Hạn mức BHTG nên bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền
Tại Việt Nam, theo quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi, hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.
Hạn mức trả tiền bảo hiểm tại Việt Nam đã thực hiện qua hai lần điều chỉnh lần lượt từ 30 triệu VNĐ (năm 1999) lên 50 triệu VNĐ (năm 2005), và từ 50 triệu VNĐ lên 75 triệu VNĐ (năm 2017). Tuy vây, nhiều ý kiến cho rằng hạn mức này là khá thấp so với mặt bằng chung trong khu vực.
Theo kinh nghiệm quốc tế về đánh giá hạn mức: Nguyên tắc 8, Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) năm 2014 khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách phải xác định rõ ràng hạn mức và phạm vi BHTG. Hạn mức BHTG nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền nhưng phải đảm bảo có một giá trị tiền gửi đáng kể tuân theo kỷ luật thị trường. Hạn mức BHTG cần phù hợp với các mục tiêu chính sách công và các đặc điểm thiết kế có liên quan của hệ thống BHTG.
Theo tài liệu Hướng dẫn nâng cao về phát triển hệ thống BHTG hiệu quả - Hạn mức BHTG của IADI năm 2013, hạn mức BHTG nên bảo vệ toàn bộ 90-95% người gửi tiền. Các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến việc xác định hạn mức BHTG bao gồm nguồn quỹ sẵn có, giai đoạn phát triển kinh tế...
Ngoài ra, hạn mức BHTG nên được xem xét, đánh giá lại thường xuyên và được điều chỉnh một cách thích hợp dựa trên các yếu tố như lạm phát, thay đổi thu nhập của người dân, quy mô tiền gửi của người gửi tiền, kỳ vọng của thị trường và các yếu tố khác tác động tới mục tiêu chính sách công.
Theo kết quả khảo sát thường niên của IADI năm 2019, trong số 54 tổ chức BHTG tính toán tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ thì 44 tổ chức (chiếm 81%) bảo vệ toàn bộ trên 90% người gửi tiền được bảo hiểm. BHTGVN là một trong ít tổ chức có tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm dưới 90%.
Do đó, việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về hạn mức BHTGlà cần thiết. Từ đó có thể đánh giá và cân nhắc điều chỉnh hạn mức BHTG tại Việt Nam đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, tăng độ bao phủ bảo vệ người gửi tiền và nâng cao uy tín của BHTG, tăng niềm tin của công chúng với hệ thống ngân hàng, thu hút được lượng tiền gửi của người dân vào các TCTD.
Kinh nghiệm về hạn mức BHTG tại một số nước
Indonesia
Indonesia là một quốc gia đang phát triển thuộc khu vực Đông Nam Á, có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam như quy mô dân số, trình độ phát triển kinh tế, xã hội, v.v..
Indonesia thành lập Tổng công ty BHTG Indonesia vào năm 2005 và hạn mức đã được xem xét thay đổi 3 lần do ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng tài chính khu vực và toàn cầu.
Lần 1: Cơ chế bảo đảm toàn bộ trong giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á
Trong quá khứ, Indonesia là nơi bị tác động nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997-1998. Trước bối cảnh lạm phát tăng cao đột biến, đồng tiền rupiah bị mất giá nghiêm trọng, tăng trưởng kinh tế sụt giảm vào tháng 11/1997, Chính phủ đã tuyên bố bảo lãnh toàn bộ (bảo hiểm không giới hạn) nhằm ngăn chặn tình trạng rút tiền ồ ạt khỏi hệ thống ngân hàng. Cơ quan tái thiết ngân hàng Indonesia (IBRA) được chỉ định quản lý chương trình bảo lãnh toàn bộ này.
Lần 2: Hệ thống ổn định, áp dụng bảo hiểm có hạn mức và giảm dần hạn mức
Chính phủ Indonesia nhận thấy không thể áp dụng chính sách chi trả không giới hạn trong thời gian quá dài vì vấn đề rủi ro đạo đức và áp lực lên ngân sách nhà nước. Vì vậy, Indonesia đã thành lập tổ chức bảo hiểm tiền gửi, dỡ bỏ chính sách bảo hiểm toàn bộ, áp dụng chính sách bảo hiểm có hạn mức và giảm dần hạn mức khi tình hình hệ thống đi vào ổn định. Năm 2007, hạn mức được giảm xuống còn 100 triệu rupiah, bảo vệ toàn bộ được khoảng 98% tổng số tài khoản tiền gửi và khoảng 20% tổng giá trị tiền gửi vào hệ thống ngân hàng.
