Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, năm 2010,PIDM đã ban hành Quy định “Hướng dẫn hệ thống thông tin tiền gửi và việc báo cáo thông tin tiền gửi” và sửa đổi vào các năm 2013, 2016, trong đó yêu cầu các tổ chức tham gia BHTG phải cung cấp thông tin chi tiết về tiền gửi được bảo hiểm cho PIDM.
Theo quy định này, các tổ chức tham gia BHTG phải cung cấp thông tin cho PIDM theo 73 trường thông tin, bao gồm cả dữ liệu tài chính và dữ liệu phi tài chính, được chia thành 5 file như sau:
- File dữ liệu chính: bao gồm dữ liệu tài chính và phi tài chính của tất cả các tài khoản tiền gửi được phân loại theo sản phẩm tiền gửi.
- File thông tin về chủ tài khoản: bao gồm dữ liệu chi tiết về chủ tài khoản. Một tài khoản có thể có nhiều đồng chủ sở hữu. Thông tin về các chủ sở hữu tài khoản phải được lưu trữ bắt buộc.
- File tiền gửi kỳ hạn: bao gồm dữ liệu chi tiết về các tài khoản tiền gửi có kỳ hạn với thời gian đáo hạn đã được xác định.
- File thông tin người thụ hưởng của tài khoản tín chấp: bao gồm dữ liệu chi tiết về người thụ hưởng của các tài khoản tín chấp.
- File địa chỉ: bao gồm thông tin về địa chỉ của các chủ tài khoản.
Các thông tin này được PIDM thu thập định kỳ mỗi năm một lần vào thời điểm 31/5 hàng năm, thời điểm của dữ liệu là 31/12 năm trước, nhằm mục đích kiểm tra lại việc tính toán số dư tiền gửi được bảo hiểm để tính và nộp phí của các tổ chức tham gia BHTG. Ngoài ra, PIDM cũng yêu cầu hệ thống công nghệ thông tin của các tổ chức tham gia BHTG phải có khả năng kết xuất 5 file dữ liệu trên vào thời điểm bất kỳ. Yêu cầu này nhằm mục đích chuẩn bị sẵn sàng cho chi trả trong trường hợp tổ chức tham gia BHTG gặp sự cố bất thường gây ra đổ vỡ.
Để ban hành được Quy định này, PIDM đã mất 2 năm (từ 2008 tới 2010) để nghiên cứu, dự thảo quy định và khởi động dự án phát triển hệ thống chi trả. Trong quá trình ban hành, PIDM đã khảo sát ý kiến của các tổ chức tham gia BHTG cũng như của Ngân hàng Trung ương. Qua khảo sát cho thấy, hầu hết các tổ chức tham gia BHTG đều đồng ý với các quy định của PIDM, chỉ một số tổ chức đề nghị được thêm thời gian để xây dựng hệ thống công nghệ thông tin.
Dung lượng dữ liệu PIDM thu thập về là rất lớn, chi tiết tới từng tài khoản tiền gửi và lấy tất cả các thông tin liên quan đến mỗi tài khoản tiền gửi, trong đó có thông tin về nhân thân của người gửi tiền (như họ tên, địa chỉ, ID, số điện thoại,...). Do vậy, vấn đề bảo mật thông tin được PIDM đặc biệt chú trọng.
Biện pháp bảo mật thông tin mà PIDM yêu cầu các tổ chức tham gia BHTG thực hiện gồm:
- Mã hóa các trường thông tin nhân thân người gửi tiền: Biện pháp này yêu cầu mỗi tổ chức tham gia BHTG phải tự mã hóa thông tin trước khi gửi cho PIDM, mỗi tổ chức sẽ có hệ thống mã hóa khác nhau và tự bảo quản khóa giải mã. PIDM sẽ không giải mã được các trường thông tin này.
- Gửi thông tin qua đĩa cứng đã được mã hóa cho PIDM: Các tổ chức tham gia BHTG sẽ lưu thông tin tiền gửi trong đĩa cứng được mã hóa do PIDM cung cấp và gửi về cho PIDM.
