Mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới
“Chúng ta cứ đi mãi con đường cũ trong tổ chức sản xuất, quản lý thì chúng ta không thể phát triển được”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo đã phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế hôm 2/8/2018.
Theo người đứng đầu Chính phủ, cần nhận rõ các bất cập, tồn tại, yếu kém, khó khăn, thách thức để khắc phục, để tái cơ cấu tốt hơn, đổi mới mô hình tăng trưởng nhanh hơn. “Chúng ta đang tìm động lực mới cho tăng trưởng là gì của thời kỳ này và thời kỳ tiếp theo, nhất là năm 2019, 2020”.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, tái cơ cấu kinh tế đạt một số kết quả quan trọng. Tăng trưởng kinh tế những năm gần đây cao hơn mức bình quân chung. Quy mô nền kinh tế được mở rộng. Năng suất lao động, năng suất tổng hợp tăng. Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia, đổi mới sáng tạo được cải thiện. Chất lượng tăng trưởng dần đi vào chiều sâu và tăng lên. Bội chi ngân sách giảm dần. Nợ công trong giới hạn cho phép…Phiên họp thứ nhất này của Ban chỉ đạo nhằm phân tích, đánh giá kết quả sau một năm rưỡi triển khai chương trình hành động của Chính phủ về tái cơ cấu kinh tế ban hành tại Nghị quyết 27/NQ-CP và thực hiện các Nghị quyết 05 của Trung ương, Nghị quyết 24 của Quốc hội về tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại các bất cập, khó khăn, thách thức. Mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới. Giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều vướng mắc. Tốc độ tăng trưởng có khá hơn nhưng chưa như kỳ vọng…
Nghị quyết 27 của Chính phủ đã đưa ra 16 nhóm nhiệm vụ với 120 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện của các bộ ngành và địa phương, có 25,8% nhiệm vụ đã triển khai, có kết quả rõ ràng; 57,5% số nhiệm vụ đang triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng và 16% nhiệm vụ triển khai chậm hoặc chưa triển khai.
Các nhóm định hướng, chính sách lớn có tỷ lệ nhiệm vụ đạt kết quả rõ ràng ở mức cao bao gồm ổn định kinh tế vĩ mô (đã thực hiện 66,7% số nhiệm vụ), cơ cấu lại DNNN hoàn thành được 62,5% số nhiệm vụ), hoàn thiện thể chế kinh tế (35,7%), cơ cấu lại đầu tư công (33,3%). Tuy nhiên, một số bộ, ngành, địa phương chậm hoặc chưa ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 27. Một số nhiệm vụ chậm so với tiến độ được giao.
Đáng chú ý, việc thực hiện nhiều nhiệm vụ của bộ, ngành mới chỉ dừng ở việc tiếp tục thực hiện theo tiến độ, yêu cầu và định hướng đổi mới đã xác định, mà chưa thực sự tạo đột phá về giải pháp, đổi mới về cơ chế, chính sách, quy định quản lý ngành, lĩnh vực có liên quan. Các quy định được ban hành vẫn thiên về tiền kiểm, mà chưa chuyển mạnh sang hậu kiểm, thực hiện quản lý dựa trên phân tích và đánh giá mức độ rủi ro thị trường, rủi ro kinh doanh, mức độ tuân thủ pháp luật của người dân và DN…
Nhiệm vụ nhiều, dư địa hạn hẹp
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo lưu ý, Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế trong bối cảnh thế giới biến động rất khó lường và càng ngày càng trở nên khó khăn. Nhà nước đang làm nhiệm vụ “kép” trong phát triển kinh tế. Vừa phải tạo mô hình tăng trưởng mới, động lực mới nhưng vừa phải giải quyết các tích tụ yếu kém của rất nhiều năm trước. “Giải quyết tích tụ yếu kém của nền kinh tế thực chất là cắt giảm các năng lực đã chết lâm sàng, ví dụ như 12 dự án yếu kém…”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nhiệm vụ thì nhiều nhưng dư địa thực hiện lại rất hạn hẹp khi nợ công từ đầu nhiệm kỳ là 64,8%, sát trần nợ công Quốc hội cho phép; tỷ lệ trả nợ công trên thu ngân sách là 27,3% (giới hạn là 25%)… Tuy nhiên theo báo cáo của Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ vừa báo cáo nợ công của Việt Nam hiện nay là 58% (giảm nhiều so với số liệu sát trần 65% hồi cuối năm 2015).
Bởi vậy các Bộ, ngành rà soát lại các số liệu kinh tế để nhận định đúng bản chất tình hình; đồng thời rà soát kỹ hơn về nội hàm tăng trưởng bao trùm và bền vững, các vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, nhất là các chỉ tiêu chất lượng và môi trường...
Về giải pháp cho cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các Bộ, địa phương tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, hoàn thiện khung khổ pháp lý, trong đó Bộ Tài chính nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm; tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…
Nhấn mạnh, nếu không tái cơ cấu thì sẽ tiếp tục tụt hậu, Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần tăng trưởng liên tục cao trong thời gian tới để tăng quy mô nền kinh tế, giải quyết việc làm, có tích lũy cần thiết để phát triển đất nước. Các bộ, ngành, địa phương cần đổi mới cách nghĩ, cách làm, phải xác định công tác này là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong điều hành. Từ đó, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng thực chất, hiệu quả hơn để tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Đây cũng là yếu tố quyết định đưa nền kinh tế nước ta bước vào quỹ đạo phát triển bền vững, tránh tụt hậu.
Với tinh thần đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ khung chỉ tiêu giám sát, đánh giá quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình; hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành xây dựng bộ chỉ tiêu chi tiết giám sát, đánh giá cho từng đề án được giao quản lý, tổ chức thực hiện.