IMF nhận định, hệ thống ngân hàng New Zealand tập trung vào lĩnh vực kinh doanh nhà ở và sữa.Bên cạnh sự phụ thuộc nghiêm trọng vào thị trường bán buôn ở nước ngoài, đây là một số những yếu tổ rủi ro đối với ngành tài chính nước này. Trong vài năm trở lại đây, tín dụng đã tăng trưởng mạnh mẽ trở lại, khiến gia tăng áp lực huy động vốn cũng như dấy lên những lo ngại đối với lĩnh vực kinh doanh nhà ở.
Các cuộc kiểm tra sức chịu đựng (stress test) đã được thực hiện cho thấy hệ thống tài chính New Zealand có thể chịu đựng các cú sốc nghiêm trọng, tuy nhiên vẫn cần duy trì sự cẩn trọng. IMF khuyến cáo các cơ quan có thẩm quyền của nước này tăng cường cơ chế giám sát tài chính và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khủng hoảng.
Cụ thể, IMF một lần nữa đề nghị trao cho Ngân hàng Dự trữ (NHTW) New Zealand quyền giới hạn tỷ lệ nợ trên thu nhập (DTIs). IMF ghi nhận công cụ hạn chế tỷ lệ cho vay trên giá trị (LVRs) của NH Dự trữ dù đã góp phần tăng cường danh mục đầu tư của các ngân hàng, song hiệu quả vẫn còn hạn chế do giá nhà tăng.
Hiện tại, Chính phủ New Zealand đang áp dụng khuôn khổ xử lý đổ vỡ gọi là “Cơ chế xử lý mở” nhằm tránh sử dụng ngân sách công để cứu trợ các tổ chức tài chính gặp vấn đề với quy mô tiền gửi từ 1 tỷ đô la New Zealand (tương đương gần 705 ngàn đô la Mỹ) trở lên. Theo chính sách này, ngay ngày làm việc tiếp theo sau khi được tuyên bố phá sản và đặt dưới sự quản lý theo luật định, ngân hàng sẽ tiếp tục vận hành một phần hoặc toàn bộ quy mô kinh doanh. Như vậy, khách hàng có thể truy cập vào một phần hoặc toàn bộ các tài khoản tiền gửi của mình cũng như các dịch vụ khác của ngân hàng, trong khi giải pháp xử lý đổ vỡ lâu dài của ngân hàng đang được cơ quan có thẩm quyền xác định.Cơ chế xử lý mở được thiết kế để đảm bảo rằng thiệt hại do đổ vỡ trước hết phải do những cổ đông hiện hữu của ngân hàng đó gánh chịu. Thêm vào đó, một phần của quỹ tiền gửi và các chủ nợ không có đảm bảo khác sẽ được đóng băng để bù các khoản lỗ còn lại.Trong trường hợp ngân hàng có thể bù lỗ mà không sử dụng đến quỹ tiền gửi, các khoản tiền gửi sẽ được phá băng và trả lại cho người gửi tiền.
IMF đánh giá, việc áp dụng Cơ chế xử lý mở là một bước tiến đúng đắn nhằm xây dựng khuôn khổ xử lý khủng hoảng, tuy nhiên cần bổ sung việc áp dụng cơ chế bảo hiểm tiền gửi, hoặc ít nhất là cơ chế hạn chế tối đa tình trạng đóng băng tiền gửi hoặc người gửi tiền chịu mất mát.
Theo định chế tài chính quan trọng này, giải pháp tốt nhất nhằm nâng cao độ tin cậy và tăng cường hiệu quả của mạng an toàn tài chính chính là cơ chế bảo hiểm tiền gửi.Khác với các nước OECD còn lại, New Zealand hiện không áp dụng cơ chế bảo hiểm tiền gửi.Điều này thể hiện định hướng chính sách của Chính phủ cũng như quan điểm cố hữu của Ngân hàng trung ương rằng cơ chế bảo lãnh tiền gửi ngầm sẽ góp phần hạn chế rủi ro đạo đức. IMF nhận định, việc thiết lập cơ chế BHTG cũng sẽ là một thách thức trong điều kiện hệ thống ngân hàng của New Zealand có mức độ tập trung cao, trong khi không thích hợp để xử lý các đổ vỡ hệ thống.
