Tin đồn thất thiệt có thể được hiểu là những tin tức không có thật, sai sự thật hoặc những thông tin chưa được lý giải, kiểm chứng, hoặc thông tin bị bóp méo về một vấn đề, hiện tượng, tình huống, sự kiện mà công chúng quan tâm và được lưu truyền hoặc phát tán dưới nhiều hình thức.
Tin đồn thất thiệt thường mang ý nghĩa tiêu cực, bịa đặt hoặc thiếu chính xác và thường được sử dụng với mục đích hạ uy tín, gây rối, chống phá các cá nhân hoặc tổ chức. Việc tin đồn thất thiệt lan truyền mất kiểm soát từ trước đến nay vẫn luôn là vấn nạn gây nhức nhối đối với toàn xã hội, tạo tâm lý hoang mang, lo sợ và ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin, tài sản, sức khỏe và tính mạng của người dân.
Nhân tố tác động đến sự đổ vỡ của ngân hàng trên thế giới
Tin đồn thất thiệt dù có vẻ vô hại nhất cũng có thể gây ra những hậu quả nặng nề, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Theo đó, khi tin đồn thất thiệt khiến số lượng người gửi tiền đủ lớn mất niềm tin vào khả năng chi trả của một ngân hàng, họ sẽ đồng loạt rút tiền gửi khỏi ngân hàng đó dẫn tới hiện tượng rút tiền hàng loạt và khiến ngân hàng không có đủ khả năng chi trả và đổ vỡ.
Do đặc điểm liên kết và ảnh hưởng lẫn nhau trong hệ thống các ngân hàng, hiện tượng rút tiền hàng loạt tại một ngân hàng có thể lây lan ra toàn hệ thống ngân hàng, dẫn đến khủng hoảng hệ thống và đe dọa đến sự an toàn và ổn định của nền tài chính quốc gia. Thực tế trong 4 tháng đầu năm 2023, tin đồn thất thiệt không được kiểm soát đã góp phần dẫn đến hiện tượng rút tiền hàng loạt ở nhiều ngân hàng lớn ở Mỹ khiến các ngân hàng này phải tuyên bố phá sản như Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank (SB).
SVB là ngân hàng đứng thứ 16 của Mỹ với tổng tài sản tính đến quý 4/2022 ở mức 209 tỷ USD. SVB hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ và được coi là xương sống của ngành đầu tư mạo hiểm ở Mỹ. Vấn đề bắt đầu phát sinh vào ngày 8/3/2023 khi SVB thông báo huy động 2,25 tỷ USD bằng cách bán một loạt chứng khoán và sẽ bán 2,25 tỷ USD cổ phiếu mới để củng cố bảng cân đối kế toán. Thông tin SVB buộc phải bán lỗ danh mục trái phiếu và cổ phiếu phổ thông bị chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội, đặc biệt là Twitter đã dẫn đến sự hoảng loạn của các nhà đầu tư và người gửi tiền.
Khi niềm tin với SVB bị thay thế bằng sự lo sợ, việc rút tiền hàng loạt tại ngân hàng này bắt đầu diễn ra. Chỉ trong ngày 9/3/2023, các khách hàng SVB đã cố gắng rút 42 tỷ USD, tương đương khoảng một phần tư tổng số tiền gửi tại ngân hàng, khiến SVB thiếu hụt thanh khoản khoảng gần 1 tỷ USD và không thể trang trải các khoản thanh toán của mình tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Kết quả là, SVB bị đóng cửa chỉ trong vòng 48 tiếng kể từ khi thông báo huy động thanh khoản.
SB là ngân hàng đứng thứ 29 tại Mỹ và có quy mô tài sản tính đến quý 4/2022 ở mức 110 tỷ USD. SB đã có những động thái mở cửa đối với hoạt động giao dịch tiền ảo từ năm 2018, và trong nhiều năm gần đây đã đầu tư lớn vào hoạt động ngân hàng tiền điện tử. SB gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh thị trường tiền điện tử tụt dốc và các cơ quan chức năng siết chặt giám sát đối với các ngân hàng có dính líu đến tài sản số khiến niềm tin của người gửi tiền và nhà đầu tư dành cho SB suy giảm.
