Lãi suất huy động tăng ở một số ngân hàng
Sau nhiều tháng duy trì ở mức thấp, vào cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, lãi suất huy động bất ngờ tăng nhẹ ở một số ngân hàng thương mại trong nước.
Từ đầu tháng 6/2021, lãi suất tiết kiệm tại một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng nhẹ. Theo đó, lãi suất tiết kiệm một số ngân hàng tăng từ 0,1-0,3 điểm % ở các kỳ hạn.
Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Sài Gòn - Hà Nội (SHB) điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,1-0,3 điểm %, nâng kỳ hạn 6 tháng lên mức 5,75%/năm, kỳ hạn 24 tháng lên mức 6,55%/năm.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) áp dụng biểu lãi suất tiết kiệm mới, tăng thêm 0,2 điểm % so với trước ở một số kỳ hạn. Cụ thể, gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn 2 tháng tăng lên 3,5%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng tăng lên 3,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng lên 5%/năm. Một số kỳ hạn dài lãi suất được điều chỉnh tăng thêm 0,1 điểm %, cao nhất là kỳ hạn 36 tháng có lãi suất 6,4%/năm.
Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) nâng lãi suất kỳ hạn 1 và 2 tháng tăng 0,1 điểm %, kỳ hạn từ 3 tháng đến 11 tháng tăng 0,2 điểm % so với trước đó.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) có lãi suất dành cho tài khoản đắc lộc, kỳ hạn 12 tháng là 6,5%/năm, cao hơn 0,5 điểm % so với lãi suất gửi tiết kiệm thông thường.
Tại một số ngân hàng nhỏ, khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến, kỳ hạn từ 9 tháng đến 36 tháng, vẫn nhận được mức lãi suất khá tốt. Với kỳ hạn 9 tháng, lãi suất gửi trực tuyến cao nhất là 6,7%/năm thuộc về Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank); kỳ hạn 12 tháng là 6,9%/năm thuộc về Nam A Bank...
Ngoài ra, vẫn có một số ngân hàng duy trì lãi suất tiết kiệm ở mức cao. Ngân hàng TMCP Phương đông (OCB) đang có lãi suất niêm yết ở mức 8,2%/năm, áp dụng cho khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) có lãi suất 7,4%/năm áp dụng với các khoản tiết kiệm từ 30 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng. Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) ưu đãi mức lãi suất 7,1%/năm đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm thường trả lãi cuối kỳ, kỳ hạn 12 tháng, mức tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên...
Thực tế, diễn biến tăng lãi suất huy động tại một số ngân hàng trong thời gian gần đây chỉ mang tính cục bộ, không phải xu hướng chung.
Nếu so sánh biểu lãi suất ngân hàng tháng 5/2021 của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước: VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank, thì biểu lãi suất tháng 6/2021 của 4 'ông lớn' này chưa có gì thay đổi.
Cụ thể, tháng 6/2021, lãi suất tiền gửi tại ngân hàng VietinBank vẫn ổn định. Theo đó, mức lãi suất thấp nhất hiện nay của ngân hàng này là 3,10%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 1 tháng. Mức cao nhất là 5,60%/năm được áp dụng tại kỳ hạn 12 tháng, 18 tháng và 24 tháng. Riêng kỳ hạn 3 tháng, lãi suất VietinBank ở mức 3,40%/năm, còn kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng, mức lãi suất là 4,00%/năm.
Tương tự VietinBank, lãi suất tại BIDV và Agirbank cũng vậy.
Trong số 4 'ông lớn' ngân hàng, chỉ duy có Vietcombank đang áp dụng mức lãi suất thấp nhất, thấp hơn 3 ngân hàng trên từ 0,20-0,30%.
Cụ thể, tại kỳ hạn 1 tháng, lãi suất tiền gửi của Vietcombank ở mức 2,90%/năm, thấp hơn 3 ngân hàng trên 0,20%; tại kỳ hạn 3 tháng, ngân hàng này đang áp dụng mức lãi suất 3,20%/năm; tại kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng, mức lãi suất là 3,80%/năm; từ kỳ hạn 12 tháng và 18 tháng, Vietcombank áp dụng mức lãi suất 5,50%/năm; riêng kỳ hạn 24 tháng, mức lãi suất chỉ còn 5,30%, thấp hơn 0,30% so với 3 ngân hàng còn lại.
