Tuy nhiên, quan điểm này đã phải thay đổi. “Không ai muốn đi qua một cuộc khủng hoảng nữa. Tôi không ngoại trừ khả năng sử dụng chính sách tiền tệ như một công cụ để đối phó với bong bóng giá tài sản”, Chủ tịch Fed Janet Yellen đã phát biểu như vậy khi còn là một ứng viên chạy đua vào vị trí này.
Sau 6 năm lãi suất gần 0, sức ép buộc các NHTW phải cân bằng các trách nhiệm đang tăng lên: một bên là trách nhiệm của NHTW đối với lạm phát và tăng trưởng, một bên là sự ổn định của thị trường tài chính. Ngày 12/6, NHTW Anh đưa ra tín hiệu sẽ theo đuổi các biện pháp mới để hạ nhiệt thị trường bất động sản. Không lâu sau đó, bà Yellen bày tỏ thái độ khó chịu về tình trạng thị trường biến động nhạt nhòa, dấu hiệu nhà đầu tư đang có tâm lý thỏa mãn.
Đối với Anh và Mỹ, sử dụng lãi suất để giải quyết những chênh lệch về tài chính vẫn là kịch bản mang màu sắc lý thuyết. Tuy nhiên, Na Uy và Thụy Điển không quan niệm như vậy. NHTW các nước này đã liên tục cắt giảm lãi suất trước nỗi lo sợ về cơn sốt bất động sản và nợ của các hộ gia đình. Na Uy và Thụy Điển cũng đã phải trả giá: lạm phát ở hai nước này đều ở dưới mức mục tiêu, thậm chí ở Thụy Điển ở mức âm. Andy Levin – chuyên gia kinh tế tại IMF – mới đây đã lưu ý rằng lạm phát kỳ vọng trong dài hạn ở cả hai nước này cũng đều ở dưới mức mục tiêu.
Không phải ai cũng đồng tình với quan điểm cắt giảm lãi suất. Hồi tháng 4, 2 trong số 6 thành viên ban giám đốc bỏ phiếu ủng hộ cắt giảm lãi suất repo (hiện đang ở mức 0,75%). Lars Svensson, một nhà kinh tế học đã rời khỏi ban điều hành Risksbank từ năm ngoái, tính toán rằng chính sách tiền tệ chặt chẽ quá mức cần thiết được áp dụng kể từ năm 1997 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Thụy Điển tăng thêm 0,8 điểm phần trăm, khiến thu nhập tăng trưởng chậm hơn nợ và tỷ lệ nợ của các hộ gia đình tăng lên mức 174% hiện nay.
Mới đây, Quốc hội Thụy Điển thực hiện đánh giá độc lập các chính sách của Risksbank. Những người ủng hộ Risksbank lập luận rằng để giảm tỷ lệ nợ của các hộ gia đình, Thụy Điển phải hành động sớm hơn bởi thắt chặt luật lệ là cần thiết nhưng chưa đủ.
Thụy Điển không phải là câu chuyện mà tất cả các NHTW có thể áp dụng. Ở Anh, giá nhà đã tăng 10% trong năm 2013. Dù đã giảm, tỷ lệ nợ của các hộ gia đình vẫn vượt quá 140% thu nhập. Thống đốc NHTW Anh Mark Carney phàn nàn rằng điều này khiến sự phục hồi của kinh tế Anh “không cân bằng”. Ông cũng cảnh báo lãi suất có thể tăng sớm hơn so với dự đoán của thị trường, mặc dù nguyên nhân phần lớn là tốc độ hồi phục đáng ngạc nhiên chứ không phải nỗi lo về sự bất ổn của thị trường tài chính.
Thử thách của bà Yellen có đôi chút khác biệt. Đối lập với Anh, nền kinh tế Mỹ tiếp tục gây thất vọng: ngày 18/6, các nhà hoạch định chính sách hạ dự báo tăng trưởng năm 2014. Họ cũng khẳng định lại dự đoán lãi suất sẽ ở mức gần 0 cho đến giữa năm 2015.
Có hai thứ có thể khiến Fed phải hành động sớm hơn. Thứ nhất, xu hướng giảm phát đã kết thúc khi chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,1% trong tháng 5 (mạnh nhất trong 20 tháng). Thứ hai, Fed mới đây đã đưa ra dấu hiệu họ muốn để lạm phát vượt qua mốc 2% trong một thời gian ngắn hơn là vội vã thắt chặt chính sách và đảo ngược đà phục hồi.
Giá nhà ở Mỹ đang ở mức hợp lý, khoản nợ của các hộ gia đình hiện ở mức 109% thu nhập và đang giảm xuống. Tuy nhiên, thị trường tài sản mang lại thu nhập cố định gợi nhớ lại những gì đã xảy ra năm 2007. Số lượng trái phiếu rác kỷ lục (94 tỷ USD) được phát hành trong quý II, theo số liệu của Thompson Reuters.
Bà Yellen cho rằng những xu hướng này chưa đủ xấu để ảnh hưởng đến phương hướng của chính sách tiền tệ. Bà muốn giải quyết bằng chính sách điều tiết vĩ mô thận trọng (macroprudential). Fed đã hối thúc nâng cao các tiêu chuẩn bảo lãnh cho nợ có đòn bẩy.
Tuy nhiên, hầu hết các quan chức tại Fed lo lắng về kịch bản đà phục hồi bị đảo ngược nhiều hơn là bất ổn về tài chính. Năm ngoái, ba nhà kinh tế học của Fed đã góp phần định lượng hóa sự đánh đổi bằng cách mô tả hai phản ứng đối với một cuộc khủng hoảng tài chính. Trường hợp đầu tiên, lãi suất giảm xuống mức 0, khủng hoảng chỉ tồi tệ bằng 60% so với cuộc khủng hoảng vừa qua và xảy ra muộn hơn 10 năm. Trường hợp khác, lãi suất không được giảm xuống dưới 1,5% và cuộc khủng hoảng thứ 2 không xảy ra.
Kết luận được đưa ra là: kể cả với cuộc khủng hoảng thứ hai, thiệt hại về thu nhập và việc làm nhỏ hơn rất nhiều so với kịch bản thứ nhất. Tuy nhiên, đôi lúc, thật mỉa mai là lựa chọn một cuộc khủng hoảng khác lại được coi là chính sách tối ưu.