Khủng hoảng tài chính châu Á 1997
Khủng hoảng tài chính Châu Á bắt đầu từ tháng 7/1997 ở Thái Lan đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng ở một số quốc gia trong khu vực: giảm giá tài sản, mất giá tiền tệ, thị trường chứng khoán sụp đổ, hàng loạt ngân hàng phải đối mặt với tình trạng thua lỗ lớn, nguy cơ mất khả năng thanh khoản hoặc phá sản. Những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan. Trong đó, đồng rupiah của Indonesia đã giảm giá mạnh nhất, tới 86% so với đồng USD. Thị trường chứng khoán của các nước này đều bị giảm giá ít nhất 75% tính theo USD.
Trong bối cảnh đó, các nước buộc phải đặt ra kế hoạch tái cấu trúc hệ thống tài chính, nhằm vượt qua khủng hoảng và đưa nền kinh tế tăng trưởng lành mạnh trở lại. Tuy nhiên, chi phí tài chính để xử lý nợ và tái cấu trúc là rất lớn. Ước tính chi phí tái cơ cấu của Thái-lan, Indonesia và Hàn Quốc lần lượt là 43,8%, 56,8% và 31,2% trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ba nước này đã buộc phải cầu viện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) giúp đỡ. IMF đã tập trung một gói cứu trợ tài chính khổng lồ, gồm 17 tỷ đô la Mỹ cho Thái Lan, 43 tỷ cho Indonesia và 57 tỷ cho Hàn Quốc, nguồn tiền lấy từ chính IMF, ngân hàng thế giới (WB), ngân hàng phát triển châu Á và các cường quốc khác (Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Ý). Tuy nhiên, để được giải ngân, Hàn Quốc, Indonesia và Thái Lan phải chấp thuận tuân theo những điều kiện khắc nghiệt của IMF. Thỏa thuận bao gồm từ 50 đến 80 điều khoản chi tiết, bao gồm thay đổi chính sách vĩ mô, bãi bỏ độc quyền cho đến thông qua các đạo luật môi trường mới. Bên cạnh đó, các nước này cũng chịu rất nhiều sức ép và can thiệp sâu của IMF vào quá trình tái cấu trúc ngân hàng và các tập đoàn lớn.
Giải pháp để xử lý khủng hoảng, xử lý nợ xấu và tiến hành tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trong giai đoạn này tại khu vực Châu Á được chia thành hai nhóm chính: (i) giải pháp ngắn hạn, (ii) giải pháp dài hạn.
Nhóm giải pháp xử lý trong ngắn hạn được tất cả quốc gia xảy ra khủng hoảng đưa ra để kìm hãm khủng hoảng hoặc tránh các áp lực gia tăng.
Hỗ trợ thanh khoản: NHTW tại các quốc gia khủng hoảng sử dụng các công cụ khác nhau với vai trò người cho vay cuối cùng hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tài chính để bù đắp lại lượng tiền gửi và cho vay bị rút ra ở một số tổ chức, chủ yếu thực hiện với đồng nội tệ. Một số quốc gia thực hiện chính sách cho phép NHTW quay vòng thanh khoản từ các ngân hàng có lãi sang các ngân hàng thua lỗ từ hoạt động cho vay, giúp các ngân hàng duy trì hoạt động trong giai đoạn bắt đầu khủng hoảng và xảy ra hiện tượng rút tiền hàng loạt. Chính sách này phát huy hiệu quả ở Hàn Quốc và Thái Lan.
Bảo hiểm tiền gửi toàn bộ: Để ổn định khả năng huy động vốn của các ngân hàng và tránh khỏi những khủng hoảng của hệ thống ngân hàng, Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan đã áp dụng chính sách bảo hiểm toàn bộ đối với người gửi tiền và các chủ nợ với mục tiêu tạo ra niềm tin trong hệ thống ngân hàng, tạo ra thời gian cần thiết cho việc tái cấu trúc, duy trì hệ thống thanh toán. Đối với trường hợp khủng hoảng mang tính hệ thống, bảo hiểm toàn bộ là rất cần thiết.
