Hiện các tổ chức tài chính hợp tác (Financial Cooperatives – FCs) đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống tài chính trên khắp thế giới, trong số đó có nhiều tổ chức có quy mô hoạt động toàn cầu.
Nhìn chung, tổ chức tài chính hợp tác trên thế giới rất đa dạng về loại hình. Khác với mô hình hoạt động của ngân hàng, tổ chức tài chính hợp tác có nhiều đặc điểm và tính năng đặc biệt như: sứ mệnh, mục tiêu hoạt động, cơ cấu quyền sở hữu, sự tham gia trong quá trình đưa ra quyết định, phương thức tiếp cận vốn, mô hình kinh doanh, v.v.
Cũng chính bởi những điểm khác biệt ở các khía cạnh trên dẫn đến nhiều thách thức trong việc xử lý đổ vỡ tại tổ chức tài chính hợp tác. Đối với những tổ chức tài chính hợp tác quy mô nhỏ, rất khó để tìm được tổ chức tài chính tiếp nhận, bởi tổ chức tài chính hợp tác thường là liên kết tài chính duy nhất của một nhóm cộng đồng hoặc một nhóm lao động nào đó tại một địa phương – thường đóng vai trò khách hàng kiêm người gửi tiền, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, tổ chức BHTG và cơ quan chức năng xử lý đổ vỡ cũng phải cân nhắc lợi – hại trong việc duy trì dịch vụ tài chính cộng đồng hay có những can thiệp tương xứng cũng như chiến lược xử lý đổ vỡ, cùng với rủi ro về niềm tin và nguy cơ đổ vỡ lan truyền.
Ngoài những khó khăn nêu trên, những tổ chức tài chính hợp tác quy mô lớn, đặc biệt là các tổ chức có tầm ảnh hưởng hệ thống, thiếu vắng pháp nhân chính hoặc một công ty mẹ đứng sau đã gây khó khăn cho việc xây chiến lược cụ thể để xử lý đổ vỡ đơn lẻ. Cùng với đó, việc áp dụng cơ chế xử lý phù hợp đối với các tổ chức tài chính hợp tác quy mô lớn cũng rất phức tạp do cơ cấu vốn của những tổ chức này.
Do sự khác biệt với mô hình ngân hàng, không phải lúc nào các công cụ xử lý đổ vỡ đối với ngân hàng cũng có thể áp dụng cho trường hợp của tổ chức tài chính hợp tác. Hầu hết những công cụ xử lý đổ vỡ ngân hàng cần phải được điều chỉnh và áp dụng vào trường hợp cụ thể từng tổ chức tài chính hợp tác, ví dụ như yêu cầu chuyển đổi mô hình hoạt động sang cổ phần hóa hoặc bản chất hợp tác của các tổ chức này gây khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ bên ngoài.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, các tổ chức thiết lập hệ thống tiêu chuẩn quốc tế đã tăng cường các quy định, cơ chế giám sát, can thiệp và xử lý đổ vỡ tại các tổ chức tài chính. Việc này đã nâng cao khả năng áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc tế vào thực tiễn đối với các tổ chức bảo hiểm tiền gửi và cả các cơ quan chức năng xử lý đổ vỡ.
Mặc dù những thực hành can thiệp và xử lý đổ vỡ tốt nhất đều nhắm tới tất cả các loại hình tổ chức tài chính, song những nghiên cứu từ các tổ chức xây dựng tiêu chuẩn quốc tế vẫn chỉ chủ yếu xoay quanh đối tượng là các ngân hàng. Hệ quả là khuyến nghị từ những nghiên cứu trên có thể không áp dụng được cho các loại tổ chức nhận tiền gửi khác như tổ chức tài chính hợp tác, liên hiệp tín dụng, ngân hàng hợp tác và quỹ tương hỗ.
