Báo cáo đã đưa ra 5 thách thức mà các tổ chức BHTG phải đối mặt do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các giải pháp ứng phó với các thách thức đó. Cụ thể:
Thứ nhất, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng tới năng lực hoạt động của tổ chức BHTG, đặc biệt khả năng hoạt động liên tục của tổ chức. Vì vậy, tổ chức BHTG cần đưa rủi ro hoạt động liên quan đến khí hậu vào kế hoạch dự phòng của mình.
Thứ hai, biến đổi khí hậu có thể gây ảnh hưởng tới sự ổn định tài chính. Cụ thể, các tác động tiêu cực tiềm ẩn của biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng tới sự ổn định của hệ thống tài chính nói chung và các tổ chức BHTG nói riêng. Với mục tiêu chính sách công là góp phần ổn định tài chính, các tổ chức BHTG cần nỗ lực nghiên cứu nhằm tìm hiểu các rủi ro hệ thống của biến đổi khí hậu để từ đó có các biện pháp ứng phó phù hợp.
Thứ ba, biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng tới rủi ro đổ vỡ ngân hàng và chi phí xử lý. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng gián tiếp tới các tổ chức BHTG thông qua việc gia tăng xác suất đổ vỡ của các ngân hàng, dẫn tới gia tăng chi phí xử lý và chi trả của tổ chức BHTG. Vì vậy, tổ chức BHTG cần đảm bảo quy mô quỹ mục tiêu đủ để tham gia xử lý và đảm bảo chi trả nhanh chóng cho các ngân hàng quy mô nhỏ hoặc một số ngân hàng quy mô vừa.
Thứ tư, trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các tổ chức BHTG cần xem xét đưa yếu tố biến đổi khí hậu vào mô hình phân tích rủi ro và giám sát tài chính của mình.
Cuối cùng, với mục tiêu chi trả nhanh chóng và góp phần ổn định tài chính, các tổ chức BHTG cần xem xét tới yếu tố biến đổi khí hậu một cách đầy đủ trong việc quản lý và đầu tư quỹ BHTG nhằm tránh những rủi ro có thể gặp phải như rủi ro thanh khoản, rủi ro thị trường, rủi ro về uy tín.