Kiểm soát vốn và gia hạn nợ: Để ổn định việc huy động vốn từ nước ngoài, các quốc gia thực hiện các biện pháp cụ thể để duy trì và thu hút lại các dòng vốn bị chảy ra. Hàn Quốc tiếp tục mở cán cân vãng lai và đàm phán lại những khoản nợ ngắn hạn của quốc gia, qua đó đạt được thỏa thuận với các ngân hàng nước ngoài vào đầu năm 1998 để gia hạn thêm một phần của 22 tỉ đô la Mỹ các khoản tiền gửi liên ngân hàng và cho vay ngắn hạn đã đến hạn thanh toán.
Đóng cửa các tổ chức tài chính: Đóng cửa các tổ chức tài chính mất khả năng thanh toán ở các quốc gia khủng hoảng là cần thiết để hạn chế những khoản lỗ lũy kế và sự tăng mạnh nhu cầu hỗ trợ thanh khoản, đồng thời đưa ra tín hiệu đối với thị trường về sự thay đổi về quan điểm đối với vấn đề gia hạn nợ. Ở Thái Lan, 58 tổ chức tài chính đã bị đình chỉ hoạt động – 56 trong số đó bị đóng cửa sau đó. Chính phủ Hàn Quốc ban đầu đình chỉ 14 ngân hàng bán buôn, 10 trong số đó bị thanh lý sau đó. Ở Indonesia, việc đóng cửa 16 ngân hàng tư nhân nhỏ và mất khả năng thanh toán nghiêm trọng đã sớm được thực hiện khi khủng hoảng ngân hàng diễn ra. Đóng cửa các tổ chức tài chính là một phần của chiến lược tái cấu trúc tổng thể hệ thống ngân hàng trong giai đoạn khủng hoảng.
Nhóm giải pháp dài hạn: Về dài hạn, để giải quyết triệt để những hậu quả của khủng hoảng tài chính, yêu cầu đối với các quốc gia là phải tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế và đặc biệt là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Để thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, các quốc gia có những lựa chọn khác nhau nhưng điều kiện cần là phải phân bổ trách nhiệm, quyền lực cho các cơ quan chức năng thực hiện tái cấu trúc, có thể là thành lập một cơ quan riêng biệt hoặc giao trách nhiệm cho một cơ quan có sẵn hoặc có thể giao cho nhiều cơ quan chịu trách nhiệm phối hợp thực hiện nhưng với nguyên tắc nhằm tìm kiếm giải pháp hiệu quả nhất để thực hiện tái cấu trúc với chi phí tài khóa thấp nhất (Lindgren et al, 1999).
Bước thứ hai trong việc thực hiện chiến lược dài hạn để giải quyết khủng hoảng là thực hiện xử lý các tổ chức có vấn đề, có thể kể tới như đóng cửa, sáp nhập, mua lại các tổ chức. Khi áp dụng các giải pháp này cần phải xem xét đến lợi ích của các bên liên quan (chủ sở hữu, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, chính phủ, người gửi tiền…) cũng như hành lang và các quy định pháp lý. Tại Hàn Quốc, hoạt động sáp nhập áp dụng đối với cả các ngân hàng tư nhân, trong khi đó ở Indonesia và Thái Lan, hoạt động sáp nhập chỉ giới hạn trong khu vực sở hữu nhà nước. Tại Indonesia, 4 trong tổng số 7 ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước đã sáp nhập thành 1 ngân hàng. Tại Thái Lan, nhà quản lý đã sáp nhập các ngân hàng được can thiệp và các công ty tài chính thành 3 ngân hàng mới. 56 công ty tài chính bị đóng cửa được thanh lý bởi FRA thông qua đấu giá công khai; quá trình thanh lý được thực hiện tới cuối năm 1999. Hoạt động sáp nhập, tiếp nhận, mua lại và ngân hàng bắc cầu cũng được thực hiện tại Hàn quốc.