Bên cạnh đó, sự sụp đổ của SVB cũng khiến người gửi tiền có xu hướng chuyển tiền gửi của mình từ các ngân hàng nhỏ lẻ sang ngân hàng lớn để đảm bảo an toàn. Kết quả là người gửi tiền đã rút tổng cộng hơn 10 tỷ USD từ SB chỉ trong một ngày sau khi SVB đổ vỡ. Các yếu tố trên đã góp phần đẩy SB vào một cuộc khủng hoảng niềm tin từ người gửi tiền và lâm vào tình trạng bị rút tiền hàng loạt, khiến SB nhanh chóng phá sản. Thực tế chỉ 2 ngày sau khi SVB phá sản, ngày 12/3/2023, các cơ quan có thẩm quyền đã ra lệnh đóng cửa SB.
Có thể thấy, dù các ngân hàng kể trên tồn tại sẵn những vấn đề trong hoạt động, việc tin đồn thất thiệt, tin không đúng sự thật hoặc bị bóp méo về các ngân hàng này bị lan truyền rộng rãi đã trở thành “giọt nước tràn ly” dẫn đến hiện tượng rút tiền hàng loạt và đổ vỡ ngân hàng. Nghị sĩ Patrick McHenry, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ, thậm chí còn gọi tình trạng của SVB là "lần rút tiền hàng loạt đầu tiên do Twitter". Điều này cho thấy tính nghiêm trọng và nguy hiểm của việc để tin giả lan truyền mất kiểm soát trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng có thể để lại hậu quả lớn đến mức nào.
Trước nguy cơ xảy ra khủng hoảng hệ thống ngân hàng, Chính phủ và các cơ quan trong mạng an toàn tài chính tại Mỹ đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm trấn an người gửi tiền và các bên có liên quan. Cụ thể, ngày 12/3/2023, Bộ Tài chính, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Tổng Công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) đã đưa ra thông cáo báo chí rằng sẽ đảm bảo toàn bộ tiền gửi tại SVB và SB, bao gồm các khoản tiền gửi không được bảo hiểm.
Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý ngân hàng để ứng phó với những tác động liên quan đến việc SVB và SB phá sản và bảo vệ người gửi tiền trong trường hợp các ngân hàng nhỏ lẻ gặp khó khăn. Một gói cho vay khẩn cấp nhằm hỗ trợ các ngân hàng đáp ứng nhu cầu rút tiền của người dân đã được Bộ Tài chính và FED thông qua.
Đồng thời, Chính phủ Mỹ liên tục đăng tải các thông báo trên các phương tiên truyền thông trong đó cam kết giảm thiểu rủi ro bất ổn tài chính nhằm tăng cường niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, Tổng thống Mỹ đưa ra thông báo rằng Chính phủ sẽ cẩn trọng hơn trong việc theo dõi hoạt động của các ngân hàng vừa và nhỏ và tiếp tục theo dõi cẩn thận các dòng tiền vào các ngân hàng lớn hơn và đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng. Ông liên tục khẳng định hệ thống tài chính vẫn an toàn và tiếp tục thúc đẩy các biện pháp khẩn cấp hỗ trợ nguồn vốn cho các ngân hàng. Chính phủ cũng cam kết sẽ bảo vệ người gửi tiền, người tiêu dùng và các doanh nghiệp chứ không phải là các nhà đầu tư.
Hạn chế tác động tiêu cực của tin đồn thất thiệt - một số khuyến nghị
Ngày nay, sự phát triển của mạng viễn thông và các nền tảng mạng xã hội đã khiến tin đồn thất thiệt được lan truyền với tốc độ ngày càng nhanh và gây ra hậu quả ngày càng lớn. Thực tế cho thấy, mạng xã hội đang chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần và sản xuất kinh doanh của người dân.
Thống kê tại thời điểm tháng 01/2023 cho thấy, Việt Nam có tổng cộng 77,93 triệu người dùng Internet, đạt tỷ lệ sử dụng 79,1% trên tổng dân số. Trong đó, có khoảng 70 triệu người dùng mạng xã hội và 89,8% tổng số người dùng Internet của Việt Nam đã sử dụng ít nhất một nền tảng mạng xã hội. Trong bối cảnh đó, các tin đồn thất thiệt được đăng tải, chia sẻ nhanh chóng và khó có thể được kiểm soát có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Các tin đồn thất thiệt với ý đồ xấu vẫn hàng ngày hàng giờ được đăng tải và chia sẻ trên nhiều nền tảng truyền thông, gây hậu quả xấu cho xã hội. Do đó, để ngăn chặn và hạn chế tin đồn thất thiệt cần có sự chung sức, đồng lòng của các cơ quan có thẩm quyền, các nền tảng truyền thông, mạng xã hội, các tổ chức, đoàn thể và của từng người dân.
