Kể từ hồi tháng 3, nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á đã điều chỉnh các quy định về quản lý khủng hoảng để ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đối với hệ thống tài chính - ngân hàng.
Theo quy định tại Nghị định mới được ban hành, LPS được phép hỗ trợ Cơ quan Dịch vụ Tài chính (OJK) nhằm giám sát các ngân hàng sau khi OJK đặt ngân hàng đó vào tình trạng giám sát tăng cường. LPS cũng được phép hỗ trợ tài chính cho ngân hàng để cải thiện tình trạng thanh khoản hoặc khắc phục tình trạng mất khả năng thanh toán.
Ngoài ra, LPS còn được huy động vốn thông qua một số công cụ tài chính, bao gồm nắm giữ trái phiếu Chính phủ trong các giao dịch mua lại với Ngân hàng Trung ương, bán hoàn toàn trái phiếu đó cho Ngân hàng Trung ương, phát hành trái phiếu bằng đồng Rupiah hoặc ngoại tệ và vay từ Chính phủ.
Trước đại dịch, LPS tập trung vào một số nghiệp vụ chính đó là bảo đảm tiền gửi cho người gửi tiền nhỏ lẻ và thanh lý hoặc cứu trợ một ngân hàng đổ vỡ. LPS thu phí từ các ngân hàng thương mại để duy trì hoạt động của mình và tích lũy cho quỹ dự phòng nghiệp vụ.
Theo thông tin từ Reuters, Tổng thống Joko Widodo đang xem xét giao cho Ngân hàng Trung ương việc xây dựng quy định về ngân hàng trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây áp lực cho toàn ngành.
Thời gian qua, OJK đã nới lỏng các quy tắc về cơ cấu lại khoản vay trong một động thái ngăn chặn việc các ngân hàng phải chuẩn bị các khoản dự phòng lớn đối với nợ xấu và giữ tỷ lệ cho vay không thực hiện ở mức tương đối thấp (ở mức 3,01% trong tháng 5).
Dựa trên dữ liệu của OJK tính đến ngày 29 tháng 6, các ngân hàng đã cơ cấu lại khoản vay trị giá 740,8 nghìn tỷ rupiah (51,71 tỷ USD) cho 6,56 triệu người đi vay.