Bước thứ ba, Chính phủ của các quốc gia thực hiện xử lý nợ xấu. Xử lý nợ xấu là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của quá trình tái cấu trúc. Mục tiêu của Chính phủ là tối đa hóa giá trị thu hồi từ tài sản xấu trong hệ thống, tối thiểu hóa việc sử dụng ngân sách và hạn chế thiệt hại của người gửi tiền. Chiến lược tối ưu trong quản lý và xử lý tài sản xấu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tính chất, quy mô tài sản, hệ thống pháp lý, cấu trúc hệ thống ngân hàng, năng lực quản lý để lựa chọn phương án xử lý và cấu trúc tập trung hoặc phi tập trung của các công ty quản lý tài sản.
Trong vòng 4 năm (từ 1997 đến 2001), với những đối sách và bước đi hợp lý, các nước bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng 1997 – 1998 đã vượt qua cơn bão và đạt được sự phát triển ổn định hơn một thập kỷ qua. Sau khi tái cơ cấu, hệ thống tài chính của các nước này cũng hoạt động hiệu quả, an toàn và minh bạch hơn.
Cộng hòa Ireland
Nguyên nhân chính của khủng hoảng tại Ireland là hệ thống ngân hàng cho vay dễ dàng, tín dụng tăng trưởng cao trước giai đoạn khủng hoảng và tập trung vào các khoản vay bất động sản dẫn tới hiện tượng bong bóng tài sản. Khủng hoảng bắt nguồn từ hệ thống ngân hàng, vì vậy, các giải pháp tái cơ cấu kinh tế tập trung vào khu vực ngân hàng và giải quyết vấn đề đóng băng trên thị trường bất động sản. Việc đầu tiên được thực hiện là Chính phủ tiến hành bảo lãnh toàn bộ nhằm ngăn chặn hiện tượng người gửi tiền rút tiền hàng loạt. Sau đó, với sự hỗ trợ của IMF và Ủy ban Châu Âu, Ireland đã đưa ra một kế hoạch tổng thể, chi tiết, công bố công khai minh bạch cho toàn bộ nhà đầu tư và công chúng, xác định rõ lộ trình thực hiện và mục tiêu cần đạt được (trong cả ngắn hạn và dài hạn) (Euro Money Magazine)
Khi nhận thức được nguồn nội lực không đủ để giải quyết khủng hoảng, Ireland đã đề nghị gói cứu trợ của cộng đồng quốc tế. Theo cam kết để nhận được cứu trợ giữa Ireland và Ủy ban Châu Âu, NHTW Châu Âu và IMF, một Chương trình giải pháp tài chính được soạn thảo và công bố công khai. Mục tiêu của Chương trình nhằm đánh giá thực trạng hệ thống ngân hàng, từ đó đề ra giải pháp đưa hệ thống ngân hàng tại Ireland quay trở về trạng thái có thể tự tài trợ vốn cho mình, không còn phụ thuộc vào nguồn vốn của Chính phủ và vốn cứu trợ của Châu Âu. Chương trình đánh giá thực trạng hệ thống ngân hàng bao gồm 3 cấu phần chính: i) Chương trình đánh giá tổn thất tín dụng (bản chất là chương trình đánh giá tình trạng nợ xấu; ii) Chương trình đánh giá an toàn vốn và iii) Chương trình đánh giá thanh khoản.