Ngoài ra, các tổ chức tham gia BHTG phải đăng ký sản phẩm tiền gửi và chứng chỉ bảo hiểm cho sản phẩm tiền gửi đó với PIDM trước khi cung cấp cho khách hàng. PIDM sẽ cung cấp mã sản phẩm tiền gửi cho các tổ chức. Mã sản phẩm tiền gửi phải được cập nhật vào hệ thống phần mềm cho từng tài khoản tiền gửi như một loại thông tin bắt buộc của tài khoản tiền gửi và gửi về cho PIDM theo mẫu và định dạng của các file dữ liệu chuẩn ở trên. Căn cứ vào mã sản phẩm tiền gửi này, việc lọc thông tin về tiền gửi được bảo hiểm để phục vụ kiểm tra tính phí hoặc chi trả tiền bảo hiểm sẽ được xử lý nhanh chóng.
Theo quy định của Malaysia, PIDM tính phí BHTG theo rủi ro và PIDM cũng là cơ quan xếp hạng rủi ro của các tổ chức tham gia BHTG. Việc vi phạm các quy định của PIDM về “Hướng dẫn hệ thống thông tin tiền gửi và việc báo cáo thông tin tiền gửi” là một trong những điểm trừ khi PIDM xếp hạng rủi ro để tính phí BHTG.
Dựa trên hệ thống thông tin về tiền gửi được bảo hiểm, năm 2016, PIDM đã thực hiện một kịch bản mô phỏng chi trả tiền bảo hiểm. Ngân hàng được lựa chọn để thực hiện mô phỏng là một ngân hàng có quy mô trung bình, với số lượng sản phẩm tiền gửi là 42, loại tiền gửi gồm nội tệ và ngoại tệ, số lượng tài khoản tiền gửi là 1 triệu, số lượng đối tượng gửi tiền lớn hơn 500.000, tổng tiền gửi khoảng 65 tỉ ringit (khoảng 14,5 tỉ USD), tổng tiền gửi có thể bảo hiểm là 54 tỉ ringit (khoảng 12 tỉ USD), tổng tiền gửi được bảo hiểm là 16 tỉ ringit (khoảng 3,7 tỉ USD), số lượng chi nhánh trong nước là 36 chi nhánh.
Với hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến phục vụ chi trả được xây dựng và đang tiếp tục phát triển, và quy định các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi cung cấp thông tin chi tiết về tiền gửi cho PIDM đã tạo cơ chế để PIDM luôn luôn sẵn sàng ứng phó với những trường hợp bất thường xảy ra, giúp cho quá trình chi trả diễn ra nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và tránh gây tâm lý hoang mang cho người gửi tiền được bảo hiểm do phải chờ đợi lâu.
Từ việc tham khảo, nghiên cứu kinh nghiệm của Tổng công ty BHTG Malaysia trong việc thu thập thông tin chi tiết về tiền gửi, nhóm tác giả đưa ra một số đề xuất sau đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV):
- Xây dựng cơ chế thu thập thông tin chi tiết về tiền gửi được bảo hiểm từ các tổ chức tham gia BHTG theo định kỳ. Yêu cầu các tổ chức tham gia BHTG xây dựng hệ thống công nghệ thông tin để đáp ứng cơ chế đó.
- Thường xuyên kiểm tra và có những đánh giá đối với hệ thống công nghệ thông tin của các tổ chức tham gia BHTG trong việc tuân thủ yêu cầu của DIV về thu thập thông tin tiền gửi.
- Vấn đề bảo mật dữ liệu tiền gửi, đặc biệt là thông tin nhân thân của người gửi tiền rất quan trọng, phải được đặt lên hàng đầu. DIV cần cân nhắc thận trọng khi thu thập thông tin nhân thân của người gửi tiền để giảm thiểu tối đa rủi ro liên quan đến bảo mật.
- Xây dựng kịch bản và thực hiện thử nghiệm quá trình chi trả tiền bảo hiểm cho một ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ để rút ra kinh nghiệm, bài học nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.