Chỉ sau một năm, kinh tế nước này sụt giảm 13% năm 1998, 16 ngân hàng phải đóng cửa. Lúc này, Chính phủ quyết định chỉ bảo lãnh chi trả hạn mức tiền gửi 20 triệu rupiah (khoảng $2000 một người với mỗi ngân hàng so với GDP/người lúc đó là $1.052 USD năm 1997. Năm 1998, con số ngân hàng thua lỗ lên tới 158, trong đó các ngân hàng sở hữu nhà nước chiếm 60% số vốn thua lỗ 38,2 tỷ USD của cả hệ thống so với tổng số 57,4 tỷ USD tiền gửi tại tất cả các ngân hàng. Niềm tin của người gửi tiền vào các ngân hàng và niềm tin của cộng đồng quốc tế vào hệ thống ngân hàng Indonesia sụt giảm nghiêm trọng khi thua lỗ và nợ xấu ngân hàng không ngừng tăng trong những năm này và với khoản bảo lãnh quá thấp so với thu nhập đầu người từ Chính phủ Indonesia.
Bối cảnh ra đời của Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Indonesia
Nhằm ứng phó với khủng hoảng tài chính này, Chính phủ Indonesia đã quyết định bảo lãnh toàn bộ đối với các ngân hàng trong nước nhằm phục hồi niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng và giảm bớt tình trạng rút vốn khỏi các ngân hàng nội địa. Cách thức thực hiện là bảo lãnh toàn bộ cho các khoản nợ của ngân hàng, trừ các khoản nợ vốn, các khoản nợ thứ cấp, khoản nợ bất hợp pháp với các đối tác liên quan tới ngân hàng và các giao dịch tài sản phái sinh. Sau đó, Chính phủ đề nghị nghiên cứu thành lập Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Indonesia (IDIC).
Sau khi vượt qua khủng hoảng, Chính phủ Indonesia đồng ý cho ra đời cơ quan BHTG, được thành lập ngày 22/9/2004 sau khi Luật Bảo hiểm tiền gửi được thông qua và có hiệu lực hoạt động từ 22/9/2005. IDIC là một định chế độc lập, minh bạch, hoạt động theo Luật BHTG và chịu trách nhiệm trước Tổng thống Indonesia. IDIC có nhiệm vụ góp phần vào sự ổn định của hệ thống tài chính Indonesia thông qua việc bảo hiểm tiền gửi cho các tổ chức thành viên và hạn chế ảnh hưởng tới hệ thống tài chính và nền kinh tế nếu các tổ chức này đổ vỡ. IDIC hiện đang hướng tới mô hình giảm thiểu rủi ro và đang nghiên cứu để thu phí bảo hiểm dựa trên mức độ rủi ro của từng tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Về các đặc trưng của hệ thống bảo hiểm tiền gửi Indonesia
Vốn điều lệ của IDIC là 4000 tỷ rupiah (khoảng 400 triệu USD) do Chính phủ cấp. Nguồn vốn của IDIC được hình thành từ sự đóng góp của các thành viên khi các tổ chức này đăng ký làm thành viên bảo hiểm tiền gửi (chỉ 1 lần duy nhất), tiền phí bảo hiểm hàng năm. Nếu IDIC gặp vần đề về thanh khoản sẽ nhận sự hỗ trợ từ Chính phủ và nếu vốn điều lệ của IDIC giảm xuống dưới mức vốn ban đầu, Chính phủ sẽ cung cấp lại vốn cho đủ. IDIC chỉ được phép đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.
Đối tượng bảo hiểm: tất cả các ngân hàng hoạt động trên lãnh thổ Indonesia bao gồm: các ngân hàng nông nghiệp, ngân hàng quốc gia, ngân hàng liên doanh và các ngân hàng nước ngoài hoạt động theo thể thức ngân hàng thông thường và ngân hàng hồi giáo.