Sau khi đã có bức tranh tổng thể về hệ thống ngân hàng Ireland, IMF và liên minh châu Âu đã chấp nhận hỗ trợ cho nước này khoản vay trị giá 67,5 tỷ euro (chiếm 42,4% GDP), bao gồm 22,5 tỷ từ IMF, 22,5 tỷ từ Cơ chế Ổn định tài chính Châu Âu, 22,5 tỷ từ Quỹ Bình ổn tài chính Châu Âu (17,7 tỷ) và các khoản vay song phương từ Anh (3,8 tỷ), Thụy Điển (0.6 tỷ) và Đan Mạch (0.4 tỷ)
Kế hoạch tái cấu trúc hệ thống ngân hàng tại Ireland được đưa ra, bao gồm 3 cấu phần chính: (i) yêu cầu các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu ngân hàng chia sẻ thiệt hại cùng Chính phủ; (ii) thành lập NAMA để tiếp quản nợ xấu và buộc các ngân hàng bán lại nợ xấu với mức giá chiết khấu cho NAMA và (iii) Buộc các ngân hàng tăng cường năng lực về vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu (nếu có thể); trong trường hợp không tìm được nguồn vốn, Chính phủ có thể bỏ vốn để nắm giữ quyền kiểm soát ngân hàng
Chương trình chia sẻ thiệt hại với trái chủ của ngân hàng
Với tên chính thức là “Chương trình sử dụng, quản lý nợ”, nhưng về bản chất, đây là một chương trình buộc các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu ngân hàng (trái chủ) phải gánh chịu tổn thất cùng với cổ đông của ngân hàng.
Trong thông cáo về chương trình, Bộ tài chính Ireland chỉ rõ: đây là một biện pháp thị trường nhằm đảm bảo chia sẻ thiệt hại của các trái chủ một cách công bằng so sánh với mức hỗ trợ Chính phủ đã buộc phải áp dụng đối với ngân hàng.Nhà đầu tư cần lưu ý là nếu không có hỗ trợ của Chính phủ, ngân hàng sẽ phá sản và các trái chủ có thể sẽ mất toàn bộ giá trị trái phiếu của mình. Chính vì thế, LME là cơ hội cuối cùng cho các nhà đầu tư trái phiếu có thể rút vốn khỏi ngân hàng với một tỷ lệ có thể chấp nhận được. Chính phủ Ireland chỉ rõ chỉ hỗ trợ ngân hàng nếu trái chủ chấp nhận chia sẻ một phần thiệt hại
Để làm được điều này, điều quan trọng là Ireland đã ban hành Luật ổn định tổ chức tín dụng năm 2010 (một đạo luật ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý xử lý khủng hoảng). Theo đó, Bộ tài chính chỉ rõ là khi ngân hàng không có đủ vốn cấp 1 thì Chính phủ có thể áp dụng bất kỳ giải pháp nào quy định tại Luật ổn định tổ chức tín dụng để xử lý. Nếu áp dụng theo luật này, trái chủ có thể mất phần lớn phần đầu tư trái phiếu của mình. Vì thế, trái chủ phải chấp nhận theo các điều khoản chia sẻ thiệt hại giữa Chính phủ (thông qua cấp vốn cho ngân hàng)
Thành lập NAMA để mua lại nợ xấu và Tham gia góp vốn, tiếp quản ngân hàng
NAMA là ví dụ của một ngân hàng được lập ra để tiếp quản nợ xấu (bad bank). NAMA được xây dựng theo mô hình của Thụy Điển khi quốc gia này xảy ra một cuộc khủng hoảng mini vào những năm 1990. Chức năng của NAMA là mua lại nợ xấu của các ngân hàng, tiếp quản và quản lý tài sản thế chấp của các khoản vay đó (chủ yếu là bất động sản) và xử lý, bán lại trong khung thời gian tối đa 10 năm.
Khi NAMA tiến hành mua lại nợ, ngân hàng có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ về khoản vay. Trên cơ sở đó, NAMA đánh giá giá trị nợ xấu chủ yếu dựa trên giá trị thị trường của tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, NAMA cũng đánh giá hồ sơ khoản vay, kiểm tra các khoản thế chấp khác và đánh giá năng lực trả nợ của khách hàng vay để định giá nợ xấu. Tính tổng thể các yếu tố trên, thực tế trong thời gian vừa qua, NAMA mua lại nợ xấu với giá khoảng 42% giá trị danh nghĩa, tương đương với mức chiết khấu 58%
Trong số các khoản nợ xấu của trên 800 khách hàng vay đã được NAMA mua lại, NAMA lựa chọn khoảng 190 khách hàng lớn nhất (chiếm tỷ trọng đa số giá trị khoản vay); tiến hành gặp gỡ khách hàng và yêu cầu xây dựng kế hoạch chi tiết trả nợ cho NAMA. NAMA thuê một công ty độc lập đánh giá kế hoạch trả nợ do khách hàng đệ trình. Nếu kế hoạch trả nợ được chấp thuận, NAMA ký một biên bản ghi nhớ với khách hàng ghi chi tiết các điều khoản và lộ trình trả nợ. Trong trường hợp kế hoạch không được chấp nhận, NAMA sẽ tiến hành bán tài sản thế chấp.
