iv) hiện nay một số hệ thống BHTG áp dụng hạn mức bảo hiểm khác nhau dành cho các loại sản phẩm và tổ chức nhận tiền gửi khác nhau; (v) các tổ chức BHTG cần thực hiện rà soát, đánh giá hạn mức BHTG thường xuyên nhằm nâng cao mức độ hiệu quả bảo vệ người gửi tiền; (vi) một số khó khăn liên quan đến việc bảo hiểm cho tiền gửi ngoại hối mà một số quốc gia đã trải qua khi xác định hạn mức BHTG cho tiền gửi ngoại hối và thực hiện chi trả.
Cuối cùng, nghiên cứu đưa ra một số đề xuất cụ thể liên quan đến sửa đổi Nguyên tắc số 8 trong Bộ nguyên tắc cơ bản như đưa ra hướng dẫn cụ thể về ý nghĩa của cụm từ “số lượng tiền gửi đáng kể” cần tuân theo kỷ luật thị trường trong Nguyên tắc số 8; cơ chế và khuyến nghị cần thiết khi áp dụng hạn mức hay phạm vi bảo hiểm khác nhau đối với các tổ chức hay người gửi tiền khác nhau; và các khuyến nghị liên quan đến thông tin mà tổ chức BHTG nên có quyền truy cập để có cái nhìn tổng thể và chính xác về hạn mức và phạm vi BHTG đang áp dụng tại quốc gia của mình.