Các cuộc tham vấn rộng rãi của Ngân hàng Dự trữ New Zealand với các bên có liên quan đã đưa ra đề xuất chính sách de minimis, theo đó giá trị tiền gửi từ 500 đô la New Zealand (khoảng 345 đô la Mỹ) sẽ không nằm trong diện bị đóng băng khi ngân hàng đổ vỡ. Tuy nhiên, IMF cho rằng mức độ bảo lãnhđối với tiền gửi cần phải cao hơn và được quy định bằng các văn bản pháp lý nhằm giảm thiểu khả năng rút tiền hàng loạt cũng như áp lực chính trị dẫn tới cứu trợ ngân hàng. Các phân tích của cơ quan quản lý cho thấy mức 10.000 đô la New Zealand (khoảng 6.900 đô la Mỹ) sẽ bảo vệ toàn bộ được cho 80% số tài khoản tiền gửi, trong khi vẫn đảm bảo một giá trị lớn tiền gửi không được bảo vệ. IMF ghi nhận, mức 10.000 đô la New Zealand vẫn thấp hơn nhiều so với thông lệ xác định hạn mức bảo hiểm tiền gửi là gấp 2-3 lần GDP bình quân đầu người, phản ánh thực tế rằng hầu hết người New Zealand không tích lũy các khoản tiết kiệm lớn trong ngân hàng.
IMF cho rằng trong bối cảnh khủng hoảng, vai trò chủ chốt và thẩm quyền thực hiện xử lý đổ vỡ của Ngân hàng dự trữ New Zealand cũng cần được minh định. Ngân hàng dự trữ nên là cơ quan duy nhất có thẩm quyền xử lý đổ vỡ, với vai trò, quyền hạn cụ thể và chỉ cần sự đồng ý của Bộ Tài chính trong trường hợp xử lý đổ vỡ của tổ chức có tầm quan trọng đối với hệ thống.
IMF khuyến cáo NH Dự trữ New Zealand sử dụng một cách tiếp cận mạnh mẽ hơn trong công tác giám sát. Ngân hàng trung ương và các cơ quan giám sát ngân hàng phải ban hành các tiêu chuẩn giám sát có hiệu lực đối với các rủi ro chính, xem đánh giá lại cơ chế cưỡng chế nhằm thúc đẩy phòng ngừa rủi ro, và khởi động các chương trình tại chỗ đối với các lĩnh vực rủi ro cao.
Bên cạnh đó, IMF đưa ra khuyến nghị New Zealand giảm bớt các ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực bất động sản. Đối với thị trường chứng khoán, IMF đánh giá cao việc thành lập Cơ quan quản lý thị trường tài chính (FMA), tuy nhiên cũng đề nghị nâng cao hiệu quả quản lý lĩnh vực này cũng như lĩnh vực bảo hiểm.
Trước các khuyến nghị từ IMF, Ngân hàng dự trữ, Cơ quan quản lý thị trường tài chính và Bộ Tài chính New Zealand đều phát đi thông cáo xác nhận đánh giá của IMF đối với nền tài chính nước này, đồng thời khẳng định sẽ xem xét và áp dụng các biện pháp nhằm nâng cao sự ổn định của hệ thống tài chính, trong đó có các biện pháp liên quan tới giám sát, quản lý rủi ro và xử lý đổ vỡ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Steven Joyce tuyên bố, cơ chế bảo hiểm tiền gửi không phải là một phương án phù hợp, và New Zealand đang hướng tới phương án xây dựng một hình thức bảo lãnh tiền gửi trong trường hợp xử lý tổ chức tín dụng đổ vỡ thông qua “Cơ chế xử lý mở”.
Đ.T.T