Đến thời điểm hiện tại, NAMA đã mua lại khoảng 12.000 khoản nợ với tổng giá trị danh nghĩa là 73,8 tỷ euro của trên 800 khách hàng vay, đồng thời tiếp quản khoảng 35.000 tài sản thế chấp liên quan đến các khoản vay đó.
Cơ chế hoạt động của NAMA
Theo sơ đồ cơ chế hoạt động của NAMA, ngân hàng chuyển giao toàn bộ giá trị khoản nợ bằng mệnh giá kèm theo tài sản thế chấp cho NAMA. Đổi lại, NAMA phát hành trái phiếu chính phủ bảo lãnh để cung cấp cho ngân hàng. “Giá trị trung bình khoản nợ do NAMA định giá/mệnh giá” đến thời điểm hiện tại là khoảng 42%. Dưới sự hỗ trợ của IMF-EU, ngân hàng nắm giữ trái phiếu của NAMA có thể dễ dàng chiết khấu trên thị trường hoặc chiết khấu với NHTW Châu Âu (ECB) để duy trì nguồn thanh khoản.
Kết quả hoạt động của NAMA đến hết quý 3/2014
- Mua lại nợ xấu, qua đó đã bơm vào hệ thống ngân hàng trên 30 tỷ euro dưới hình thức chứng khoán có tính thanh khoản cao (trái phiếu chính phủ bảo lãnh)
- Kể từ khi bắt đầu hoạt động, NAMA đã thu về lượng tiền mặt trên 16,7 tỷ euro
- Lợi nhuận hoạt động tăng từ 800 triệu Euro năm 2012 lên trên 1,2 tỷ Euro năm 2013
Mặc dù quá trình tái cấu trúc vẫn đang tiếp tục diễn ra và còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng cách Ireland thực hiện đã đạt được kết quả tích cực và được coi là mô hình hiệu quả. Các nhà hoạch định chính sách tại Châu Âu đưa Ireland như một ví dụ tiêu biểu về một chương trình cứu trợ thành công, là minh chứng của một công thức kết hợp hiệu quả giữa: tiếp nhận hỗ trợ tài chính từ bên ngoài và thắt chặt ngân sách, chi tiêu ở trong nước (Financial Times 11/2011).Thị trường cũng đã có phản ứng tích cực. Fitch mới đây giữ xếp hạng của Ireland ở mức BBB+, đồng thời nâng triển vọng xếp hạng từ “tiêu cực” sang “ổn định”. Đây được coi là điều đi ngược xu thế khi một loạt quốc gia Châu Âu, trong đó kể cả Pháp, đang đối mặt với việc bị hạ xếp hạng tín nhiệm do các khó khăn nội tại.
Nhật Bản
Nhật Bản là một kinh nghiệm điển hình trong tái cấu trúc chủ động. Dựa vào những dấu hiệu khủng hoảng của nền kinh tế vĩ mô như giá tài sản tăng quá cao, thị trường chứng khoán và bất động sản tăng trưởng nóng,… làm tăng nợ xấu của các ngân hàng, chính phủ Nhật đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu, tránh được cuộc khủng hoảng toàn hệ thống ngân hàng.