Lần 3: Tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi dù Indonesia không chịu tác động nhiều của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Do kinh nghiệm từ lần khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 nên trong tháng 10/2008, Indonesia đã nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi lên khá cao, gấp hơn 20 lần so với hạn mức trước đó, từ 100 triệu rupiah (tương đương với 9.000 USD) lên 2 tỷ rupiah (tương đương với 200.000 USD). Việc tăng hạn mức được xem là một trong những động thái góp phần ổn định hệ thống ngân hàng của Indonesia.
Luật BHTG Indonesia năm 2004 quy định rõ hạn mức có thể được điều chỉnh trong một số trường hợp, trong đó đáng chú ý làkhi số lượng người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ giảm xuống dưới mức ngưỡng 90%;
Luật cũng quy định cụ thể về việc Chính phủ phải tham vấn Quốc hội trước khi điều chỉnh hạn mức. Việc Luật BHTG quy định cụ thể trường hợp cần phải điều chỉnh hạn mức đã tạo hàng lang pháp lý cho việc điều chỉnh hạn mức, đảm bảo hạn mức theo kịp thực tế đời sống kinh tế xã hội và sự thay đổi của hoạt động tài chính ngân hàng tại Indonesia trong từng thời kỳ.
Philippines
Theo Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) của Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới đối với Philippines năm 2011, hạn mức trả BHTG của nước này được đánh giá định kỳ 2 năm 1 lần kể từ ngày được điều chỉnh theo luật định. Trong giai đoạn tới, hạn mức này sẽ được đánh giá định kỳ 5 năm. Việc xem xét để điều chỉnh hạn mức phù hợp ở nước này được căn cứ vào một số yếu tố, trong đó phải kể đến tình hình lạm phát (hạn mức trả BHTG thường được Philippines duy trì gấp 2 lần GDP/đầu người).
Tuy nhiên, yếu tố được coi là quan trọng hơn cả khi xác định hạn mức phù hợp ở Philippines chính là tỷ lệ tài khoản tiền gửi được bảo hiểm/tổng số tài khoản tiền gửi và mục tiêu đặt ra là phải đảm bảo phần lớn tài khoản tiền gửi của người gửi tiền nhỏ lẻ được bảo vệ.
Như vậy, hạn mức BHTG ở Philippines nhất quán với mục tiêu chính sách công của BHTG Philippines (PDIC) là bảo vệ lợi ích của người gửi tiền và góp phần xây dựng một hệ thống ngân hàng ổn định, lành mạnh thông qua việc đảm bảo phần lớn người gửi tiền được bảo hiểm đầy đủ và không có động lực rút khỏi tổ chức nhận tiền gửi, trong khi vẫn duy trì một tỷ lệ giá trị các khoản tiền gửi chưa được bảo hiểm. Cũng chính vì lý do này, số ít những người gửi tiền quy mô lớn sẽ có động lực quản lý các hoạt động mang tính rủi ro của tổ chức nhận tiền gửi, tức là hạn chế được rủi ro đạo đức.
Kể từ khi PDIC được thành lập vào năm 1963, Philippines đã 6 lần điều chỉnh hạn mức BHTG, từ mức ban đầu 10.000 Peso (khoảng 2.5570 USD) vào năm 1963, đến thời điểm hiện tại, hạn mức BHTG đã tăng lên 500.000 Peso (khoảng 10.700 đô la Mỹ). Ngay từ khi thành lập cho đến nay, hạn mức BHTG của Philippines đều được quy định rõ ràng, cụ thể trong Luật Cộng hòa hoặc Sắc lệnh của Tổng thống nước này. Xét về điều này, Philippines tuân thủ hoàn toàn tiêu chuẩn đầu tiên và rất quan trọng của nguyên tắc 8 về Phạm vi bảo hiểm trong Bộ nguyên tắc phát triển BHTG hiệu quả là loại tiền gửi được bảo hiểm phải được quy định rõ ràng và công khai trong luật hoặc quy định khác.
