Xác định hạn mức BHTG trong giai đoạn bình thường
Theo Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) của Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới đối với Philippines năm 2011, hạn mức trả BHTG của nước này được đánh giá định kỳ 2 năm 1 lần kể từ ngày được điều chỉnh theo luật định. Trong giai đoạn tới, hạn mức này sẽ được đánh giá định kỳ 5 năm. Việc xem xét để điều chỉnh hạn mức phù hợp ở nước này được căn cứ vào một số yếu tố, trong đó phải kể đến tình hình lạm phát (hạn mức trả BHTG thường được Philippines duy trì gấp 2 lần GDP/đầu người).
Tuy nhiên, yếu tố được coi là quan trọng hơn cả khi xác định hạn mức phù hợp ở Philippines chính là tỷ lệ tài khoản tiền gửi được bảo hiểm/tổng số tài khoản tiền gửi và mục tiêu đặt ra là phải đảm bảo phần lớn tài khoản tiền gửi của người gửi tiền nhỏ lẻ được bảo vệ. Như vậy, hạn mức BHTG ở Philippines nhất quán với mục tiêu chính sách công của PDIC là bảo vệ lợi ích của người gửi tiền và góp phần xây dựng một hệ thống ngân hàng ổn định, lành mạnh thông qua việc đảm bảo phần lớn người gửi tiền được bảo hiểm đầy đủ và không có động lực rút khỏi tổ chức nhận tiền gửi, trong khi vẫn duy trì một tỷ lệ giá trị các khoản tiền gửi chưa được bảo hiểm. Cũng chính vì lý do này, số ít những người gửi tiền quy mô lớn sẽ có động lực quản lý các hoạt động mang tính rủi ro của tổ chức nhận tiền gửi, tức là hạn chế được rủi ro đạo đức.
Kể từ khi PDIC được thành lập vào năm 1963, Philippines đã 6 lần điều chỉnh hạn mức BHTG, từ mức ban đầu 10.000 Peso (khoảng 2.5570 USD) vào năm 1963, đến thời điểm hiện tại, hạn mức BHTG đã tăng lên 500.000 Peso (khoảng 10.700 đô la Mỹ). Ngay từ khi thành lập cho đến nay, hạn mức BHTG của Philippines đều được quy định rõ ràng, cụ thể trong Luật Cộng hòa hoặc Sắc lệnh của Tổng thống nước này. Xét về điều này, Philippines tuân thủ hoàn toàn tiêu chuẩn đầu tiên và rất quan trọng của nguyên tắc 8 về Phạm vi bảo hiểm trong Bộ nguyên tắc phát triển BHTG hiệu quả là loại tiền gửi được bảo hiểm phải được quy định rõ ràng và công khai trong luật hoặc quy định khác.
Lộ trình điều chỉnh hạn mức chi trả BHTG tại Philippines
Năm |
Hạn mức |
Cơ sở pháp lý |
1963-1978 |
10.000 peso (2.557 USD) |
Luật Cộng Hòa số 3591 (Tháng 1/1963) |
1978-1984 |
15.000 peso (1.955 USD) |
Sắc lệnh của Tổng thống Số 1451 |
1984-1992 |
40.000 peso (2.395 USD) |
Sắc lệnh của Tổng thống Số 1897 |
1992-2004 |
100.000 peso (3.918 USD) |
Luật Cộng hòa số 7400 (năm 1992) |
2004-2009 |
250.000 peso (4.461 USD) |
Luật Cộng hòa số 9302 (12/8/2004) |
2009-nay |
500.000 peso (10.700 USD) |
Luật Cộng hòa số 9576 (1/6/2009) |
Nguồn: PDIC
Tính đến lần thay đổi hạn mức gần đây nhất vào tháng 6/2009, ở mức 500.000 peso, có tới 97% tài khoản tiền gửi được bảo vệ toàn bộ, trong khi xấp xỉ 31% tổng số tiền gửi được bảo vệ toàn bộ. Bên cạnh đó, trong lịch sử các lần điều chỉnh hạn mức kể từ năm 1983 trở lại đây, tỷ lệ tài khoản tiền gửi được bảo hiểm toàn bộ tại Philippines đều cao hơn 90%. Khi tỷ lệ này có xu hướng giảm đi, Chính phủ nước này đều có chính sách nâng hạn mức BHTG nhằm tăng tỷ lệ bảo vệ tài khoản tiền gửi của người gửi tiền.
