|
Nguyên tắc xác định hạn mức BHTG
Nguyên tắc 8 về Hạn mức Bảo hiểm trong Bộ nguyên tắc cơ bản sửa đổi của IADI năm 2014 và Hướng dẫn nâng cao về phát triển hệ thống bảo BHTG hiệu quả tháng 3/2013 đưa ra khuyến nghị với các tổ chức BHTG như sau: Hạn mức BHTG nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền nhưng phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi không được bảo hiểm để tuân theo kỷ luật thị trường.Hạn mức BHTG cần phù hợp với các mục tiêu chính sách công và các đặc điểm thiết kế có liên quan của hệ thống BHTG, bao gồm quá trình trả tiền bảo hiểm và các nỗ lực về nhận thức công chúng.
Cụ thể, hạn mức BHTG phải được thiết lập phù hợp với các mục tiêu chính sách, theo đó phần lớn người gửi tiền tại các ngân hàng có nguy cơ bị xử lý được bảo vệ toàn bộ, trong khi phần lớn giá trị các khoản tiền gửi có xu hướng tuân theo kỷ luật thị trường. Theo IADI,hạn mức bảo hiểm mục tiêu có thể dao động khoảng 90-95% tổng số người gửi tiền.
Bên cạnh đó, một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn hạn mức BHTG, chẳng hạn như nguồn quỹ sẵn có, giai đoạn phát triển kinh tế, mối liên kếtvới các nước láng giềng, hoặc sự tồn tại của nhiều hệ thống BHTG trong một quốc gia.
Mặt khác, việc xác định số tiền tối đa của các khoản tiền gửi có nguy cơ rủi ro cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định hạn mức BHTG. Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan có thẩm quyền sẽ phát triển cơ chế cấp vốn để đảm bảo đủ nguồn chi trả sẵn có, bao gồm sự kết hợp giữa cơ chế cấp vốn trước, cấp vốn sau và cấp vốn dự phòng khẩn cấp. Tất cả các cơ chế cấp vốn này cần phải tính đến các kế hoạch cấp vốn dự phòng khẩn cấp.
Nếu nguồn quỹ không có sẵn hoặc quá nhỏ, hạn mức BHTG cần phải giảm xuống hoặc thu hẹp lại. Tuy nhiên, việc hạn mức BHTG thấp có thể dẫn đến nguy cơ cao hơn về việc rút tiền hàng loạt của người gửi tiền khi xảy ra khủng hoảng ngân hàng.
Hạn mức BHTG thực tế có thể giảm theo thời gian và cần được xem xét thường xuyên. Hiện tượng lạm phát có thể làm giảm giá trị thực của hạn mức BHTG, cấu phần và quy mô của các khoản tiền gửi có thể thay đổi… Do đó, việc đánh giá mức độ phù hợp của phạm vi và hạn mức BHTG định kỳ là cần thiết. Các quốc gia có lịch sử lạm phát cao có thể xác định hạn mức BHTG theo các đơn vị chỉ số nhằm duy trì giá trị thực của hạn mức BHTG.
Một số nhân tố tác động đến hạn mức BHTG
Theo IADI, việc xác định hạn mức BHTG cần được thực hiện đồng nhất tại các quốc giatrên cơ sở đánh giá nhiều yếu tố quan trọng trong môi trường chính trị, hệ thống ngân hàng, điều kiện kinh tế vĩ mô, trong đó có thể kể đến một số vấn đề sau:
Lạm phát:Lạm phát cao trong nền kinh tế sẽ ảnh hưởng tới mức thu nhập thực tế của người dân, đồng thời làm giảm giá trị thực tế của đồng nội tệ, dẫn đến làm giảm đáng kể giá trị thực của hạn mức BHTG. Điều này đồng nghĩa với việc tổ chức BHTG nên có sự điều chỉnh hạn mức kịp thời để đảm bảo củng cố niềm tin công chúng và duy trì an toàn hệ thống ngân hàng.
GDP bình quân đầu người:Là chỉ số quan trọng nằm trong tiêu chí mà IADI khuyến nghị đối với các tổ chức BHTG khi xây dựng hạn mức cần lưu ý. Khi GDP bình quân đầu người tăng, hạn mức BHTG cần được điều chỉnh tăng để bảo vệ quyền lợi của số đông người gửi tiền.
Theo số liệu thống kê của World Bank, hạn mức BHTG tăng mạnh trong giai đoạn xảy ra khủng hoảng tài chính 2008. Tính đến cuối năm 2013, tỷ lệ hạn mức BHTG gấp 5,3 lần trên GDP bình quân đầu người tại các nước có mức thu nhập cao, gấp 6,3 lần tại các nước có thu nhập trung bình cao và gấp 5 lần tại các nước có thu nhập thấp.
Niềm tin người gửi tiền:Trong giai đoạn kinh tế suy thoái, hệ thống ngân hàng gặp khó khăn thì niềm tin người gửi tiền đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định tình hình tài chính - ngân hàng. Việc niềm tin bị suy giảm sẽ kéo theo những tác hại to lớn đối với hệ thống ngân hàng vốn đã suy yếu như tình trạng rút tiền hàng loạt. Vì vậy, hạn mức BHTG hợp lý có tác dụng củng cố niềm tin người gửi tiền, giúp họ an tâm, bình tĩnh về sự an toàn các khoản tiền của họ tại các ngân hàng trong hệ thống.
Do đó, các tổ chức BHTG nên tổ chức các cuộc khảo sát niềm tin công chúng một cách thường xuyên để lấy đó làm cơ sở đưa ra quyết định liên quan đến chính sách hạn mức BHTG.
Tiền gửi được bảo hiểm: Tiền gửi là nguồn vốn huy động qua hệ thống ngân hàng và đóng vai trò tạo vốn cho nền kinh tế. Biến động trong cơ cấu tiền gửi được bảo hiểm ảnh hưởng tới việc xác định hạn mức BHTG. Khi cơ cấu tiền gửi thay đổi và biến động theo chiều hướng tăng lên về mặt giá trị của tiền gửi, để khuyến khích gia tăng tiền gửi cho phát triển kinh tế, vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của số đông người gửi tiền thuộc đối tượng được bảo hiểm thì việc các tổ chức BHTG điều chỉnh tăng giá trị danh nghĩa của hạn mức BHTG là hợp lý và cần thiết.
Rủi ro hệ thống: Ngoài các yếu tố trên, rủi ro hệ thống cũng ảnh hưởng tới việc xác định hạn mức BHTG. Đối với các quốc gia có hệ thống ngân hàng và năng lực quản trị điều hành kém, chưa theo kịp các chuẩn mực quốc tế, điều này dẫn tới các ngân hàng nội địa gặp khó khăn, chịu sự cạnh tranh gay gắt từ phía các ngân hàng nước ngoài. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, bất ổn về nhiều mặt thì việc các chính sách tài chính – ngân hàng kém hiệu quả, quản trị hoạt động ngân hàng (như quản lý và sử dụng vốn) yếu kém sẽ làm tăng cao các rủi ro về tín dụng, kỳ hạn đối với hệ thống ngân hàng. Tất cả những yếu tố này làm rủi ro hệ thống tăng cao. Trong trường hợp đó, điều chỉnh hạn mức BHTG chính là một giải pháp cần thiết để thiết lập lại sự ổn định.
Hạn mức BHTG là công cụ quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả của chính sách BHTG. Đối với mỗi quốc gia, việc thay đổi hạn mức BHTG từng thời kỳ là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả triển khai chính sách, củng cố niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống tài chính.