Tính đến lần thay đổi hạn mức gần đây nhất vào tháng 6/2009, ở mức 500.000 peso, có tới 97% tài khoản tiền gửi được bảo vệ toàn bộ, trong khi xấp xỉ 31% tổng số tiền gửi được bảo vệ toàn bộ. Bên cạnh đó, trong lịch sử các lần điều chỉnh hạn mức kể từ năm 1983 trở lại đây, tỷ lệ tài khoản tiền gửi được bảo hiểm toàn bộ tại Philippines đều cao hơn 90%. Khi tỷ lệ này có xu hướng giảm đi, Chính phủ nước này đều có chính sách nâng hạn mức BHTG nhằm tăng tỷ lệ bảo vệ tài khoản tiền gửi của người gửi tiền.
Trong cuộc khủng hoảng năm 2009, Chính phủ Phillipines chủ trương cung cấp mọi cơ chế cần thiết để PDIC thực hiện hiệu quả mục tiêu chính sách công là bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và góp phần ổn định tài chính. Chủ trương này đã được cụ thể hóa bằng quy định trong Luật Cộng hòa 9576 do Quốc hội Phillipines ban hành. Luật quy định nâng hạn mức BHTG và tăng cường thẩm quyền pháp lý, năng lực tài chính của PDIC để thực hiện được tốt nhất mục tiêu chính sách công của mình. Theo đó, hạn mức BHTG của Philippines từ năm 2009 trở đi sẽ được tăng lên mức 500.000 Peso (tương đương với 10.700 USD) từ mức 250.000 Peso (tương đương với 4.500 USD). Hạn mức này bảo hiểm được 97,2% tổng tài khoản tiền gửi trong hệ thống ngân hàng.
Đối với vấn đề thẩm quyền, Luật cho phép PDIC có quyền linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh hạn mức chi trả BHTG nhằm đáp ứng với những diễn biến nhanh, bất ngờ của khủng hoảng tài chính. Trong trường hợp có biến cố xảy ra, đe dọa sự ổn định tài chính và tiền tệ của hệ thống ngân hàng mà có thể gây ra những hậu quả mang tính hệ thống, hạn mức chi trả BHTG có thể được điều chỉnh sau khi có sự nhất trí của Hội đồng quản trị của PDIC trong cuộc họp do bộ trưởng Tài chính nước này chủ trì và sau khi được Tổng thống Phillippines chấp thuận. Để đảm bảo cho PDIC có đủ năng lực tài chính, theo Luật Cộng hòa 9576, Quốc hội Philippines hàng năm sẽ cung cấp nguồn tài chính cần thiết để chi trả cho khoản tiền bồi thường vượt quá hạn mức cũ trước đây là 250.000 peso.
Nhật Bản
Từ năm 2005 đến nay, Tổng công ty BHTG Nhật Bản DICJ thực hiện chi trả số tiền gửi bảo hiểm trong hạn mức là 10 triệu Yên (tương đương với 94.000 USD) bao gồm cả gốc và lãi cộng dồn của các loại tiền gửi thông thường, tiền gửi có kỳ hạn và các loại công cụ huy động khác, riêng đối với tiền gửi thanh toán (tiền gửi không kỳ hạn) được bảo hiểm 100%. Theo khảo sát mới nhất của IADI năm 2018, tỷ lệ người gửi tiền được bảo vệ tại Nhật Bản lên tới 98,55%, tỷ lệ giá trị tiền gửi được bảo vệ là 74,01%
Liên quan tới số lượng tiền gửi, người gửi tiền được bảo vệ bởi hệ thống bảo hiểm tiền gửi khi một tổ chức tài chính đổ vỡ, trong số các loại tiền gửi thuộc phạm vi bảo hiểm, những tiền gửi nằm trong danh mục tiền gửi có mục đích thanh toán (đáp ứng 3 yêu cầu: không có lãi, trả theo yêu cầu, và có thể dùng cho các dịch vụ thanh toán) được bảo vệ toàn bộ, trong khi đó những khoản tiền gửi thuộc các danh mục khác (sau đây gọi là “tiền gửi thông thường (general deposits), …) được bảo vệ lên tới 10 triệu JPY cả gốc lẫn lãi tính tới ngày tổ chức tài chính đổ vỡ, tính trên mỗi người gửi tiền tại mỗi tổ chức (tiền gửi được bảo hiểm bởi cơ chế bảo hiểm tiền gửi với một giới hạn xác định trước thì được gọi là “tiền gửi được bảo hiểm”).
Về khoản tiền gửi thông thường vượt hạn mức, và các khoản tiền gửi không thuộc phạm vi bảo hiểm, việc bồi hoàn tiền được thực hiện tùy thuộc trạng thái tài sản của tổ chức tài chính đổ vỡ. Vì vậy những khoản tiền gửi này sẽ được khấu trừ.
