Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã đánh giá như vậy trong Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính năm 2016 vừa được công bố mới đây.
Cụ thể, trong năm 2016, hệ thống tài chính cung ứng khoảng 1 triệu 230 nghìn tỷ đồng cho nền kinh tế. Trong đó, khu vực ngân hàng cung ứng 68,1%; thị trường vốn cung ứng 31,9%. Tính đến cuối năm 2016, tổng nguồn vốn hệ thống tài chính cung ứng cho nền kinh tế tương đương 181,2% GDP.
“Khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế của hệ thống tài chính được đảm bảo trước hết do thanh khoản của khu vực ngân hàng khá dồi dào”, Ủy ban nhận định và nhấn mạnh: “Điều này làm tăng khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động trái phiếu chính phủ đạt kế hoạch năm với lợi suất trái phiếu chính phủ giảm và kỳ hạn trung bình tăng lên”.
Song song với đó, diễn biến tích cực của thị trường cổ phiếu và trái phiếu đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát hành trái phiếu doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN. Huy động vốn thông qua đấu giá cổ phần cả năm tăng 43,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên, theo Ủy ban, so với các nước trong khu vực, năng lực cung ứng vốn của hệ thống tài chính Việt Nam còn hạn chế. Độ sâu tài chính của hệ thống tài chính Việt Nam chỉ đạt 181% GDP, thấp hơn so với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, cơ cấu tài sản giữa các lĩnh vực trong hệ thống tài chính chưa hợp lý. Hiện hệ thống các TCTD chiếm tới 96,2% tổng tài sản toàn hệ thống tài chính. Trong khi các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 2,8%; các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ chiếm 1%.
Từ đó dẫn đến cung ứng vốn cho nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, vốn cung ứng từ thị trường chứng khoán còn khiêm tốn so với tiềm năng và các nước trong khu vực. Theo đó, cho vay của ngân hàng chiếm hơn 60% tổng cung ứng vốn cho nền kinh tế, cao hơn các nước trong khu vực với tỷ trọng bình quân dưới 50%.
Một hạn chế nữa của hệ thống tái chính mà cụ thể là thị trường chứng khoán cũng được Ủy ban chỉ ra là Khả năng thu hút vốn ngoại chưa tương xứng với tiềm năng. Theo đó, thị trường chứng khoán ít nhận được phân bổ vốn từ các quỹ đầu tư lớn trên toàn cầu do Việt Nam chỉ được coi là thị trường chứng khoán cận biên, chưa đáp ứng hoàn toàn các tiêu chí xếp hạng thị trường chứng khoán mới nổi của MSCI, trong đó có tiêu chí mức độ tự do trên thị trường ngoại hối.