Bối cảnh lịch sử
Nền kinh tế Nhật tăng trưởng thần kỳ trong một thời gian dài gần 40 năm (từ sau Thế chiến 2 đến giữa những năm 1980) khiến đất nước này trở nên giàu có. Sự giàu có nhanh chóng khiến người dân rất lạc quan còn doanh nghiệp tin tưởng vào tương lai tăng trưởng mãi mãi, liên tục tăng cường đầu tư và mua sắm các tài sản cố định, cộng với nhu cầu nhà đất tăng lên khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp đã dần hình thành cơn sốt chứng khoán và địa ốc.
Chính sách giữ đồng Yên Nhật ở mức thấp và tương đối ổn định trong nhiều năm để phục vụ xuất khẩu đã góp phần sinh ra những đại doanh nghiệp về sản xuất và xuất khẩu trên thế giới, cùng với tốc độ tăng trưởng cao nhiều thập kỷ liên tục đã trở thành yếu tố hấp dẫn luồng vốn quốc tế đổ vào Nhật Bản, góp phần bơm căng bong bóng giá tài sản.
Hiệp định Plaza năm 1985 đã buộc Nhật thả nổi đồng Yên. Đồng Yên tăng giá mạnh làm điêu đứng các công ty xuất khẩu, đe doạ tăng trưởng kinh tế Nhật, buộc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) thực hiện nới lỏng tiền tệ qua hạ lãi suất cơ bản để ngăn chặn nguy cơ suy thoái và phục hồi xuất khẩu. Lạm phát thấp dưới 1% cũng ủng hộ ý kiến không cần thắt chặt chính sách tiền tệ theo quan điểm truyền thống. Chính sách tài khoá cũng được mở rộng để hỗ trợ tăng trưởng. Thặng dư vốn đầu tư phát sinh bong bóng giá tài sản trong thị trường chứng khoán và địa ốc vào cuối những năm 1980. Khi bong bóng tài sản nổ vỡ, nợ xấu xuất hiện và tăng lên nhanh chóng trong hệ thống ngân hàng. Các doanh nghiệp bị điêu đứng bởi tỷ giá tăng cao và chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách thắt chặt lần lượt giải thể trong nợ nần. Các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay ra để ngăn chặn nợ xấu, đã khiến cho doanh nghiệp phá sản hàng loạt, làm gia tăng khối nợ khó đòi trong ngân hàng.
Năm 1995, nhận thấy sự xuất hiện mầm mống của cuộc khủng hoảng ngân hàng, chính phủ Nhật Bản đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu.
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu ở Nhật Bản được tiến hành trong khoảng thời gian 12 năm, từ năm 1995 tới 2007.
Điểm quan trọng trong cải cách các vấn đề liên quan đến chính sách là chính phủ Nhật Bản đã kết thúc thời kỳ bảo hộ nhà nước đối với hệ thống ngân hàng thông qua các cơ chế chính sách tạo niềm tin của công chúng vào khả năng của Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong việc duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính. Những năm 1997 – 1998, chính phủ Nhật Bản đã nhận thấy sự lỗi thời trong các chính sách bảo hộ của mình cùng với sức ép thị trường sẽ dẫn tới khủng hoảng hệ thống ngân hàng. Từ 1998, chính phủ Nhật đã thực hiện hàng loạt các biện pháp để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng như: cải cách cơ chế chính sách; thành lập Cơ quan giám sát tài chính và Ủy ban tái cấu trúc tài chính; đóng cửa các ngân hàng không có khả năng tồn tại; tái cơ cấu các ngân hàng có khả năng tồn tại (tái cơ cấu tổ chức, bao gồm: quốc hữu hóa tạm thời, hợp nhất, sáp nhập các ngân hàng nhỏ với nhau; tái cơ cấu hoạt động, tăng ROE; giải quyết nợ xấu, bao gồm: phân loại nợ chặt chẽ hơn, dự phòng rủi ro tín dụng lớn hơn); tái cơ cấu các doanh nghiệp vay nợ; quy định bảo hiểm tiền gửi không giới hạn,…
Chính phủ Nhật Bản đã phải mạnh tay sửa đổi các Luật liên quan như Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật phá sản, Luật thi hành án dân sự; Luật tổ chức lại doanh nghiệp,…
Năm 1996, hệ thống bảo hiểm tiền gửi đã được tăng cường thông qua việc sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi: bảo hiểm toàn bộ tiền gửi đến tháng 3/2011, tăng phí bảo hiểm tiền gửi từ 0,012% lên 0,084%. Sau đó, đến năm 2001, quy định bảo hiểm toàn bộ tiền gửi được gia hạn tiếp đến tháng 3/2005.