Gửi tiết kiệm sinh lời và an toàn trong mùa dịch
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, thị trường chứng khoán có dấu hiệu "nóng" và tiềm ẩn rủi ro, thị trường bất động sản cũng vừa qua “cơn sốt nóng”, thì gửi tiết kiệm được đánh giá vẫn là kênh đầu tư sinh lời và an toàn nhất hiện nay. Người dân có thể lựa chọn gửi tiết kiệm online nhằm hạn chế rủi ro lây nhiễm covid-19, đồng thời lãi suất gửi tiết kiệm online thường được các ngân hàng thương mại niêm yết ở mức cao hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm thông thường từ 0,1-0,2%.
Các phân tích cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 tăng 0,16% so với tháng trước, bình quân 5 tháng, CPI chỉ tăng 1,29%, thấp nhất kể từ năm 2016. Như vậy, lạm phát của Việt Nam vẫn đang tiếp tục duy trì mức tăng thấp và vẫn còn cách khá xa mục tiêu điều hành lạm phát dưới 4% của năm nay. Ước tính CPI cả năm 2021 cũng sẽ trong khoảng 4%. Vì vậy, gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 6 tháng trở lên khách hàng vẫn được hưởng lãi suất thực dương.
Theo các chuyên gia, hoạt động cho vay tại các ngân hàng vừa qua tăng nhanh hơn so với tăng trưởng huy động vốn. Diễn biến này khiến thanh khoản của một số ngân hàng nhỏ không còn dư thừa nhiều như trước nữa. Bên cạnh đó, lãi suất huy động thấp cũng khiến một phần dòng tiền dịch chuyển từ kênh tiết kiệm sang chứng khoán, bất động sản nên các ngân hàng phải có động thái tăng lãi suất trở lại.
Nhận định việc điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng thương mại, chuyên gia tài chính - ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, đây là động thái điều chỉnh tăng tùy theo kỳ hạn chứ chưa phải là xu hướng chung của các ngân hàng.
Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, áp lực tăng lãi suất đầu vào là có trong bối cảnh lạm phát và lãi suất trên thế giới có xu hướng đi lên và Việt Nam cũng không nằm ngoài diễn biến này. Lãi suất huy động tăng một phần do dòng tiền nhàn rỗi chảy sang chứng khoán khi chỉ số VN-Index lập đỉnh; tín dụng đang tăng cao hơn so với tăng trưởng huy động vốn…
"Gần đây, một số ngân hàng thương mại cũng đẩy mạnh phát hành trái phiếu riêng lẻ để huy động vốn, vừa là để tăng thêm vốn cấp 2; huy động vốn đáp ứng nhu cầu tín dụng trung dài hạn. Dù vậy, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục ổn định trong bối cảnh cầu tín dụng còn yếu và kinh tế còn khó khăn trước diễn biến của Covid-19", TS. Cấn Văn Lực cho hay.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định, mặt bằng lãi suất sẽ giữ ổn định ở mức thấp trong ngắn hạn do dịch bệnh làm giảm cầu tín dụng. Tuy nhiên, khi cầu tín dụng tăng mạnh trở lại, cùng với áp lực lạm phát, thì lãi suất huy động có thể sẽ nhích tăng trong nửa cuối năm nay.
Trong điều hành lãi suất, gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh giảm liên tục 3 lần lãi suất trong năm 2020 và mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm đến nay, hỗ trợ giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp và người dân. Theo số liệu của NHNN, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trong tháng 4/2021 giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12/2020. Mặt bằng lãi suất tiền gửi bằng VND ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,1-3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,0-5,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,6-6,7%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất tiền gửi USD tại các tổ chức tín dụng (TCTD) ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức; Lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3,0-6,0%/năm
Thời gian tới, NHNN cho biết, tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với điều hành cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ tạo điều kiện để giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.Đồng thời chỉ đạo TCTD tiếp tục cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận, trong năm 2021 không thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân, nhất là đối với các khoản cho vay cũ và các khoản cho vay trung, dài hạn.