Với CPI tháng 5 tăng cao đột biến 0,55% so với tháng trước (mức cao nhất trong 6 năm qua) và tăng 3,86% so với cùng kỳ, đã xuất hiện những quan ngại lạm phát năm nay có thể tăng vượt mục tiêu đề ra, nhất là khi giá xăng dầu trên thị trường thế giới vẫn biến động khó lường, trong khi nhiều hàng hóa dịch vụ do Nhà nước quản lý có thể sẽ tiếp tục tăng theo lộ trình.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính – ngân hàng, chiều hướng tăng của lạm phát sẽ tiếp tục trong thời gian còn lại của năm nay. “Tôi dự báo cả năm 2018, lạm phát sẽ nằm trong khoảng 4-5%. Nếu tăng trưởng kinh tế đạt được mức 6,7%-6,8% trong năm nay thì mức lạm phát đó không phải là điều gì đáng quan ngại. Nhưng nếu tăng trưởng không đạt được mục tiêu mà lạm phát vẫn tăng lên thì lại là điều đáng lo”, chuyên gia này nhận định.
Lạc quan hơn, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính dự báo rằng, mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm nay vẫn đang nằm trong tầm tay của Chính phủ. “Hai yếu tố chính khiến CPI tăng mạnh trong tháng 5/2018 là giá xăng dầu và giá thực phẩm. Đây đều là 2 mặt hàng có giá cả biến động khó lường trong ngắn hạn nhưng với tổng cầu hiện chỉ ở mức "vừa phải" (thể hiện qua việc lạm phát cơ bản chỉ tăng 1,37% trong vòng 12 tháng qua) thì mức biến động của giá thực phẩm được dự báo sẽ không quá lớn, nếu tính cho cả năm 2018. Trong khi đó, giá dầu thô WTI sau khoảng thời gian tăng mạnh vào nửa cuối tháng 5 nay đã giảm trở lại. Và với nguồn cung dầu đá phiến của Mỹ vẫn tiếp tục tăng, đồng thời khả năng Nga và Ảrập Xêút sẽ tăng sản lượng so với mức cam kết trước đây, thì triển vọng giá dầu cũng sẽ khó tăng mạnh”, TS. Độ phân tích.
Thực tế từ đầu năm đến nay, giá thực phẩm mới chỉ tăng khoảng 2% trong khi nếu tính trong vòng một năm qua, mức tăng là 3,63%. Mức tăng của năm nay có thể cũng chỉ khoảng 4%, tức là trung bình chỉ chưa tới 0,4%/tháng. Đồng thời, giá dầu thô WTI dù đã có lúc tăng đến hơn 72 USD/thùng - mức cao nhất trong hơn 3 năm qua vào tuần cuối tháng 5 nhưng đến nay đã giảm trở lại quanh mức 66 USD/thùng. Cách đây không lâu, TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, việc Mỹ - “chủ vựa” dầu đá phiến chính thức vượt Ảrập Xêút về sản lượng vào đầu năm nay và có thể vượt cả Nga trong thời gian ngắn sắp tới đánh dấu một thời khắc mới trong “cuộc chơi dầu mỏ trên thế giới” và cho thấy giá dầu ít có khả năng biến động mạnh.
Mặc dù giá thực phẩm, giá xăng dầu dự báo có tăng nhưng không mạnh khiến có thể tạm làm vơi bớt quan ngại về áp lực lạm phát; nhưng vẫn còn nhiều yếu tố khác khiến giới chuyên gia lo ngại. Như theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, một trong số đó là việc tiếp tục lộ trình điều chỉnh giá một số mặt hàng, dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục…; cộng thêm việc lương cơ bản tăng từ 1/7 và những tác động tiêu cực đến từ thị trường thế giới.
TS. Hiếu cũng dự báo hoạt động nhập khẩu từ nay đến cuối năm tăng lên trong khi tình trạng nhập siêu đã xuất hiện trở lại, cộng thêm đồng USD đang có xu hướng tăng cao cũng là một áp lực với lạm phát. Bên cạnh đó, việc kinh tế thế giới dự báo bất định và có khả năng tăng trưởng suy giảm, đi cùng với nguy cơ cuộc chiến tranh thương mại, những bất đồng ngày càng lớn giữa Mỹ với các cường quốc khác trong G7… cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực. “Với tất cả những biến động của thị trường trong thời gian qua và dự kiến sắp tới như vậy thì việc kiểm soát giá cả một cách chặt chẽ là điều cần thiết chứ không thể nào chủ quan”, TS. Hiếu khuyến nghị.
Đáng lo hơn cả là diễn biến giá cả những tháng đầu năm đang đẩy kỳ vọng lạm phát tăng lên. Để kiểm soát lạm phát kỳ vọng, TS. Hiếu cho rằng cần kiểm soát khắt khe hơn các hàng hóa như giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá thực phẩm… “Nhưng điểm lưu ý ở đây là không nên dùng những biện pháp mang tính hành chính mà phải là các biện pháp mang tính thị trường, để cho thị trường tự ổn định cung - cầu, qua đó giúp ổn định và giảm kỳ vọng lạm phát”, chuyên gia này gợi ý.
TS. Lực thì cho rằng, việc giữ được lạm phát ở mức 4% trong năm nay đã có thể xem là rất thành công. “Muốn giữ được lạm phát ở mức đó sẽ phải rất quyết liệt, từ việc xem xét có lộ trình phù hợp trong tăng giá một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu đến phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, cũng như kiểm soát giá cả để tránh nguy cơ lạm phát tăng mạnh vào thời điểm như cuối năm”, chuyên gia này cho biết.