Khi thành lập Tổng Công ty BHTG Nhật Bản (DICJ), tình hình kinh tế Nhật Bản nói chung và tình hình tài chính tiền tệ của Nhật Bản nói riêng khá ổn định. DICJ hoạt động theo mô hình chi trả với vai trò và các nghiệp vụ đơn giản, khá mờ nhạt. Hầu như, DICJ chỉ được biết đến khi có đổ vỡ ngân hàng và người dân nhận được tiền BHTG. Giai đoạn khó khăn kinh tế diễn ra ở Nhật Bản bắt đầu từ năm 1996, khi kinh tế đối mặt với suy giảm phát triển kéo dài và bong bóng bất động sản xuất hiện, DICJ có cơ hội phát huy vai trò của mình trong việc bình ổn thị trường tài chính, tiền tệ, bảo vệ người gửi tiền và xử lý ngân hàng có vấn đề. Năm 1996, Luật BHTG Nhật Bản được chỉnh sửa theo mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng. DICJ được tăng cường chức năng như mua lại nợ xấu từ các tổ chức tài chính, hỗ trợ vốn cho việc sáp nhập tổ chức tín dụng, lựa chọn các tổ chức tài chính tiếp nhận, điều hành ngân hàng đổ bể được tiếp nhận và các công việc liên quan khác. Theo đó, vào tháng 4/1999, Tổng công ty thu hồi và xử lý nợ RCC được thành lập theo hình thức là một tổ chức trực thuộc DICJ, có vai trò thu hồi nhanh và hiệu quả các khoản nợ xấu.
Các hoạt động nghiệp vụ của DICJ dần được mở rộng và phát huy tác dụng. Hoạt động kiểm tra, giám sát được DICJ chú trọng triển khai, với nội dung kiểm tra tình hình nộp phí BHTG, dự tính tiền gửi và các khoản khác phải chi trả trong trường hợp tổ chức tài chính bị đổ bể, kiểm tra việc tổng hợp số liệu tiền gửi để đảm bảo đầy đủ, chính xác quyền lợi người gửi tiền. Việc tham gia BHTG tại Nhật Bản là bắt buộc đối với các tổ chức tài chính. Mức phí ban đầu áp dụng với tỷ lệ đóng hàng năm là 0,006% số dư tiền gửi được bảo hiểm. Đến nay, DICJ đã áp dụng cách tính phí theo mức độ rủi ro của các tổ chức tín dụng, mức tối đa là 0,084% số dư tiền gửi được bảo hiểm. Việc chi trả tiền bảo hiểm cũng là một nghiệp vụ quan trọng của DICJ. Trong giai đoạn mới triển khai chính sách BHTG, hạn mức chi trả tối đa cho một tổ chức tham gia BHTG là 3 triệu Yên, đến nay đã tăng lên 10 triệu Yên cho một người gửi tiền tại một ngân hàng, riêng đối với tiền gửi thanh toán (tiền gửi không kỳ hạn) được bảo hiểm 100%.
DICJ đóng một vai trò quan trọng trong xử lý ngân hàng đổ vỡ ở Nhật Bản. Khi có ngân hàng hoặc một tổ chức tài chính bị đổ vỡ, DICJ sẽ tiếp nhận thông tin người gửi tiền tại ngân hàng hay tổ chức tài chính đó trong 24h. Sau đó, DICJ sẽ thu hồi nhanh và hiệu quả các khoản nợ xấu bằng các biện pháp công bằng, minh bạch nhằm tối thiểu hóa việc sử dụng quỹ BHTG để giải quyết hậu quả đổ vỡ ngân hàng. Ví dụ, thành lập công ty xử lý và thu hồi nợ (RCC) theo hình thức là công ty con của DICJ để thu mua lại các khoản nợ xấu. Ngoài ra, DICJ có thể thành lập ngân hàng bắc cầu với 100% vốn của DICJ để quản lý và hỗ trợ cho hoạt động của tổ chức tài chính bị đổ vỡ, không gây ngừng trệ dịch vụ ngân hàng phục vụ cộng đồng.
Để các ngân hàng giảm bớt rủi ro, DICJ thành lập Công ty sáng kiến tái cơ cấu doanh nghiệp của Nhật (ETIC) với 100% vốn của DICJ, có nhiệm vụ cung cấp hỗ trợ, phục hồi cho các doanh nghiệp địa phương gặp khó khăn. ETIC được thành lập vào 10/2009, có nhiệm vụ đánh giá tài sản của các doanh nghiệp, hỗ trợ xây dựng các hoạt động và lập kế hoạch tái cơ cấu tài chính, điều phối các chủ nợ và các bên liên quan khác một cách công bằng, minh bạch. Đây cũng là một trong những biện pháp nghiệp vụ giúp DICJ đóng góp to lớn vào ổn định hệ thống tài chính.
Công tác thông tin tuyên truyền về chính sách BHTG được DICJ triển khai bài bản, góp phần duy trì niềm tin của công chúng và hệ thống tài chính, ngân hàng. DICJ đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm tuyên truyền cho người dân hiểu về BHTG thông qua báo, tạp chí, hội nghị, đường dây nóng... cũng như khảo sát thường xuyên nhận thức, mong muốn của công chúng về BHTG
Hàm ý từ kinh nghiệm của BHTG Nhật Bản
Có thể nói DICJ hoạt động theo mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng đã thực sự phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực cho quá trình giải quyết khó khăn trong hoạt động ngân hàng ở Nhật Bản trong thời gian qua.
Việc hoàn thiện cơ sở pháp lý có tính đồng bộ và khả thi cao là yếu tố đóng vai trò đặc biệt, quyết định tính hiệu quả của quá trình triển khai chính sách BHTG ở mỗi quốc gia. Nguồn lực tài chính, mô hình và chức năng của tổ chức trực tiếp triển khai chính sách BHTG là những yếu tố quan trọng đối với khả năng phát huy tác dụng của chính sách BHTG trong việc góp phần kiểm soát, duy trì và thúc đẩy sự ổn định và phát triển của hoạt động ngân hàng. Thực hiện trách nhiệm giám sát, xử lý ngân hàng đổ vỡ cho phép DICJ giải quyết những ngân hàng đổ vỡ ở Nhật Bản nhanh gọn, giảm thiểu tổn thất. Công tác phổ cập chính sách BHTG không đơn thuần là hoạt động quan hệ công chúng, cần được đánh giá và đầu tư nguồn lực đáng kể, có ảnh hưởng trực tiếp đối với niềm tin của công chúng vào ngân hàng. Điều đó càng có ý nghĩa lớn trong giai đoạn các ngân hàng gặp khó khăn trong huy động nguồn lực tiết kiệm của cộng đồng cho đầu tư phục hồi kinh tế.
Nguồn tham khảo:
(1)http://www.dic.go.jp/english/e_shikumi/e_kaisetsu/e_kaisetsu.pdf
(2)Annual Report 2006 April 2006 – March 2007, DICJ
(3) http://www.dic.go.jp/english/e_kikotoha/e_kogaisha/index.html
(4) http://www.dic.go.jp/english/e_shikumi/e_hoken/e_chosakai1.html