Ngày 7/6/2022, IADI phát hành Báo cáo Fintech số 8 “Giới thiệu tóm tắt: Những đổi mới về công nghệ mang lại cơ hội cho các tổ chức BHTG”. Báo cáo đã giới thiệu về thuật ngữ mới DepTech và nghiên cứu các cơ hội mà Fintech mang đến cho các tổ chức BHTG. Theo đó, DepTech – Công nghệ dành cho các tổ chức BHTG là việc áp dụng các công nghệ mới để cải thiện hoạt động của tổ chức BHTG.
Cụ thể, 5 đổi mới công nghệ tài chính được áp dụng bao gồm:
Chuẩn hóa dữ liệu và giao diện lập trình ứng dụng (API): Việc áp dụng chuẩn hóa dữ liệu và API giúp tăng chất lượng, hiệu quả bảo mật và chia sẻ dữ liệu. Điều này hỗ trợ rất lớn cho các tổ chức BHTG trong việc rút ngắn quá trình chi trả BHTG, thiết lập quyền truy cập dữ liệu trong trường hợp cần thiết. Đồng thời, việc chuẩn hóa dữ liệu khiến cho việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan trong mạng an toàn tài chính trở nên dễ dàng, thuận tiện;
Thanh toán kỹ thuật số: Các tổ chức BHTG có thể áp dụng chi trả thông qua thanh toán kỹ thuật số. Hình thức chi trả này giúp rút ngắn thời gian chi trả và thuận tiện cho người gửi tiền được bảo hiểm.
Trí tuệ nhân tạo/học máy (AI/ML): Các tổ chức BHTG có thể ứng dụng AI /MLvào hệ thống đánh giá mức độ rủi ro của các tổ chức tham gia BHTG dựa trên dữ liệu hiện có; phân loại tài sản của quỹ BHTG hoặc hỗ trợ trong quá trình giao tiếp với khách hàng, quá trình xử lý yêu cầu trả tiền bảo hiểm và quá trình thanh lý;
Điện toán đám mây: Tổ chức BHTG có thể sử dụng điện toán đám mây để đẩy nhanh quá trình xử lý thông qua việc cung cấp cho nhiều nhà thầu (các tổ chức tài chính đủ điều kiện) truy cập vào những thông tin chi tiết về ngân hàng đổ vỡ (như danh mục tài sản, dữ liệu người gửi tiền) cùng một lúc. Điều này khuyến khích nhiều nhà thầu tham gia và giá thầu có tính cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng điện toán đám mây cũng tiềm ẩn những rủi ro bảo mật, đòi hỏi phải có các quy định hướng dẫn về nguyên tắc bảo mật và quản lý rủi ro cụ thể.
Phương tiện truyền thông mới: Phương tiện truyền thông mới (mạng xã hội, phát sóng trực tiếp,…) giúp cho các tổ chức BHTG tiếp cận các đối tượng một cách đa dạng, nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Thông qua báo cáo, có thể thấy sự phát triển của công nghệ không chỉ mang lại cơ hội mà còn là thách thức đối với các tổ chức BHTG của các quốc gia trên thế giới. Do đó, các tổ chức BHTG phải không ngừng thay đổi, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động, đồng thời cần có một hành lang pháp lý hoàn thiện để các tổ chức BHTG có thể thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền và duy trì ổn định tài chính.