BHTG là công cụ hữu hiệu nhằm giảm thiểu rủi ro rút tiền hàng loạt tại các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trong hành vi của người gửi tiền cũng như hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG còn tồn tại yếu tố rủi ro đạo đức, từ đó ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống tài chính – ngân hàng. Hệ thống phí BHTG phân biệt là một trong những biện pháp nhằm hạn chế rủi ro đạo đức, tăng tính công bằng và kỷ luật thị trường khi mà các tổ chức tín dụng có rủi ro cao phải đóng phí cao.
IADI đã thành lập một Ủy ban kỹ thuật nghiên cứu về hiệu quả áp dụng phí theo rủi ro tại các tổ chức BHTG trên thế giới để đánh giá các điều kiện chung thuận lợi khi áp dụng phí theo rủi ro hiệu quả và các kỹ thuật tốt nhất nhằm đánh giá định lượng hệ thống phí theo rủi ro với 4 mục đích chính: Xác định mục tiêu và kỳ vọng hợp lý để thực hiện phí theo rủi ro; Đánh giá cơ bản về phí theo rủi ro, gồm cả các nhân tố về môi trường và các đặc điểm thiết kế để tăng tính hiệu quả của phí theo rủi ro; So sánh việc đo lường hiệu quả của phí theo rủi ro tại các quốc gia khác nhau và mô tả các phương pháp định lượng để đánh giá hiệu quả của phí theo rủi ro.
Các chuyên gia về tài chính – ngân hàng cho rằng phí BHTG theo rủi ro, cùng với giám sát an toàn, quy định về tài chính, và giới hạn về phạm vi và mức độ bảo hiểm là những biện pháp giúp giảm rủi ro đạo đức. Thông qua nghiên cứu tổng quan, IADI xác định các phương pháp luận về đánh giá rủi ro trong mô hình phí phân biệt: mô hình cấu trúc, mô hình tổn thất dự kiến, và tính toán quy mô quỹ. Việc đánh giá ảnh hưởng, nhất là ảnh hưởng cận biên của phí phân biệt lên mức độ chấp nhận rủi ro của các tổ chức tham gia BHTG khá khó khăn, trong bối cảnh còn nhiều yếu tố khác nhau về địa lý và thời gian giữa các quốc gia. Các nghiên cứu trước đây chủ yếu tập trung vào so sánh việc áp dụng phí đồng hạng và phí phân biệt cũng như các yếu tố rủi ro ngân hàng khác khi áp dụng phí phân biệt.
Theo khảo sát thường niên năm 2019 của IADI, hiện có 52% số tổ chức BHTG áp dụng hình thức phí đồng hạng, 36% áp dụng phương pháp tính phí phân biệt và 12% kết hợp cả hai cách tính phí trên.
Kết quả khảo sát về phí phân biệt của IADI cho thấy, mục tiêu của các tổ chức thành viên khi áp dụng phí phân biệt là giảm rủi ro đạo đức thông qua việc hạn chế các tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi rủi ro cao và tăng tính công bằng trong việc nộp phí của các tổ chức tham gia BHTG. Các chỉ tiêu về rủi ro thường được sử dụng gồm tỷ lệ đổ vỡ trước đây, xếp hạng sau khi thanh tra, kiểm tra cũng như các thông tin thị trường. Hệ thống phí phân biệt có thể không phản ánh đầy đủ mức độ rủi ro của các tổ chức rủi ro nhất vì nhiều hạn chế về mặt chính trị và thực tiễn, chẳng hạn như quyền hạn của tổ chức BHTG trong việc thiết lập hệ thống phí phân biệt này.
Trường hợp một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Canada, Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia và Châu Âu áp dụng các biện pháp khác nhau để thiết lập hệ thống phí phân biệt. Trong đó Canada, Đài Loan, Malaysia và Hàn Quốc chỉ ra rằng, hệ thống phí phân biệt góp phần giảm rủi ro đạo đức, vì tại các quốc gia này đã giảm đáng kể số lượng các tổ chức xếp loại rủi ro cao sau khi áp dụng phí phân biệt.
Hàn Quốc và Canada đánh giá hệ thống phí phân biệt hàng năm. Malaysia đánh giá hệ thống phí phân biệt 3 năm một lần trong khi Đài Loan, Châu Âu và Mỹ đánh giá lại khi cần thiết. Các điều kiện để đánh giá lại về hệ thống phí phân biệt có thể là khi có thay đổi về các điều kiện kinh tế quốc gia, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế mới, khủng hoảng tài chính, thay đổi về pháp lý v.v.
Về các phương pháp định lượng để đánh giá hệ thống phí phân biệt, phương pháp đơn giản nhất là so sánh định kỳ giữa số phí thu được và các chỉ số rủi ro như tỷ lệ đổ vỡ trước đây hoặc tổn thất do chi trả bảo hiểm. Ví dụ, tổ chức tín dụng có rủi ro cao sẽ phải đóng phí cao hơn và cũng có tỷ lệ đổ vỡ cao hơn. Một số phương pháp phức tạp hơn sử dụng số liệu thống kê tương quan với tỷ lệ đổ vỡ hoặc tổn thất và các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng tỷ lệ phí phân biệt.
Tóm lại, nghiên cứu của IADI kết luận, hệ thống phí phân biệt có thể được sử dụng nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm hành vi rủi ro và đảm bảo tính công bằng trong việc nộp phí BHTG. Để xem xét hiệu quả của hệ thống phí phân biệt theo mục tiêu đề ra, cần có đánh giá định kỳ và hiệu chuẩn lại trong trường hợp cần thiết. Việc cập nhật thường xuyên về mặt số liệu liên quan là một yếu tố quan trọng và là cơ sở khoa học để xây dựng hệ thống phí phân biệt.