Giới phân tích vẫn đang tranh cãi liệu giảm phát có đang xuất hiện tại euro zone, khi lạm phát liên tục thấp hơn mục tiêu của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Giảm phát có thể làm giảm tiêu dùng của người dân, khi mọi người có xu hướng đợi giá xuống thấp nữa. Đầu tư cũng yếu đi do chi phí đi vay thực tăng lên.
Bà Lagarde cũng cảnh báo về những biến động có thể xảy ra do hoạt động giảm kích thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). "Nhìn tổng thể, triển vọng vẫn là tích cực. Nhưng tăng trưởng toàn cầu còn quá thấp, quá mong manh và không đồng đều", bà cho biết.
Hôm qua, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng ra báo cáo thường niên về triển vọng kinh tế toàn cầu. Trong đó, họ nhận xét các nước giàu "cuối cùng cũng tới bước ngoặt" sau 5 năm khủng hoảng tài chính. Việc này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ đà tăng trưởng tại các nền kinh tế đang phát triển. Tuy nhiên, WB cũng cảnh báo triển vọng tăng trưởng "còn dễ tổn thương" do ảnh hưởng từ việc Mỹ giảm nới lỏng tiền tệ.
Tháng trước, FED quyết định giảm quy mô gói nới lỏng tiền tệ từ 85 tỷ USD xuống 75 tỷ USD một tháng. Việc này đã làm dấy lên lo ngại lãi suất toàn cầu có thể tăng, ảnh hưởng đến dòng vốn ra vào các nước đang phát triển và gây biến động các thị trường tài chính.
Chủ tịch WB – Jim Young Kim cho biết: "Các nền kinh tế tiên tiến đang lấy lại đà tăng. Việc này sẽ hỗ trợ những quốc gia đang phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, các nền kinh tế đang phát triển phải cải tổ cấu trúc, tạo nhiều việc làm, củng cố hệ thống tài chính và tăng cường an ninh xã hội".
Trên BBC, Andrew Burns - chuyên gia kinh tế của WB dự đoán Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Indonesia là những nước có thể chịu ảnh hưởng từ FED. Dù vậy, ông cũng nhận xét quyết định của FED vẫn chưa gây ảnh hưởng trầm trọng lên các thị trường.