Thống kê năm 2017 của WB cho thấy, kiều hối về Việt Nam đạt khoảng 13,8 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2016. Rất nhiều dự báo ngay từ đầu năm 2018 cho rằng áp lực với kiều hối năm nay khá lớn do chính sách nhập cư của Tổng thống Donald Trump tiếp tục được đẩy mạnh, cộng thêm với giá USD có xu hướng tăng thêm với tín hiệu nâng lãi suất USD từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)… Khi Fed tăng lãi suất, nhiều khả năng dòng vốn sẽ chảy ngược về các nước khác, đồng nghĩa với việc ảnh hưởng tới dòng kiều hối chảy về Việt Nam. Một lý do nữa là chính sách lãi suất tiền gửi ngoại tệ của Việt Nam vẫn giữ ở mức 0% (áp dụng từ 18/12/2015).
Ảnh minh họa |
Trao đổi với một chuyên gia kinh tế, vị này chia sẻ: ngoài những nguyên do nói trên, thì việc cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc đang manh nha diễn ra sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới các bên liên quan, trong đó có thị trường Việt Nam, làm chậm đi các hoạt động đầu tư, chuyển tiền. Tuy nhiên, nếu nhìn lại năm 2017, kịch bản tương tự cũng diễn ra khi có rất nhiều tổ chức quốc tế dự báo thận trọng về lượng kiều hối 2017 sẽ có áp lực mạnh nên khó tăng tích cực. Song trên thực tế, vượt qua mọi dự báo thì kiều hối năm 2017 đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
1,12 tỷ USD là con số kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh thông qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn tính tới hết tháng 3/2018 - tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2017. Lý giải về việc kiều hối tại TP. Hồ Chí Minh - nơi vốn có lượng kiều hối chuyển về nhiều nhất cả nước - tăng 4,5% chưa phải là một con số quá lớn, một chuyên gia cho biết: Quý I có tháng Tết Âm lịch vốn được xem là “tháng ăn chơi” nên tâm lý còn tương đối dè dặt. Thêm vào đó, đây cũng là thời điểm chạm ngưỡng của nhiều thị trường khác nhau: thị trường chứng khoán tăng điểm cao nhất trong vòng 11 năm; thị trường bất động sản với áp lực thuế tài sản, chưa kể một số các chính sách của NHNN nhằm quản lý siết dòng vốn chảy vào bất động sản. Đây là giai đoạn giao thời, và thị trường cần có thời gian để có thể đạt một kỷ lục mới. Bởi vậy, kỳ vọng tăng trưởng ở những quý sau chắc chắn sẽ cao hơn.
Lạc quan về triển vọng kiều hối năm 2018, TS-LS Bùi Quang Tín cho rằng kiều hối của cả nước năm nay sẽ còn có xu hướng tăng tiếp. Trước nhận định Fed tăng lãi suất USD sẽ ảnh hưởng tới dòng kiều hối, vị chuyên gia này lại cho rằng: Thông thường, mỗi lần tăng lãi suất USD, Fed sẽ tăng từ 0,25-0,5%. Ví dụ như năm nay, Fed tăng lãi suất USD lên 4 lần. Chúng ta lấy con số trung bình mức tăng lãi suất USD của Fed trong ngưỡng nói trên là 0,4% nhân với 4 lần sẽ là 1,6%. Ở khía cạnh khác, nếu tiền USD chuyển về Việt Nam, đổi ra tiền đồng, gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng ở một NHTMCP quy mô nhỏ với mức lãi suất khoảng 7- 8%/năm, nếu cộng thêm cả mức biến động tỷ giá thì các biến số đó tích hợp lại có thể thấy ngay riêng tiền USD chảy về gửi tiết kiệm VND không thôi đã lời rồi.
Chuyên gia này cho rằng nhiều nguyên nhân hỗ trợ cho kiều hối tăng, song cũng chỉ ra điểm thay đổi cơ bản là kiều hối thời gian gần đây chuyển về để đầu tư nhiều hơn là chỉ đổi sang VND gửi tiết kiệm đơn thuần. Nhất là khi cả thị trường chứng khoán và bất động sản đều đang rất sôi động. Chỉ ở một vài thời điểm, do ngưỡng tâm lý nên có sự sụt giảm, còn về bản chất theo chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là thị trường tăng trưởng tốt.
“Không ít kiều bào rót tiền vào những DN làm ăn hiệu quả trên sàn chứng khoán khi thấy tình hình thị trường chứng khoán ngày càng khởi sắc, đặc biệt là nhóm cổ phiếu NH. Trong quý I/2018, VN-Index trở thành chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới khi tăng 19,33% (chốt phiên giao dịch cuối cùng của quý ở mức 1.174,46 điểm - đóng cửa cao nhất trong lịch sử). Năm 2017 cũng ghi nhận VN-Index lọt nhóm 3 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới. Và thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn tiếp đà tăng hết năm 2018 và kéo dài tới năm 2020. Nói như vậy để thấy là kiều hối có nhiều lý do để chảy về thị trường Việt Nam, vượt qua những áp lực từ chính sách của Fed hay những biến động của thị trường thế giới”, vị này cho hay.
Đồng tình với quan điểm trên, một chuyên gia kinh tế khác cũng cho hay, ngay kể cả trước những biến động về chính trị thế giới có thể xảy ra trong năm nay thì lo ngại dòng tiền bị giữ chân tại những quốc gia có đồng tiền mạnh là chưa chắc. Vì theo vị này, nếu xét ở góc độ đầu tư tài chính, nhà đầu tư thường sẽ ít chọn quốc gia mà có đồng tiền giá trị cao, thay vì đó sự lựa chọn nghiêng về những thị trường mới nổi, có nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh. Nhà đầu tư sẽ quyết định đồng tiền của mình được chảy tới nơi có khả năng sinh lời cao nhất.