Phí bảo hiểm hiện đang được thu đồng hạng ở mức 0.2% tổng số dư tiền gửi, áp dụng đối với tất cả các tổ chức tham gia BHTG mà không tính đến mức độ rủi ro cụ thể của từng tổ chức. Luật Phòng chống và Giảm nhẹ khủng hoảng cho hệ thống tài chính (PPKSK) có hiệu lực từ năm 2016 đã quy định cho phép LPS được phát hành trái phiếu, nhưng chỉ trong trường hợp khẩn cấp, cũng là khi lợi suất trái phiếu nằm ở mức rất cao.
Báo cáo đánh giá do Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra vào tháng 5 vừa qua cho thấy mức độ rủi ro của hệ thống tài chính Indonesia là thấp và nhìn chung có khả năng chống lại ngay cả những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Tuy nhiên, vấn đề là khó có thể xác định khủng hoảng tài chính sẽ xảy ra khi nào hay bắt nguồn từ đâu. Chịu sự chi phối lớn bởi đầu tư từ nước ngoài, nền kinh tế Indonesia đặc biệt dễ bị tổn thương nếu kinh tế toàn cầu gặp khủng hoảng. Các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ ít nhất 50% cổ phiếu và 40% trái phiếu đang giao dịch trên thị trường thứ cấp – những chứng khoán nằm trong tốp giá trị cao nhất của khu vực.
Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính 1997 – 1998 cho thấy ngay cả việc đóng cửa 15 ngân hàng nhỏ chiếm chưa đến 2% tổng tài sản của toàn bộ hệ thống ngân hàng cũng đã có thể gây ra sự hoảng loạn.
Số lượng ngân hàng tăng cao với tổng cộng khoảng 120 ngân hàng thương mại khiến cho việc giám sát gặp nhiều khó khăn. Mặc dù có hơn 85% tổng tài sản của hệ thống ngân hàng đang tập trung tại 20 ngân hàng lớn, nhưng nếu cùng lúc nhiều ngân hàng gặp khó khăn, một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng có thể sẽ bắt đầu.
Phát biểu tại một hội nghị quốc tế về bảo hiểm tiền gửi tại Yogyakarta vào trung tuần tháng 7 vừa qua, LPS cho biết, tính tới tháng 4/2017, quỹ cứu trợ ngân hàng của LPS chỉ đạt khoảng 80 nghìn tỷ Rupi Indonesia (tương đương khoảng 6 tỷ USD). Trong khi đó, khoảng 100 ngân hàng nhỏ và vừa với quy mô vốn từ 1 nghìn tỷ Rupi đến 5 tỷ Rupi đang nắm giữ hơn 740 nghìn tỷ Rupi tiền gửi và 20 ngân hàng lớn nắm giữ khoảng 4 triệu tỷ Rupi.
Luật PPKSK chỉ cho phép LPS cứu trợ các ngân hàng có tầm ảnh hưởng hệ thống, gồm 20 ngân hàng lớn nhất. Điều này đồng nghĩa, LPS sẽ cho đóng cửa hoặc vào tiếp quản nếu các ngân hàng nhỏ và vừa đối mặt với vấn đề thanh khoản nghiêm trọng hoặc mất khả năng thanh toán. Về phần mình, các ngân hàng có tầm ảnh hưởng hệ thống cũng chỉ được nhận những khoản tín dụng hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn từ Ngân hàng TW Indonesia nếu họ chứng minh có đủ khả năng trả nợ.
Do thiếu hụt nguồn quỹ BHTG trong tương lai gần, có lẽ Chính phủ nước này cần sớm giảm hạn mức trả tiền bảo hiểm hiện là 2 tỷ Rupi (khoảng hơn 150.000 USD). Điều này sẽ khiến người dân chuyển sang gửi tiền tại các ngân hàng lớn, qua đó thúc đẩy tái cơ cấu ngành ngân hàng. Hạn mức trả tiền bảo hiểm này hiện cao hơn nhiều so với hạn mức BHTG tại hầu hết các quốc gia khác, thường chỉ từ 90.000 đến 100.000 USD.
Hiện hệ thống tài chính của Indonesia được đánh giá là khá ổn định và lành mạnh, đủ để thực hiện tái cơ cấu.
Đ.T.T
Nguồn: http://www.thejakartapost.com/academia/2017/07/24/editorial-deposit-insurer-short-of-funds.html