Đối với cơ quan quản lý có thẩm quyền
Các cơ quan quản lý có thẩm quyền cần thực hiện nghiêm nguyên tắc công khai, minh bạch một cách kịp thời nhất. Như trường hợp đổ vỡ ngân hàng tại Mỹ, các cơ quan chuyên trách quản lý ngành Ngân hàng đã ngay lập tức đưa ra những thông báo quan trọng nhằm trấn an người gửi tiền. Các cơ quan quản lý cần thiết lập các trang và kênh cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chi tiết và minh bạch về mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước.
Bản thân các cơ quan quản lý cũng cần công khai, minh bạch các hoạt động của mình và cung cấp các thông tin đầy đủ và thỏa đáng khi có yêu cầu. Khi phát hiện tin đồn thất thiệt, cần nhanh chóng phân loại, xử lý tương ứng theo độ nghiêm trọng của thông tin, tránh để tin đồn bị lan truyền mất kiểm soát.
Trong trường hợp tin đồn thất thiệt có thể lan truyền rộng rãi và để lại hậu quả lớn các cơ quan quản lý cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp nhằm bác bỏ tin đồn đồng thời phối hợp các cơ quan có liên quan nhằm yêu cầu gỡ bỏ, đính chính nội dung thông tin sai trái và tiến hành xử phạt với các đối tượng đưa tin đồn thất thiệt. Bên cạnh đó, cần chủ động thu thập, cung cấp thông tin chính thống, chính xác, kịp thời và đầy đủ để định hướng dư luận xã hội theo chiều đúng đắn và tích cực.
Đối với các kênh truyền thông, nền tảng mạng xã hội
Các kênh truyền thông, nền tảng mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong quá trình truyền tải thông tin. Vì vậy, các kênh truyền thông, nền tảng mạng xã hội cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền đề phát hiện, phân loại, ngăn chặn và loại bỏ các thông tin sai sự thật, thông tin có mục đích xấu ảnh hưởng đến người dùng. Chủ động phương thức ưu tiên đăng tải các thông tin chính thống để cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và có kiểm chứng cho người dân.
Đối với các tổ chức, đoàn thể
Các tổ chức, đoàn thể cần minh bạch hóa thông tin hoạt động của mình vì chính sự không minh bạch là nguồn gốc để các tin đồn thất thiệt phát sinh. Bên cạnh đó, các tổ chức cần có sẵn chiến lược truyền thông giai đoạn bình thường và giai đoạn khủng hoảng để không bị động khi đối mặt với những tin đồn thất thiệt. Các tổ chức, đoàn thể cũng cần sử dụng hiệu quả kênh báo chí truyền thông và tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, cơ quan có uy tín cao... để đính chính các tin đồn. Ngoài ra, cần có tinh thần sẵn sàng lắng nghe, hợp tác và đối thoại khi xử lý tin đồn thất thiệt, tránh phản ứng thái quá để tin đồn trầm trọng và lan rộng hơn.
Đối với mỗi người dân
Mỗi người dân cần tỉnh táo, có ý thức trách nhiệm và tuân thủ các quy định của pháp luật trong việc tìm kiếm, đăng tải, chia sẻ và bình luận các thông tin chưa được kiểm chứng trên các mạng xã hội. Người tiếp nhận thông tin cần liên tục bồi dưỡng, nâng cao năng lực tư duy, phản biện và không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, tham khảo thông tin từ các nguồn chính thống để phân biệt được thông tin đúng/sai. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần chủ động ngăn chặn, thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện tin đồn thất thiệt có ảnh hưởng lớn để kịp thời vô hiệu hóa tin đồn, tránh để lại hậu quả cho xã hội.
Phòng Nghiên cứu tổng hợp & Hợp tác quốc tế – Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam