Chương trình kết nối Ngân hàng – doanh nghiệp được triển khai trên toàn quốc kể từ năm 2014 theo Công văn 2667/NHNN-VP và 2668/NHNN-VP ngày 13/4/2014 nhằm mục tiêu giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và một số đối tượng khác vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó ngành ngân hàng sẽ phối hợp với các cấp chính quyền địa phương để tổ chức các buổi Hội nghị, hội thảo để lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thông qua các biện pháp như tăng cường cho vay mới, thực hiện cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi suất cho vay...
Tiếp theo những kết quả đã đạt được trong thời gian qua và để phát huy hiệu quả của Chương trình trong năm 2017, ngày 30/03/2017, NHNN đã có Công văn 2174/NHNN-VP gửi NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố và các TCTD đề nghị tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên toàn quốc, góp phần mở rộng tăng trưởng tín dụng và bảo đảm an toàn vốn vay. Ngày 10/7/2017, NHNN tiếp tục có văn bản 5358/NHNN-TD đề nghị các đồng chí lãnh đạo tỉnh/thành phố tiếp tục quan tâm, phối hợp cùng ngành ngân hàng trong chỉ đạo, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đến nay đã có 16 UBND tỉnh/thành phố có văn bản chỉ đạo NHNN chi nhánh, các sở, ngành trên địa bàn và các đơn vị có liên quan phối hợp thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp để tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), sau gần 4 năm triển khai trên toàn quốc (từ năm 2014 đến 31/12/2016), Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã tổ chức 730 buổi Hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ngành ngân hàng đã hỗ trợ doanh nghiệp với nhiều hình thức như: cho vay mới với lãi suất thấp, giảm lãi suất các khoản vay cũ, nâng hạn mức tín dụng, cơ cấu lại các khoản nợ cũ… Tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay mới đạt hơn 1.150.000 tỷ đồng; Tổng nguồn vốn các ngân hàng đã hỗ trợ cho hơn 77.000 khách hàng doanh nghiệp và các đối tượng khách hàng khác đạt trên 1.240.000 tỷ đồng, với lãi suất cho vay mới phổ biến 6-9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 9-11%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn; Thực hiện gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, nâng hạn mức tín dụng, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ… với dư nợ khoảng 90.000 tỷ đồng.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đã tổ chức được trên 260 buổi gặp gỡ, hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tổng số tiền cam kết cho vay mới theo Chương trình đạt 390.000 tỷ đồng, doanh số giải ngân đạt hơn 375.000 tỷ đồng cho hơn 30.000 khách hàng doanh nghiệp; số tiền được gia hạn, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ là hơn 25.000 tỷ đồng cho hơn 1.000 doanh nghiệp. Ngoài ra các ngân hàng còn áp dụng các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất, giảm phí ... cho gần 6.000 doanh nghiệp với tổng dư nợ được hỗ trợ là 17.000 tỷ đồng.
Với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh luôn có những giải pháp mang tính đột phá để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao, trong đó Chương trình kết nối Ngân hàng - doanh nghiệp là điểm sáng về sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp với ngành ngân hàng. Là thành phố đi đầu trong việc triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, những kinh nghiệm của thành phố và sự phối hợp cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang là hình mẫu thành công và được phổ biến trong cả nước.
Với sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, trong 4 năm triển khai Chương trình, ngành ngân hàng và các cấp chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức được hơn 90 hội nghị kết nối, hỗ trợ cho hàng chục ngàn lượt khách hàng với tổng số tiền cam kết cho vay tính từ đầu chương trình đạt hơn 450 ngàn tỷ đồng, chiếm trên 30% tổng số tiền cam kết cho vay của chương trình trên toàn quốc, từ đó tạo động lực để duy trì mức tăng trưởng kinh tế của Thành phố luôn cao hơn mức trung bình cả nước. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, các TCTD trên địa bàn thành phố đã hỗ trợ nguồn vốn cho 3.416 doanh nghiệp với tổng số tiền là 52.622 tỷ đồng và cam kết cho vay mới 557 tỷ đồng.
Với sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương, chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đã được triển khai có hiệu quả trên toàn quốc.
Qua chương trình này, ngân hàng đã kịp thời nắm bắt thông tin, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời giải quyết nhu cầu vốn cho doanh nghiệp và nhanh chóng xử lý khó khăn trong quan hệ tín dụng ngân hàng – doanh nghiệp. Các doanh tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả nhờ tiết giảm chi phí đầu vào. Chương trình đã gắn kết và mở rộng mối quan hệ đồng hành ngân hàng – doanh nghiệp, tạo động lực phát triển cho hoạt động sản xuất kinh doanh nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Mặc dù đã có nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, nền kinh tế đã dần hồi phục và tăng trưởng tín dụng các năm đã đạt kế hoạch đề ra, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn ảnh hưởng đến quá trình triển khai Chương trình. Chẳng hạn như, về phía khách hàng, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn của các ngân hàng thương mại do: (i) Quy mô sản xuất kinh doanh còn nhỏ, phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi,; (ii) Năng lực tài chính và năng lực quản trị còn hạn chế, chưa đáp ứng điều kiện về vốn tự có tham gia phương án kinh doanh, thông tin tài chính thiếu minh bạch; (iii) Thiếu tài sản đảm bảo hoặc có tài sản nhưng lại chưa được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng/quyền sở hữu, thủ tục cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng/quyền sở hữu đất và tài sản gắn liền với đất còn nhiều bất cập. Về phía ngân hàng, hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ, thu hồi nợ xấu là rào cản đối với các tổ chức tín dụng, đặc biệt là trình tự, thủ tục liên quan đến khởi kiện, thi hành án để xử lý tài sản đảm bảo nên các ngân hàng có tâm lý thận trọng hơn khi cho vay.
Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục định hướng, chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các chương trình tín dụng cụ thể để thực hiện kết nối với doanh nghiệp, tăng cường các biện pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng; các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: cho vay mới, cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn giảm lãi suất...Về cơ chế xử lý nợ, NHNN sẽ làm việc với các Bộ/ngành liên quan để giảm thiểu các thủ tục hành chính trong quá trình xử lý nợ, đẩy nhanh quá trình xử lý tài sản đảm bảo.