IMF nêu rõ thời điểm và giám sát quá trình chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ là vô cùng quan trọng. Kéo dài quá mức chính sách trên có thể làm gia tăng các nguy cơ đe dọa sự ổn định tài chính.
Ngược lại, chấm dứt quá đột ngột cũng kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực đối với tiến trình phục hồi của nền kinh tế.
Theo IMF, là nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ có thể ngừng chính sách tiền tệ một cách suôn sẻ song nguy cơ về một hệ quả tiêu cực là "hoàn toàn có thể".
Giám đốc Cục thị trường vốn và tiền tệ của IMF Jose Vinals cho biết kịch bản tồi tệ có thể bắt nguồn từ những lo ngại tại Mỹ về nguy cơ tài chính bất ổn định hoặc lạm phát tăng cao.
Điều này sẽ dẫn đến những bất ổn tài chính có khả năng lan rộng ra thị trường toàn cầu. Đặc biệt, tại các nước đang phát triển, tỷ lệ lãi suất cao, thu nhập giảm và đồng nội tệ mất giá nhiều khả năng sẽ đẩy những tập đoàn kinh tế vào tình cảnh khó khăn.
Theo ông Vinals, để đảm bảo một quá trình chuyển đổi thành công từ mô hình thị trường chịu sự chi phối của chính sách nới lỏng tiền tệ chi phối sang mô hình thị trường gắn liền với tăng trưởng, nước Mỹ cần phải có những quyết định chính xác về thời điểm, phương thức triển khai tiến trình bình thường hóa chính sách tiền tệ.
Các nền kinh tế đang phát triển cũng cần chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với các điều kiện tài chính thắt chặt hơn trên thị trường toàn cầu bằng cách tăng khả năng thích ứng thông qua chính sách vĩ mô thận trọng và bền vững, quản lý hoạt động đầu tư bằng vốn vay.