Nguyên tắc 13 của Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả (Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế, 2014) nêu rõ: “Tổ chức BHTG phải là một phần của cơ cấu thuộc mạng an toàn tài chính thực hiện việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các ngân hàng có vấn đề. Cơ cấu này phải bao gồm việc can thiệp trước khi các ngân hàng rơi vào trạng thái mất khả năng thanh toán. Những hành động phát hiện sớm hay can thiệp kịp thời này là nhằm bảo vệ người gửi tiền và góp phần ổn định tài chính”.
Trên thực tế, việc phát hiện sớm các vấn đề của các ngân hàng chủ yếu là trách nhiệm của cơ quan giám sát, ngân hàng trung ương, hoặc một cơ quan độc lập. Trong khi đó, các tổ chức bảo BHTG lại có quyền tiếp cận những thông tin giám sát các ngân hàng này.
Phương pháp xác định ngân hàng “có vấn đề”
Có nhiều cách tiếp cận thông tin về tình hình của các ngân hàng, tuy nhiên điều quan trọng là thông tin được tiếp cận phải đảm bảo tính kịp thời, trực diện và chất lượng cao từ các nguồn đáng tin cậy. Những nguồn thông tin có thể lấy được từ các hoạt động bao gồm:
Kiểm tra tại chỗ
Giám sát từ xa
Làm việc với cơ quan giám sát
Làm việc với ban quản lý ngân hàng
Làm việc với kiểm toán ngân hàng
Thu thập thông tin thị trường
Phương pháp xác định ngân hàng “có vấn đề” được chia thành 2 nhóm chính sau: (i) sử dụng thông tin tài chính chủ yếu mang tính định lượng, (ii) các đánh giá giám sát. Trong đó chủ yếu sử dụng thông tin tài chính mang tính định lượng, những phương pháp được sử dụng rộng rãi nhất là phân tích các báo cáo tài chính và hệ thống cảnh báo sớm. Các đánh giá giám sát bao gồm hệ thống xếp hạng giám sát và hệ thống đánh giá rủi ro toàn diện (một phần của giám sát trên cơ sở rủi ro).
Xác định ngân hàng có vấn đề |
Sử dụng thông tin định lượng |
Phân tích báo cáo tài chính Cơ quan giám sát/ tổ chức BHTG đánh giá tình hình hoạt động của một ngân hàng, trên cơ sở so sánh các chỉ tiêu tài chính của một ngân hàng với một nhóm tương đồng và xem xét xu hướng của mỗi chỉ tiêu. Các chỉ tiêu bao gồm: đủ vốn, chất lượng tài sản, khả năng sinh lời, thanh khoản. Cảnh báo sẽ được đưa ra nếu các chỉ tiêu này vượt ra ngoài giới hạn. |
Hệ thống cảnh báo sớm (EWS) Các mô hình thống kê khác nhau được sử dụng để dự tính khả năng xảy ra đổ vỡ hoặc mức độ khó khăn về tài chính trong một khoảng thời gian nhất định hoặc để dự báo khả năng mất thanh khoản trong tương lai, từ đó các cơ quan có thể tiến hành các biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại hoặc ngăn chặn khả năng xảy ra đổ vỡ. Tuy nhiên, những mô hình này có nhược điểm là không xem xét những yếu tố định lượng (chất lượng quản lý, kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro…) và tác động của các yếu tố môi trường. |
||
Đánh giá |
Hệ thống xếp hạng giám sát Các hệ thống CAMELS, CAEL (Mỹ, …), PATROL (Italy), và ORAP (Pháp) dựa trên kết quả kiểm tra tại chỗ và phân tích từ xa các thông tin về quy định cũng như các thông tin khác bao gồm cả các báo cáo kiểm tra tại chỗ (gọi là xếp hạng giám sát từ xa). Thông tin định tính và định lượng được thu thập và phân tích liên tục. |
|
Hệ thống đánh giá rủi ro toàn diện Một ngân hàng hay một tập đoàn ngân hàng được phân tách ra thành nhiều phần khác nhau để đánh giá rủi ro cho toàn bộ tổ chức ngân hàng đó. Người đánh giá sẽ cho điểm đối với từng tiêu chuẩn đánh giá rồi sau đó tổng hợp thành đánh giá tổng quát cuối cùng cho toàn bộ ngân hàng. |
Các chỉ tiêu xác định vấn đề
Đối với việc xác định ngân hàng “có vấn đề”, có thể sử dụng các chỉ tiêu tầm vi mô kết hợp với các chỉ tiêu tầm vĩ mô. Các chỉ tiêu vĩ mô bao gồm các chỉ tiêu vi mô an toàn tổng hợp (AMPIs)[1], các chỉ tiêu theo thị trường (MBIs) và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô (MEIs). Nội dung đánh giá của các chỉ tiêu này cụ thể ở sơ đồ dưới đây.