Bên cạnh đó, chính phủ Nhật cũng đã tiến hành bơm vốn nhằm hỗ trợ tăng cường sức mạnh của hệ thống bảo hiểm tiền gửi, cấp vốn cho các ngân hàng yếu kém nhưng có khả năng tồn tại để tiến hành tái cơ cấu ngân hàng. Việc bơm vốn được thực hiện theo từng giai đoạn với các mục tiêu rất rõ ràng.
Mô hình tái cơ cấu các ngân hàng Nhật Bản:
Năm 1995 – 1996, chính phủ cấp 680 tỷ yên từ quỹ công để giải quyết vấn đề của các công ty cho vay mua nhà.
Cuối năm 1998, Nhật đã tiến hành quốc hữu hóa 2 ngân hàng lớn là Long-Term Credit và Nippon Credit. Trong khoảng từ 2001 tới 2003, một số ngân hàng đã được hợp nhất với nhau thành 5 ngân hàng lớn hơn gồm: Mizuho Financial Group, Sumitomo Mitsui Financial Group, Mitsubishi Tokyo Financial Group, UFJ Holdings, Resona Holdings.
Tháng 3/1998, chính phủ Nhật cấp 30 nghìn tỷ yên cho DIC trước tháng 3/1998, trong đó, 13 tỷ để xử lý bảng cân đối kế toán của các ngân hàng và 17 tỷ để tăng cường sức mạnh cho hệ thống bảo hiểm tiền gửi.
Tháng 3/1998, chính phủ đã bơm 1,82 tỷ yên từ các nguồn công để tái cơ cấu vốn 21 ngân hàng thương mại, bao gồm tất cả các ngân hàng thành phố. Đến tháng 3/1999 bổ sung thêm 7,5 tỷ yên.
Tháng 10/1998, chính phủ bổ sung thêm 60 tỷ yên – chiếm 12% GDP – để hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng.
Tháng 5/2003 chính phủ Nhật Bản đã bơm thêm 1,96 tỷ yên cho Resona Banks và Resona Holdings thông qua Luật bảo hiểm tiền gửi.
Như vậy, chi phí cho cả quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của Nhật lên tới 101,96 nghìn tỷ yên, chiếm 19,87% GDP năm 2007 của Nhật (GDP năm 2007 của Nhật là 513 nghìn tỷ yên – theo Reuters). Tuy nhiên, tỷ lệ này thấp nếu so với các quá trình tái cơ cấu ở các nước châu Âu (khoảng 40%).
Nguồn tài chính Nhật Bản sử dụng trong quá trình tái cơ cấu được lấy từ quỹ công, huy động thông qua phát hành trái phiếu chính phủ và từ tiền thuế của người dân.
Nhìn chung, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Nhật Bản đã hoàn thành tốt. Chính sự chủ động tái cơ cấu khi mầm mống khủng hoảng hệ thống ngân hàng xuất hiện đã giúp chính phủ Nhật thực hiện được thành công kế hoạch tái cơ cấu, tránh được cuộc khủng hoảng toàn hệ thống ngân hàng, tiết kiệm được chi phí so với tái cơ cấu bị động.
TS. Nguyễn Văn Thạnh
Chủ tịch HĐQT BHTGVN
* Trích đăng phần 2 tham luận "Kinh nghiệm quốc tế về tài chính cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu" của TS. Nguyễn Văn Thạnh tại buổi tọa đàm “Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu” do Ủy ban thường vụ Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức
Phần 1: Những vấn đề chung về tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu