Vấn đề BHTG đã được thảo luận ở Nam Phi từ hơn một thập kỷ qua, nhưng “rào cản” lớn nhất về chi phí khiến nước này vẫn chưa thực hiện được dự định đề ra.
Năm ngoái, Ngân hàng Châu Phi - ngân hàng cho vay không bảo đảm lớn nhất Nam Phi đổ vỡ dẫn tới việc Ngân khố Quốc gia (một cơ quan thuộc Bộ Tài chính) phải chỉ định một đơn vị tiếp nhận và xử lý. Dù tỷ lệ khách hàng cá nhân chỉ chiếm 1% tổng số người gửi tiền tại ngân hàng này và quyền lợi của họ không bị đe dọa, tuy nhiên việc thiết lập hệ thống BHTG một lần nữa được khơi lên.
Tháng 12 vừa qua, IMF đã phát hành một báo cáo đánh giá mức độ ổn định của hệ thống tài chính Nam Phi. Báo cáo này khuyến cáo Nam Phi nên thiết lập cơ chế BHTG và áp dụng phương pháp tiếp cận “ưu tiên người gửi tiền”.
Ông Annelie Schnaar - Campbell – Trưởng bộ phận đánh giá tác động pháp lý và chiến lược – ngân hàng Standard cho biết, “Ưu tiên người gửi tiền” hàm ý rằng, sau khi thanh lý ngân hàng đổ vỡ, đối tượng gửi tiền cá nhân cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) sẽ được ưu tiên chi trả trước. Đề xuất của IMF là một “phương pháp tiếp cận hỗn hợp”, vừa có khuynh hướng ưu tiên người gửi tiền, vừa thiết lập một quỹ BHTG nhằm xử lý đổ vỡ ngân hàng trong tương lai.
“Dựa trên các bảng cân đối tài khoản và tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng Nam Phi, chúng tôi tin rằng phương pháp tiếp cận ưu tiên người gửi tiền sẽ là phương pháp phù hợp nhất trong việc bảo vệ người gửi tiền cá nhân cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt khi hiệu lực của nó sẽ không bị giới hạn bởi quy mô quỹ” - Annelie Schnaar-Campbell khẳng định. Việc rút một khoản tiền lớn từ hệ thống tài chính để thiết lập quỹ BHTG sẽ làm giảm nguồn vốn quỹ của các ngân hàng, do đó sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng nói riêng và tăng trưởng kinh tế Nam Phi nói chung.
Dù Nam Phi chưa có những biện pháp bảo vệ người gửi tiền một cách chính thức, trong quá khứ, Ngân hàng Dự trữ quốc gia cũng đã thực hiện cấp vốn cho các ngân hàng đổ vỡ.
Ông Hlengani Mathebula – Trưởng bộ phận truyền thông Ngân hàng Dự trữ quốc gia cho biết: “Nam Phi đang tồn tại một hệ thống BHTG không chính thức. Chính phủ đã nhiều lần bồi thường cho những người gửi tiền nhỏ khi có ngân hàng đổ vỡ.” Ông khẳng định, Ủy ban Ổn định Tài chính của Nhóm các nền kinh tế lớn (G-20) đã đưa ra một số chính sách để giải quyết vấn đề của những định chế tài chính “quá lớn để bị đổ vỡ”, trong đó có tiêu chuẩn rằng mỗi quốc gia cần có những quỹ tư nhân, nguồn quỹ tại chỗ, hoặc có kế hoạch hoàn trả chi phí mà khu vực công đã sử dụng để xử lý ngân hàng đổ vỡ bằng nguồn lực từ khu vực tư nhân.
“Là một thành viên của G-20, Nam Phi cam kết thực hiện các tiêu chuẩn đó và Ngân hàng Dự trữ quốc gia đang phối hợp chặt chẽ với Ngân khố Quốc gia trong việc xem xét những tiêu chuẩn nào là phù hợp và khả thi” – ông Mathebula nói.
Andries du Toit – kế toán trưởng Tập đoàn FirstRand cho rằng, BHTG sẽ cải thiện sự ổn định tài chính, tác động tích cực tới cả người gửi tiền lẫn nền kinh tế. Định chế này sẽ bảo vệ những đối tượng gửi tiền phức tạp và đảm bảo những đối tượng này có thể tiếp cận nguồn vốn của mình một cách kịp thời. Trong khi đó, Giáo sư David Taylor từ Viện nghiên cứu Thị trường tài chính và Quản trị rủi ro châu Phi - Trường ĐH Cape Town lại lo ngại vấn đề rủi ro đạo đức nảy sinh khi định chế BHTG chính thức tồn tại.
Hiện nay, 6 ngân hàng lớn nhất Nam Phi đang nắm giữ 94% tổng tài sản của các ngân hàng và ngân hàng nào trong nhóm này cũng đều quá lớn để bị đổ vỡ.