Các lần điều chỉnh hạn mức và tỷ lệ tài khoản tiền gửi được bảo hiểm trên tổng số
tài khoản tiền gửi tại Philippines
Nguồn: Tổng hợp từ tài liệu “Coverage Limits: The PDIC Experience”
Điều chỉnh hạn mức trong giai đoạn khủng hoảng
Trong cuộc khủng hoảng năm 2009, Chính phủ Phillipines chủ trương cung cấp mọi cơ chế cần thiết để PDIC thực hiện hiệu quả mục tiêu chính sách công là bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và góp phần ổn định tài chính. Chủ trương này đã được cụ thể hóa bằng quy định trong Luật Cộng hòa 9576 do Quốc hội Phillipines ban hành. Luật quy định nâng hạn mức BHTG và tăng cường thẩm quyền pháp lý, năng lực tài chính của PDIC để thực hiện được tốt nhất mục tiêu chính sách công của mình. Theo đó, hạn mức BHTG của Philippines từ năm 2009 trở đi sẽ được tăng lên mức 500.000 Peso (tương đương với 10.700 USD) từ mức 250.000 Peso (tương đương với 4.500 USD). Hạn mức này bảo hiểm được 97,2% tổng tài khoản tiền gửi trong hệ thống ngân hàng.
Đối với vấn đề thẩm quyền, Luật cho phép PDIC có quyền linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh hạn mức chi trả BHTG nhằm đáp ứng với những diễn biến nhanh, bất ngờ của khủng hoảng tài chính. Trong trường hợp có biến cố xảy ra, đe dọa sự ổn định tài chính và tiền tệ của hệ thống ngân hàng mà có thể gây ra những hậu quả mang tính hệ thống, hạn mức chi trả BHTG có thể được điều chỉnh sau khi có sự nhất trí của Hội đồng quản trị của PDIC trong cuộc họp do bộ trưởng Tài chính nước này chủ trì và sau khi được Tổng thống Phillippines chấp thuận.
Để đảm bảo cho PDIC có đủ năng lực tài chính, theo Luật Cộng hòa 9576, Quốc hội Philippines hàng năm sẽ cung cấp nguồn tài chính cần thiết để chi trả cho khoản tiền bồi thường vượt quá hạn mức cũ trước đây là 250.000 peso.
Bài học kinh nghiệm về điều chỉnh hạn mức chi trả BHTG của Philippines
Từ những phân tích ở trên, có thể thấy một số bài học kinh nghiệm của Philippines trong việc xác định hạn mức BHTG, cụ thể là:
- Thứ nhất, Philippines hoàn toàn tuân thủ nguyên tắc 8 với các tiêu chí cơ bản về hạn mức trong Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả.
- Thứ hai, Luật của Philippines cho phép PDIC được phép linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh hạn mức BHTG nhằm đáp ứng với những diễn biến nhanh, bất ngờ của khủng hoảng tài chính. Ngoài ra, trong khủng hoảng, song song với biện pháp nâng hạn mức BHTG, Chính phủ Philippines còn triển khai các giải pháp hỗ trợ như tăng thẩm quyền cũng như hỗ trợ tài chính cho tổ chức BHTG của mình. Nhờ thế, PDIC đạt được những hiệu quả lớn hơn trong việc thực hiện các mục tiêu của chính sách công như bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền, phòng tránh có hiệu quả những đổ vỡ dây chuyền hoặc khủng hoảng tài chính, khuyến khích tiết kiệm, tăng trưởng tín dụng, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Philippines là nước có một số nét tương đồng về kinh tế, xã hội với Việt Nam, nên kinh nghiệm về hạn mức của Philippines sẽ là bài học quý báu đối với Việt Nam trong việc xác định một hạn mức phù hợp trong giai đoạn tới.
PDIC là tổ chức tài chính của Chính phủ, được thành lập tháng 6/1963 và hoạt động độc lập theo Luật RA 3591. Đây là tổ chức BHTG được thành lập sớm nhất trong khu vực châu Á.
PDIC được tổ chức theo mô hình giảm thiểu rủi ro: thực hiện giám sát từ xa các ngân hàng, phát hiện những rủi ro, từ đó đưa ra những cảnh báo để tổ chức BHTG có những biện pháp xử lý khắc phục nhanh chóng và kịp thời.
Bên cạnh đó, PDIC phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Trung ương thực hiện kiểm tra tại chỗ, điều tra các khiếu nại liên quan đến hoạt động ngân hàng; giải quyết, tiếp nhận và thanh lý những tài sản của các ngân hàng đóng cửa.