Như vậy, xử lý đổ vỡ tại tổ chức tài chính hợp tác vẫn chưa được thảo luận hoặc nghiên cứu một cách toàn diện. Nhìn nhận rõ tầm quan trọng của loại hình tổ chức tài chính này trong mạng lưới tài chính trên toàn thế giới, vào tháng 6/2014, Hội đồng điều hành Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI) đã thông qua việc thành lập Tiểu ban về Xử lý đổ vỡ tại các Tổ chức tài chính hợp tác (SRIFC).
SRIFC đã tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về tầm quan trọng của các tổ chức tài chính hợp tác và nhấn mạnh sự cần thiết phải sử dụng các công cụ xử lý đổ vỡ tương thích với tình hình hoạt động cũng như đặc điểm của loại hìnhtổ chức này. Mục tiêu chính của SRIFC là ưu tiên phát triển một bộ công cụ đặc thù để các tổ chức BHTG, cơ quan chức năng xử lý đổ vỡ có thể áp dụng khi giải quyết trường hợp xảy ra đổ vỡ tổ chức tài chính hợp tác .
Theo đó, IADI lên kế hoạch công bố 02 bộ tài liệu, gồm:
Tài liệu nghiên cứu cung cấp cái nhìn tổng quan về tính năng đặc biệt của tổ chức tài chính hợp tác cùng các công cụ xử lý đổ vỡ hiện hành cũng như cách sử dụng các công cụ này. Tài liệu này sử dụng dữ liệu chủ yếu từ cuộc khảo sát của SRIFC và những nghiên cứu trường hợp của một số tổ chức là thành viên và cả những tổ chức không phải thành viên của IADI.
Cẩm nang hướng dẫn nhằm tăng cường các công cụ xử lý đổ vỡ cho tổ chức tài chính hợp tác có cấu trúc bao gồm nội dung như sau: Mục tiêu thành lập Tiểu ban SRIFC và mục tiêu của tài liệu hướng dẫn; Phương pháp nghiên cứu; Phân loại và đặc điểm của tổ chức tài chính hợp tác; Mô tả các công cụ xử lý đổ vỡ và những thách thức liên quan; Những thách thức trong quá trình xử lý đổ vỡ; Những điểm khác biệt trong quá trình xử lý đổ vỡ tại tổ chức tài chính hợp tác quy mô lớn và nhỏ.
Dữ liệu được sử dụng trong bộ tài liệu trên chủ yếu từ 05 nguồn:
- Kết quả khảo sát của IADI về vấn đề xử lý đổ vỡ của các tổ chức tài chính hợp tác, được tiến hành từ tháng 7/2015 tại hơn 100 tổ chức toàn thế giới, bao gồm cả các tổ chức thành viên IADI và cả những tổ chức không phải thành viên. Khảo sát kết thúc vào tháng 12/2015, tỉ lệ tham gia khảo sát là 42% trong đó 28 quốc gia có tổ chức tài chính hợp tác.
- Các nghiên cứu trường hợp là tổ chức thành viên và cả những tổ chức không phải thành viên của SRIFC. Trường hợp điển hình có thể là tổ chức bảo hiểm tiền gửi hoặc cơ quan xử lý đổ vỡ có thể cung cấp số liệu cụ thể và kinh nghiệm thực tiễn.
- Báo cáo của các thành viên SRIFC tại mỗi hội nghị cấp Tiểu ban kể từ tháng 6/2015. Mục tiêu của những bài báo cáo này là nhằm chia sẻ những sáng kiến và sự phát triển về khuôn khổ pháp lý của mỗi thành viên liên quan đến các khoản luật định về tài chính hợp tác.
- Hội thảo do SRIFC tổ chức tại Basel vào tháng 3/2016 thu hút 41 tổ chức tham dự.
- Các tài liệu hiện hành về FCs và giải pháp của các tổ chức tài chính nhận tiền gửi.
Ý kiến từ các tổ chức Bảo hiểm tiền gửi thành viên cũng như các tổ chức / cá nhân có quan tâm tới vấn đề này có thể được gửi về Ban thư ký IADI trước ngày 17/11/2017.