Thông cáo báo chí của IMF cho biết định chế tài chính hàng đầu thế giới này đã khuyến cáo Bosnia và Herzegovina:
i, Hệ thống tài chính BiH chịu sự chi phối chính bởi lĩnh vực ngân hàng. Tổng tài sản ngành ngân hàng chiếm khoảng 87% tài sản hệ thống tài chính, tương đương 84%GDP. Hệ thống ngân hàng BiH chủ yếu là các công ty con nước ngoài, chiếm hơn 80% tổng tài sản ngành ngân hàng và các công ty bảo hiểm, tổ chức tài chính phi ngân hàng khác đóng một vai trò nhỏ. Hệ thống tài chính vẫn đang phải đối mặt với các dư chấn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Bên cạnh đó là những lỗ hổng lớn trong quản trị, giám sát và xử lý ngân hàng; tín dụng cho khu vực tư nhân tiếp tục phát triển rất chậm.
ii, Chỉ số khả năng thanh toán và thanh khoản bình quân đã tiến triển tốt nhưng có sự khác biệt lớn giữa các ngân hàng. Đặc biệt trong các ngân hàng sở hữu nhà nước, trong khi một số ngân hàng phải vật lộn để đáp ứng yêu cầu về vốn, thì một số khác chỉ dựa vào sự hỗ trợ công cho những kế hoạch không xác định. Kết quả các bài kiểm tra cho thấy rủi ro cao và chỉ số thanh khoản thấp tập trung tại những ngân hàng này.
iii, Cả ngân hàng thương mại và ngân hàng TW BiH đều gặp khó khăn trong vấn đề thanh khoản. Thị trường thứ cấp cho chứng khoán chính phủ cũng như thị trường tiền tệ và thị trường liên ngân hàng tương đối nhỏ và khó thanh khoản. Công cụ vĩ mô kém phát triển, nhưng hiện đang được BiH mở rộng bao gồm cả các yếu tố của Basel III.
iv, BiH chưa có một chương trình xử lý đổ vỡ, khắc phục hậu quả và hỗ trợ thanh khoản cụ thể. IMF nhấn mạnh Cơ quan bảo hiểm tiền gửi (DIA) là rất cần thiết và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Ban điều hành IMF nhấn mạnh rằng nền tài chính vững mạnh là điều cần thiết để duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và khôi phục tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, IMF cũng đưa ra một số khuyến nghị:
i, Cần xây dựng chiến lược kịp thời áp dụng cho các ngân hàng yếu kém. Các cơ quan chức năng cần giải quyết kịp thời các khoản vay có hiệu suất thấp bằng cách tinh giản thủ tục thanh lý tài sản thế chấp, tạo điều kiện tái cơ cấu nợ cho các công ty;
ii, Các cơ quan chức năng nên tăng cường hợp tác giữa các giám sát viên, ban hành luật mới về ngân hàng tăng cường quyền hạn giám sát, củng cố quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro.
iii, Tăng cường mạng lưới an toàn tài chính bằng cách tạo ra một khuôn khổ và công cụ xử lý thích hợp. Ban điều hành IMF ủng hộ việc thành lập một quỹ ổn định tài chính nhằm mục đích hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp, xử lý các ngân hàng 1 cách hệ thống trong bối cảnh của BiH hiện nay.
D.T.T
Nguồn:
http://www.imf.org/external/np/sec/pr/2015/pr15327.htm