Trong báo cáo có chủ đề “Khuôn khổ xử lý và ứng phó với khủng hoảng”, IMF cho biết ELA sẽ được thực hiện thông qua xem xét, điều chỉnh các thủ tục và khía cạnh pháp lý nhằm loại bỏ các yếu tố gây ảnh hưởng đến hoạt động hỗ trợ vốn của Quỹ. Đối với KDIC, Quỹ BHTG sẽ được cải thiện và thoát khỏi tình trạng thâm hụt vốn và đảm bảo có “nguồn dự phòng” cần thiết.
IMF cũng nhấn mạnh vai trò của KDIC và cho rằng việc nâng cao năng lực cho tổ chức này là cần thiết để can thiệp hiệu quả vào quá trình xảy ra khủng hoảng. Thứ nhất là việc không để các ngân hàng thiếu thanh khoản tiếp tục nhận tiền gửi và chi trả tiền gửi hiện có, thứ hai là thiết lập một Quỹ dự phòng nhằm tăng cường năng lực chi trả kịp thời cho người gửi tiền và đáp ứng các yêu cầu về thanh khoản khi xảy ra khủng hoảng tài chính.
Bên cạnh đó, IMF cho hay các thỏa thuận này có thể bao gồm việc dàn xếp vốn với Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc hoặc nhận hỗ trợ tín dụng từ Chính phủ. IMF khuyến nghị Chính phủ Hàn Quốc cần rà soát lại các quy trình liên quan đến việc rút ngắn thời hạn chi trả cho người gửi tiền và hỗ trợ tài chính, biện pháp xử lý đối với các ngân hàng có vấn đề.
Từ đầu năm 2010, KDIC đã chi trả hàng nghìn tỷ won cho người gửi tiền khi quốc gia này phải đối mặt với hàng chục vụ đổ vỡ ngân hàng cho vay thứ cấp. Không những thế, hàng nghìn người gửi tiền còn khiếu nại đòi được chi trả toàn bộ tiền gửi được bảo hiểm tại các ngân hàng phá sản vì theo Luật định, KDIC sẽ phải chi trả tối đa 50 triệu won (tương đương 45.900 USD) đối với mỗi tài khoản tiền gửi khi có sự cố đổ vỡ ngân hàng.