Phạm vi: bảo hiểm các tài khoản tiết kiệm, các khoản tiền gửi có thời hạn, các tài khoản vãng lai/séc, chứng nhận tiền gửi và các dạng tiền gửi khác có đặc trưng giống như trên.
Phí bảo hiểm: IDIC đang thực hiện thu phí bảo hiểm đồng hạng (flat rate) 0,2%/năm trên tổng số dư tiền gửi. Mức này được thu 2 lần trong năm, mỗi lần 0,1% trên tổng số dư tiền gửi.
Nhiệm vụ: xác định, giám sát và nếu cần, can thiệp để giải quyết các rủi ro xảy ra với các thành viên. IDIC cũng có nhiệm vụ lựa chọn phương pháp giải quyết các tổ chức đổ vỡ nhằm mang lại lợi ích cho người gửi tiền và giảm thiểu tối đa khả năng bị thua lỗ. Đối với các ngân hàng nhỏ không có nguy cơ ảnh hưởng tới hệ thống, IDIC có thể giải cứu ngân hàng đó hoặc tiến hành giải thể phá sản ngân hàng (trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền và tiến hành thanh lý ngân hàng); tuy nhiên đối với các ngân hàng có nguy cơ ảnh hưởng đến cả hệ thống, IDIC sẽ tiến hành bơm vốn để giải cứu ngân hàng và rút các khoản đầu tư ra khỏi ngân hàng trong khoảng thời gian 3-5 năm sau tái cơ cấu.
Về hạn mức trả tiền bảo hiểm của Indonesia
Từ khi thành lập tới nay, IDIC đã xem xét thực hiện thay đổi hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi linh hoạt phù hợp với từng giai đoạn hoạt động cụ thể của hệ thống tài chính và kinh tế đất nước.
Ngay sau khủng hoảng tài chính năm 1998, khi chưa có cơ quan bảo hiểm tiền gửi, nước này đã thực hiện bảo lãnh toàn bộ với tất cả các khoản tiền gửi cho đến khi IDIC được thành lập năm 2005 và kéo dài đến 21/3/2006.
Sau đó, IDIC chuyển sang bảo hiểm tiền gửi có hạn mức nhằm tránh rủi ro đạo đức từ phía các ngân hàng. Bảng sau tóm tắt hạn mức chi trả bảo hiểm của IDIC qua các giai đoạn:
Giai đoạn |
Thời gian |
Hạn mức trả tiền bảo hiểm |
GDP bình quân đầu người (USD) |
Hạn mức/GDP bình quân đầu người (USD) |
1 |
22/9/2005 -21/3/2006 |
Bảo lãnh toàn bộ |
1586 |
- |
2 |
22/3/2006 - 21/9/2006 |
500.000 USD (5 tỷ rupiah) |
1643 |
304.3 |
3 |
22/9/2006 - 21/7/2007 |
100.000 USD (1 tỷ rupiah) |
1923 |
52 |
4 |
22/3/2007 đến giữa cuộc khủng hoảng 2008 |
10.000 USD (100 triệu rupiah) |
2244 |
4.5 |
5 |
Giữa 2008 - nay |
200.000 USD (2 tỷ rupiah) |
3592 (năm 2012) |
55.7 |
Nguồn: tổng hợp từ http://www.indonesia-investments.com và Herman Saheruddin.