Mỹ
Mỹ thành lập Tổng công ty BHTG (FDIC) sớm nhất thế giới, năm 1933 trong cuộc Đại suy thoái kinh tế thế giới lần thứ nhất và ngay sau khi Luật BHTG Mỹ ra đời. Vào những ngày đầu thành lập, FDIC quy định mức chi trả tối đa là 2,500 USD trên mỗi tài khoản, nửa năm sau con số này được nâng lên thành 5,000 USD và trong khoảng thời gian từ 1950 -1980 đã diễn ra thêm 4 lần tăng hạn mức – nâng hạn mức trả tiền BHTG của Mỹ đạt mốc 100.000 USD.
Đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, khủng hoảng xuất phát từ Mỹ, và Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng này. Sự sụp đổ của Lehnman Brothers - một trong những tổ chức tài chính lớn nhất và lâu đời nhất nước Mỹ vào tháng 9/2008 - đã châm ngòi cho một loạt các vụ đổ vỡ ngân hàng tại Mỹ và một số nước Châu Âu.
Cùng với các biện pháp cứu trợ khẩn cấp khác, ngay đầu tháng 10/2008, Luật ổn định kinh tế khẩn cấp đã được Hạ viện Mỹ thông qua, trong đó cho phép nâng hạn mức BHTG tạm thời từ 100.000USD lên 250.000USD đến hết năm 2009. Và sau đó, Luật cải cách tài chính phố Wall (Luật Dodd-Frank) được phê chuẩn vào tháng 7/2010 cho phép tiếp tục duy trì hạn mức mới này đến hết năm 2013. Tuy nhiên, đến nay, hạn mức 250.000USD/1 người gửi tiền vẫn được áp dụng tại Mỹ. Ngoài ra, cũng theo Luật Dodd-Frank, tất cả các tài khoản giao dịch không hưởng lãi sẽ được bảo hiểm toàn bộ từ ngày 31/12/2010 cho đến hết ngày 31/12/2012.
Tổng Công ty BHTG liên bang Mỹ (FDIC) đã có tổng cộng 08 lần điều chỉnh hạn mức chi trả tiền bảo hiểm bắt đầu từ khi thành lập đến nay. Tuy hạn mức chi trả có thể khác nhau nhưng việc thay đổi hạn mức chi trả của FDIC được căn cứ dựa trên các nguyên tắc sau:
- Thích ứng với tăng lạm phát theo thời gian.
- Kích thích tăng huy động vốn của các ngân hàng.
- Củng cố niềm tin của dân chúng đối với hoạt động ngân hàng.
Hạn mức trả tiền bảo hiểm tại Việt Nam so với các nước láng giềng
Năm 2018, hạn mức BHTG (theo đô la Mỹ) của Việt Nam thấp thứ 5/18 tổ chức BHTG trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương tham gia trả lời khảo sát, chỉ cao hơn Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan và Cộng hòa Kyrgyz. Tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm tại Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan (99,83%), Mông Cổ (99,80%), Đài Loan (98,30%), Malaysia (98,00%), Singapore (91,00%).
Ngoài ra, theo kết quả khảo sát, hạn mức BHTG trên thế giới dao động ở mức từ dưới 1.000 USD đến 300.000 USD. Một số tổ chức BHTG áp dụng bảo hiểm toàn bộ. Tính đến hết năm 2018, hạn mức BHTG trung bình là 70.000 USD cho mỗi cá nhân tại mỗi tổ chức tín dụng và đã tăng đáng kể trong vòng 10 năm trở lại đây. Việt Nam nằm trong số những nước có hạn mức BHTG thấp nhất thế giới (thấp thứ 15/113 tổ chức trên thế giới tham gia trả lời khảo sát).
Như vậy có thể thấy, hạn mức trả tiền bảo hiểm tại Việt Nam hiện nay là tương đối thấp (tỷ lệ này ở Việt Nam đang là 87,72%, thấp hơn so với mức khuyến nghị của IADI). Vì vậy, để củng cố niềm tin của người gửi tiền vào chính sách BHTG nói riêng và hệ thống tài chính ngân hàng nói chung, từ đó thu hút tiền gửi của người dân, Việt Nam cần xem nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nguồn tài liệu tham khảo:
http://www.div.gov.vn;