Cơ sở pháp lý ổn định, rõ ràng – nền tảng cho sự thành công
Cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động BHTG là một trong những nền tảng quan trọng đảm bảo cho hoạt động BHTG tại mỗi quốc gia. Theo thông lệ quốc tế tốt nhất về BHTG, hệ thống pháp lý ổn định và đảm bảo cho hoạt động của tổ chức BHTG là một trong những yếu tố quan trọng giúp tổ chức BHTG hoạt động hiệu quả tại mỗi nước. Do vậy, tại các quốc gia trên thế giới, Luật BHTG hoặc Luật Bảo vệ người gửi tiền thường được ban hành trước khi thành lập tổ chức BHTG. Đồng thời, trong Luật quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của tổ chức BHTG, cũng như cơ chế hợp tác hiệu quả giữa tổ chức BHTG và các cơ quan giám sát tài chính khác.
Có thể khẳng định, một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công đáng ghi nhận của MDIC là tổ chức này được thành lập, hoạt động dựa trên cơ sở pháp lý ổn định, rõ ràng, và chính sách, định hướng hoạt động đúng đắn, phù hợp theo thông lệ quốc tế điển hình về BHTG. MDIC được thành lập trên cơ sở Luật BHTG năm 2005. Mặc dù là tổ chức BHTG mới được thành lập nhưng MDIC đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian vừa qua. MDIC đang trong quá trình hướng tới mô hình tổ chức giảm thiểu rủi ro với các chức năng giám sát kiểm tra, tiếp nhận xử lý và áp dụng hệ thống tính phí BHTG dựa trên mức độ rủi ro.
Malaysia áp dụng cơ chế BHTG bắt buộc với thành viên tham gia là tất cả các ngân hàng thương mại, ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Malaysia, công ty tài chính và các ngân hàng hồi giáo. Việc tham gia và được cấp Chứng nhận BHTG là một trong những điều kiện pháp lý tiên quyết để các ngân hàng, công ty tài chính tại quốc gia này có thể huy động tiền gửi từ dân cư.
Trước khi MDIC được thành lập, hoạt động BHTG công khai chưa có ở Malaysia. Do vậy, để tổ chức BHTG hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt nhất chức năng, quyền hạn được giao, Chính phủ Malaysia đã chú trọng đến việc chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý, chính sách, con người cũng như các điều kiện khác để thành lập MDIC.
Luật BHTG Malaysia và các quy định khác về BHTG được xây dựng, ban hành trước khi tổ chức BHTG được thành lập tại Malaysia. Trong Luật quy định rõ ràng mục tiêu hoat động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của MDIC. Mục tiêu hoạt động chủ yếu của MDIC là BHTG cho người gửi tiền và tăng cường quản lý rủi ro và góp phần duy trì ổn định hệ thống tài chính. Các chức năng năng chính của MDIC bao gồm: i) tính và thu phí BHTG; ii) quản lý Quỹ BHTG; iii) chi trả BHTG; iv) đánh giá rủi ro của hệ thống tài chính ngân hàng; v) kiểm tra tổ chức tham gia BHTG trong trường hợp đặc biệt.
Đồng thời Luật BHTG cũng quy định rõ việc phối hợp hoạt động và chia sẻ thông tin giữa MDIC và Ngân hàng TW Malaysia. MDIC có quyền truy cập các báo cáo kiểm tra, xếp loại giám sát và các thông tin liên quan khác của Ngân hàng TW, có quyền đề nghị Ngân hàng TW kiểm tra tổ chức tham gia BHTG trong trường hợp cần thiết... Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, rõ ràng cho hoạt động phối hợp và chia sẻ thông tin hiệu quả giữa MDIC và Ngân hàng TW Malaysia.
Ngoài ra, trong Luật cũng quy định rõ MDIC có quyền xây dựng và ban hành các văn bản, chính sách, quy định dưới luật liên quan đến hoạt động BHTG nhằm đảm bảo việc thực thi hiệu quả các chính sách về BHTG tại Malaysia. MDIC có quyền thuê các nhân sự có đầy đủ năng lực, trình độ, kỹ năng, cũng như áp dụng chính sách nhân sự phù hợp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ nhân viên có trình độ, trung thành có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Do vậy, với nền tảng cơ sở pháp lý ổn định, rõ ràng, và chính sách nhân sự phù hợp, trong những năm qua, đồng thời với sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các thành viên khác trong mạng an toàn tài chính như Ngân hàng TW, Bộ Tài chính và các cơ quan chính phủ khác, MDIC đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và mục tiêu hoạt động cơ quan chính phủ khác.
Công tác quản trị doanh nghiệp vững mạnh
Ngay từ khi mới thành lập, MDIC đã rất chú trọng đến công tác quản trị, quản lý doanh nghiệp, và chính sách nhân sự. Chính sách quản lý của Hội đồng quản trị được xây dựng dựa trên thông lệ tốt nhất về quản trị doanh nghiệp. Hội đồng quản trị của MDIC bao gồm những thành viên có kinh nghiệm và trình độ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, và chịu trách nhiệm chung đối với hoạt động của tổng công ty. Vai trò, quyền hạn và nhiệm vụ của Hội đồng quản trị được quy định rõ ràng trong chính sách quản lý của Hội đồng quản trị. Ban điều hành đứng đầu là Tổng giám đốc có trách nhiệm trực tiếp kiểm soát và quản lý hoạt động của MDIC, thông qua việc thực thi chính sách hoạt động và phân công chức năng nhiệm vụ rõ ràng giữa các phòng ban chức năng của tổng công ty.
MDIC cũng rất chú trọng đến chính sách nhân sự, với chiến lược nhân sự phù hợp nhằm đảm bảo mục tiêu đúng người, đúng việc. MDIC đã tuyển dụng tổng giám đốc là một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực BHTG và tài chính, ngân hàng trên thế giới với nhiều năm kinh nghiệm là Tổng giám đốc Tổng công ty BHTG Canada, và Chủ tịch Hiệp hội BHTG Quốc tế. Tổng giám đốc MDIC hoạt động dưới sự giám sát của Hội đồng quản trị, là các chuyên gia kinh tế tài chính, ngân hàng Malaysia. Các nhân sự được tuyển dụng làm việc tại các phòng ban cũng được tuyển dụng đúng quy trình nhằm tuyển dụng những người có năng lực, trình độ chuyên môn, có thể thực hiện tốt các công việc, nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, để đảm bảo hiệu quả hoạt động của tổng công ty, MDIC đã đầu tư nghiên cứu và xây dựng cơ sở quản lý rủi ro doanh nghiệp theo thông lệ tốt nhất nhằm đánh giá rủi ro một cách hiệu quả. Các chính sách và khung quản lý rủi ro cũng được nghiên cứu và xây dựng nhằm xây dựng công tác quản lý rủi ro hiệu quả.
Kết quả hoạt động
Một trong những thành tựu nổi bật của MDIC trong gần 5 năm hoạt động vừa qua là MDIC đã triển khai thành công hệ thống thu phí BHTG theo mức độ rủi ro (PDS). Áp dụng phí theo mức độ rủi ro là cơ chế thu phí mà mô hình hệ thống BHTG tiên tiến trên thế giới thường áp dụng. Nó đảm bảo sự công bằng đối với các tổ chức tham gia BHTG trên nguyên tắc tổ chức nào có nguy cơ gây ra rủi ro lớn hơn cho quỹ BHTG và hệ thống tài chính ngân hàng thì sẽ phải đóng mức phí BHTG cao hơn các tổ chức hoạt động an toàn lành mạnh. Do vậy, khuyến khích các ngân hàng không thực hiện các hoạt động rủi ro, góp phần đảm bảo hoạt động lành mạnh của hệ thống tài chính ngân hàng.
Để thực hiện và đảm bảo tính chính xác của hệ thống thu phí theo mức độ rủi ro, MDIC đã xây dựng hệ thống đánh giá rủi ro (RAS) dựa trên hệ thống công nghệ hiện đại nhằm theo dõi và đánh giá mức độ rủi ro của các tổ chức tham gia BHTG. Dựa trên cơ sở kết quả đánh giá của hệ thống đánh giá rủi ro RAS, các tổ chức tham gia BHTG sẽ nộp các mức phí khác nhau tùy theo mức độ rủi ro từ 0,03% đến 0,24% tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm.
BẢNG PHÍ THEO MỨC ĐỘ RỦI RO CỦA MDIC
Xếp loại Mức phí
Loại 1 0,03%
Loại 2 0,06%
Loại 3 0,12%
Loại 4 0,24%
Ngoài ra, MDIC cũng đã rất thành công trong trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về hoạt động BHTG và MDIC. Thông qua các chương trình nâng cao nhận thức công chúng, chương trình truyền thông thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các chương trình đào tạo, nhận thức của người dân về BHTG và MDIC ngày càng được nâng cao. Năm 2008, chỉ số phản ánh mức độ hiểu biết nói chung của công chúng về BHTG và về MDIC đã tăng lên mức 27% từ mức 13% năm 2006. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp tăng cường niềm tin của người dân đối với hệ thống BHTG và hệ thống tài chính ngân hàng tại Malaysia.
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam:
Sau gần 5 năm hoạt động, với nền tảng cơ sở pháp lý ổn định, rõ ràng và các chính sách quản lý, nhân sự phù hợp, mặc dù là một tổ chức mới thành lập, MDIC đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, mục tiêu hoạt động và trở thành một trong những tổ chức BHTG hoạt động hiệu quả và năng động nhất thế giới.
Nhìn nhận những thành tựu hoạt động của MDIC trong thời gian qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt nam:
Một là, hoạt động bảo hiểm tiền gửi hiệu quả cần dựa trên cơ sở pháp lý cao nhất:
Theo thông lệ quốc tế, Luật bảo vệ người gửi tiền hoặc Luật BHTG thường được ban hành trước khi Tổ chức BHTG thành lập. Tại Việt Nam, sau 10 năm chính thức đi vào hoạt động, BHTGViệt Nam vẫn hoạt động trên cơ sở Nghị định và chưa được điều chỉnh bởi cơ sở pháp lý cao nhất là Luật BHTG. Yêu cầu cải cách hệ thống tài chính ngân hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động của BHTGđặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải có Luật BHTG nhằm đảm bảo tổ chức BHTG ở Việt Nam có cơ sở pháp lý ở mức cao nhất, tương đương với các cơ quan khác trong Mạng an toàn tài chính.
Đồng thời, để đảm bảo Luật BHTG được xây dựng theo đúng định hướng, các nội dung trong Luật phù hợp với chủ trương phát triển hoạt động dài hạn của hoạt động BHTG, một số nguyên tắc cơ bản cần được đáp ứng, bao gồm:
- Luật BHTG phải đồng bộ với các bộ luật có liên quan, bao gồm nhưng không giới hạn ở Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật TCTD, Luật thanh tra giám sát, Luật phá sản.
- Xác định rõ vai trò của BHTG Việt Nam trong Mạng an toàn tài chính quốc gia và khối các cơ quan có chức năng giám sát tài chính.
- Xây dựng BHTG Việt Nam theo mô hình tổ chức giảm thiểu rủi ro
Hai là, xây dựng cơ cấu tổ chức và chính sách nhân sự phù hợp
Có thể khẳng định, nguồn nhân lực là một trong những nguồn lực quan trọng nhất để phát triển một tổ chức BHTG hoạt động hiệu quả. BHTG Việt Nam cũng đang trong quá trình tái cấu trúc toàn hệ thống, xây dựng chính sách nhằm phát triển hoạt động BHTG tại Việt Nam. Do vậy trong thời gian tới, BHTG Việt Nam cần chú trọng xây dựng và triển khai chính sách phát triển nguồn nhân lực phù hợp với lộ trình tái cơ cấu, nhằm khuyến khích và trọng dụng nhân tài, điều chỉnh chỉnh cơ cấu tổ chức cho phù hợp với tình hình hoạt động và xu hướng phát triển của tổ chức.
Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, kiểm tra và áp dụng hệ thống thu phí theo mức độ rủi ro nhằm xây dựng hệ thống BHTG hiệu quả:
Giám sát, kiểm tra là hai nghiệp vụ chính mà BHTG Việt Nam chú trọng phát triển. BHTG Việt Nam đang nghiên cứu chuyển từ giám sát, kiểm tra tuân thủ sang giám sát, kiểm tra an toàn đối với các tổ chức tham gia BHTG, nhằm đảm bảo tính chính xác, kịp thời và hiệu quả của kết quả giám sát, kiểm tra.
Dựa trên kết quả kiểm tra, giám sát, BHTG Việt Nam có thể xếp loại các tổ chức tham gia BHTG. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để thực hiện hệ thống thu phí theo mức độ rủi ro, nhằm đảm bảo tính công bằng, minh bạch và chính xác của hệ thống thu phí.
Với những thành tưu đạt được trong 5 năm hoạt động, MDIC đã trở thành một trong những tổ chức BHTG tiên tiến và năng động nhất thế giới. Kinh nghiệm hoạt động của MDIC là những bài học quý để BHTG Việt Nam tiếp thu và ứng dụng phù hợp với điều kiện kinh tế và hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam nhằm xây dựng tổ chức BHTG hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Các tin khác
Tổng quan về Tổng công ty BHTG Đài Loan
Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Đài Loan (CDIC, Trung Quốc) là một trong những mô hình tổ chức BHTG tiến bộ điển hình ở Châu Á. Được thành lập năm 1985 trên một nền tảng pháp lý vững chắc là Luật BHTG, CDIC là thành viên không thể thiếu của mạng an toàn tài chính quốc gia Đài Loan.
Quỹ bảo hiểm tiền gửi Ethiopia chính thức hoạt động
Ngân hàng Trung ương Ethiopia (NBE) chính thức thành lập Quỹ bảo hiểm tiền gửi Ethiopia (EDIF) từ tháng 11/2023 với tư cách là một thành viên của Mạng an toàn tài chính, bảo vệ cho cho người gửi tiền của các ngân hàng và tổ chức tài chính vi mô, phòng ngừa việc rút tiền hàng loạt.
Campuchia: Nghiên cứu thành lập bảo hiểm tiền gửi cho hệ thống tài chính quốc gia
Ngày 31/10/2023, tại Kampong Thom, trong sự kiện “Ngày Tiết kiệm Asian”, Ngân hàng Trung ương Campuchia (NBC) đã giới thiệu về bảo hiểm tiền gửi và vai trò đối với hệ thống tài chính quốc gia nhằm nâng cao niềm tin công chúng và thúc đẩy tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Khmer Riel.
Uganda: Quỹ bảo hiểm tiền gửi tăng gấp 3 lần
Chính phủ Uganda vừa công bố tăng Quỹ bảo hiểm tiền gửi (DPF) từ 400 tỷ Shs (tương đương 117 triệu đô la Mỹ) lên 1,3 nghìn tỷ Shs (tương đương 345 triệu đô la Mỹ).
PIDM tổ chức Hội nghị chuyên đề xử lý đổ vỡ quốc gia lần thứ nhất
Vừa qua, tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi (BHTG)...