Khi mới thành lập năm 2005, thời điểm này, kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng đã vượt qua khó khăn sau tái cấu trúc và thừa hưởng bảo lãnh toàn bộ từ cuộc khủng hoảng 1997-1998. Tuy nhiên, sau khi thành lập một năm, IDIC đã chuyển sang chi trả bảo hiểm tiền gửi có giới hạn, giai đoạn này mức bồi thường khá lớn và đã được điều chỉnh giảm trong những năm tiếp theo khi hệ thống tài chính hoạt động ổn định hơn. Trước khủng hoảng 2008, hạn mức trả tiền bảo hiểm chỉ còn 10.000 USD với mức thu nhập bình quân đầu người lúc đó là 2244 USD/người/năm. Hạn mức này không quá lớn nhưng đã gấp 4,5 lần GDP, mức khiêm tốn nhất kể từ khi IDIC được thành lập tới khi chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính 2008. Và để tránh những biến động mang tính tâm lý về niềm tin vào sự ổn định của hệ thống tài chính và sức khỏe của ngành ngân hàng, IDIC đã tính toán và nâng hạn mức BHTG lên 200.000 USD cho mỗi tài khoản tại mỗi ngân hàng. Mức này gấp 55,7 lần thu nhập bình quân đầu người (xem bảng trên) tính theo GDP/người năm 2012.
Cùng với Indonesia, năm 2008, đã có rất nhiều quốc gia trên thế giới ở khắp các châu lục nâng hạn mức BHTG nhằm tránh khủng hoảng niềm tin và khả năng rút tiền hàng loạt ảnh hưởng tới hệ thống tài chính như tại Châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, ...), Châu Á (Malaysia, Hồng Kông, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn quốc,...), Châu Mỹ (Mỹ, Canada,...),... Biện pháp này đã phát huy hiệu quả tốt khi chặn đứng tâm lý dao động của người gửi tiền tại các ngân hàng và bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn khi những hạn mức mới khá cao bảo vệ được đa số người gửi tiền.
Một số nhận xét và kiến nghị
- Hệ thống BHTG ở Indonesia có vai trò quan trọng trong giữ vững ổn định tài chính và củng cố niềm tin của người tiêu dùng vào hệ thống ngân hàng tài chính, đặc biệt đối với các ngân hàng nội địa.
- Hạn mức trả tiền bảo hiểm tại quốc gia này được IDIC xem xét điều chỉnh linh hoạt theo từng giai đoạn cụ thể của nền kinh tế, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền và đảm bảo mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
- Hạn mức trả tiền bảo hiểm của Indonesia đủ lớn để tạo niềm tin cho công chúng đối với hệ thống tài chính ngân hàng.
Kiến nghị
- Đề nghị Việt Nam sớm nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm cho phù hợp với thu nhập và tốc độ phát triển kinh tế hiện nay nhằm góp phần củng cố niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng.
Từ năm 2005 đến nay, hạn mức trả tiền bảo hiểm vẫn giữ ở mức 50 triệu đồng được quy định tại Nghị định số 109/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2005, trong khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2012 là 1749 USD (tương đương 36,6 triệu đồng/người – tính theo tỷ giá 2012). Như vậy, hạn mức này chỉ bằng 1,37 lần thu nhập bình quân đầu người – mức quá thấp so với nước láng giềng Indonesia, các nước trong khu vực và thế giới.
Hiện nay, Luật BHTG số 06/2012/QH13 đã được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2013, để thực hiện tốt mục đích “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng”, các cơ quan chức năng cần xem xét lại hạn mức bảo hiểm tiền gửi hiện nay.
Khi xây dựng hạn mức trả tiền bảo hiểm, một trong những tiêu chí được xác định làm cơ sở tính phí là dựa trên mức thu nhập bình quân đầu người (GDP/người) và có tính dự báo để tạo tính ổn định của văn bản pháp quy. Việc nghiên cứu hạn mức phù hợp cần được tiến hành dựa trên tình hình thực tế của Việt Nam và kinh nghiệm xây dựng hạn mức chi trả tại các quốc gia khu vực và thế giới.
[1] Herman Saheruddin. October 2013. Deposit Insurance Coverage, Market Power, and Ownership Structure: Implications for Indonesian Banks’ Stability.
[2] http://baodientu.chinhphu.vn/Gop-y-Hien-ke/GDP-binh-quan-dau-nguoi-dang-tien-toi-moc-1900-USD/178582.vgp
[3] Trích Luật BHTG số 06/2012/QH13