Kinh nghiệm quốc tế về phát hiện sớm rủi ro ngân hàng
Trong những năm gần đây, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, giám sát để phát hiện sớm các vấn đề của cả khu vực ngân hàng và của từng ngân hàng đã trở thành mối quan tâm của nhiều quốc gia. Theo đó, thế giới đã thực hiện nhiều cải tiến mang tính quốc tế ở tầm cao trong việc tăng cường giám sát rủi ro hệ thống, rà soát lại các cơ chế giám sát ngân hàng, củng cố các tiêu chuẩn an toàn. Được sự ủng hộ của các lãnh đạo G20, Ủy ban ổn định tài chính (FSB) và các tổ chức tài chính quốc tế đã thực hiện các sáng kiến chung nhằm tăng quy mô và chất lượng vốn pháp định (bao gồm cả Basel III), giới thiệu và thực hiện các tiêu chuẩn thanh khoản bổ sung mang tính quốc tế được thống nhất và thắt chặt các điều kiện về quản lý rủi ro hoạt động, rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản…
Khủng hoảng cũng cho thấy những vấn đề về tính hiệu quả của các mô hình mà các ngân hàng và cả cơ quan giám sát ngân hàng cũng như tổ chức BHTG sử dụng để đánh giá sự ổn định của hệ thống ngân hàng và tình hình tài chính của từng ngân hàng, phát hiện ra các tổ chức yếu kém. Một trong những xu hướng trong những năm gần đây là áp dụng hệ thống giám sát rủi ro – theo đó những rủi ro của từng tổ chức tài chính được phân tích và từ đó chiến thuật giám sát phù hợp cho tổ chức đó sẽ được xây dựng.
Tài liệu hướng dẫn chung về phát hiện sớm và can thiệp kịp thời dành cho các hệ thống BHTG (IADI, 2013) cho thấy đa phần các tổ chức BHTG không đóng vai trò chủ chốt trong việc giám sát, phát hiện sớm các ngân hàng có vấn đề. Chỉ 25% số tổ chức tham gia trả lời khảo sát (8/32) có vai trò phát hiện sớm. Phần còn lại cho biết trách nhiệm đó là của Ngân hàng Trung ương hoặc cơ quan giám sát. 75% số tổ chức tham gia trả lời khảo sát cho biết họ có quyền tiếp cận thông tin giúp phát hiện các tổ chức tham gia BHTG có vấn đề; 66% có thể tiếp cận thông tin giám sát từ cơ quan giám sát; 47% tiếp cận được các báo cáo tài chính do các ngân hàng cung cấp trực tiếp cho tổ chức BHTG và 37% lấy thông tin từ thị trường.
Cơ chế cho phép tổ chức BHTG tiếp cận thông tin giám sát được quy định trong luật ở 50% số quốc gia tham gia khảo sát, trong biên bản ghi nhớ (MOU) ở 16% quốc gia khác. Trường hợp đặc biệt ở Đức, thỏa thuận được thiết lập dưới dạng hợp đồng giữa các ngân hàng và tổ chức BHTG.
Đối với những thông tin nhận được, 53% tổ chức BHTG sử dụng thông tin đó để phát hiện rủi ro và xây dựng mô hình dự báo, 31% dùng để rà soát và xây dựng báo cáo tóm tắt, 41% dùng để xếp hạng rủi ro cho các tổ chức tham gia BHTG phục vụ mục đích tính phí BHTG và 31% dùng cho xếp hạng rủi ro phục vụ cho các hành động can thiệp khác của tổ chức BHTG đối với tổ chức tham gia BHTG.
Cập nhật kết quả khảo sát của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) năm 2016 cho thấy có 56/124 tổ chức tham gia trả lời khảo sát có chức năng giám sát rủi ro, trong đó có phân tích và đánh giá mức độ rủi ro của các tổ chức tham gia BHTG.
Cụ thể, kinh nghiệm của một số nước trong khu vực về vai trò và trách nhiệm phát hiện sớm ngân hàng có vấn đề như sau.
Nhật Bản
Tổng công ty BHTG Nhật Bản (DICJ) hoạt động theo mô hình “giảm thiểu tổn thất”. Giám sát ngân hàng là chức năng của Cơ quan dịch vụ tài chính Nhật Bản, trong khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản tiến hành kiểm tra các tổ chức tài chính trên cơ sở thỏa thuận, DICJ lại có các công cụ xử lý ngân hàng nhằm giảm thiểu tổn thất cho quỹ bảo hiểm tiền gửi. Các công cụ bao gồm: hỗ trợ tài chính, tiếp quản các ngân hàng đổ vỡ, cung cấp chức năng ngân hàng bắc cầu, mua lại và thu hồi tài sản của ngân hàng đổ vỡ, truy trách nhiệm của lãnh đạo ngân hàng đổ vỡ.
Hàn Quốc
Tổng công ty BHTG Hàn Quốc (KDIC) hoạt động theo mô hình “giảm thiểu rủi ro”. Ủy ban dịch vụ tài chính (FSC) có chức năng phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các ngân hàng có vấn đề. KDIC có quyền tiếp cận thông tin giám sát từ Ủy ban giám sát tài chính (FSS) và sử dụng thông tin này để xây dựng các mô hình phát hiện và đánh giá rủi ro, xây dựng báo cáo tóm tắt và xếp hạng rủi ro phục vụ cho việc áp dụng mô hình tính phí phân biệt theo rủi ro vào năm 2014.
FSC là cơ quan hoạch định chính sách liên quan tới việc giám sát tổng thể ngành ngân hàng, trong khi FSS là cơ quan giám sát thi hành cho FSC, trực tiếp giám sát các tổ chức tài chính theo sự chỉ đạo của FSC. KDIC có thể yêu cầu tiếp cận thông tin về tình hình hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG, tiến hành kiểm tra (cùng với FSS và/hoặc Ngân hàng Trung ương), và tuyên bố một tổ chức tài chính rơi vào trạng thái mất khả năng thanh toán/ có nguy cơ mất khả năng thanh toán. KDIC có thể yêu cầu FSS kiểm tra các tổ chức tài chính và báo cáo kết quả kiểm tra cho KDIC. Bên cạnh đó, KDIC có nhiều công cụ để tiến hành xử lý ngân hàng bao gồm: hỗ trợ ngân hàng mở, hỗ trợ mua lại và sáp nhập, sắp xếp các vụ mua lại, thành lập và điều hành ngân hàng bắc cầu.
Philippines
Tổng công ty BHTG Philippines (PDIC) hoạt động theo mô hình “chi trả với quyền hạn mở rộng”. Ngân hàng Trung ương chịu trách nhiệm phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, PDIC có quyền tiếp cận các thông tin giám sát từ Ngân hàng Trung ương cũng như thông tin thị trường để xây dựng các mô hình phát hiện rủi ro của riêng mình và xếp hạng rủi ro các tổ chức tham gia BHTG.
PDIC có thể độc lập yêu cầu tổ chức tài chính tạm ngưng hoạt động và yêu cầu tổ chức tài chính thực hiện hành động khắc phục sai phạm trong vòng 15-45 ngày kể từ ngày yêu cầu ngưng hoạt động. PDIC có thể giảm thiểu tổn thất bằng cách tiến hàng kiểm tra đặc biệt (với sự chấp thuận của Ngân hàng Trung ương), hỗ trợ ngân hàng mở, hỗ trợ mua lại và sáp nhập; và tiếp nhận ngân hàng đổ vỡ.
Mặc dù trách nhiệm của các tổ chức BHTG khác nhau ở từng quốc gia, tuy nhiên, cách thức tổ chức tài chính được giám sát và quản lý có ảnh hưởng rất lớn tới chi phí và cả các vấn đề khác của tổ chức BHTG. Việc phát hiện sớm các vấn đề của tổ chức tham gia BHTG giúp cho sự chuẩn bị nguồn lực để chi trả và xử lý được suôn sẻ, mặt khác có thể giúp ngăn ngừa đổ vỡ bằng các biện pháp can thiệp kịp thời, tránh những tổn thất lớn hơn cho quỹ BHTG. Trong khi đó, công tác giám sát để phát hiện sớm đòi hỏi sự phối hợp và chia sẻ thông tin hiệu quả giữa các thành viên mạng an toàn tài chính, với các chức năng nhiệm vụ được quy định rõ ràng trong luật, nhưng cũng phải đảm bảo tính độc lập của từng cơ quan.
Phòng NCTH & HTQT
TÀI LIỆU THAM KHẢO
General Guidance on Early Detection and Timely Intervention for Deposit Insurance Systems, IADI, 2013
Annual Survey, IADI, 2016
[1] Các chỉ tiêu vi mô an toàn tổng hợp (AMPIs) do Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) xây dựng, là các chỉ tiêu về hiện trạng hệ thống tài chính được tổng hợp từ các chỉ tiêu về hiện trạng của từng tổ chức tài chính đơn lẻ.