Số liệu công bố ngày 15/5 của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy Eurozone tăng trưởng "rất đáng thất vọng" trong 1/2014.
Mức tăng trưởng trung bình của 18 quốc gia thành viên chỉ đạt 0,2%, thấp hơn so với mức dự báo 0,4%. Tăng trưởng của nhiều nền kinh tế lớn thuộc liên minh tiền tệ không được như kỳ vọng khi kinh tế Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai trong Eurozone, "giậm chân tại chỗ" và khó có thể đạt được mục tiêu 1% trong năm nay. Trong khi đó, các nước ghi nhận mức tăng trưởng âm lần lượt là Italy (Tổng sản phẩm quốc nội - GDP- giảm 0,1%), Bồ Đào Nha (-0,7%) và Hà Lan (-1,4%).
Trong bức tranh xám này, Đức là điểm sáng duy nhất với GDP đạt mức tăng 0,8%. Tăng trưởng của Berlin - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - được cải thiện nhờ chi tiêu của chính phủ, hộ gia đình và đầu tư tăng mạnh. Dự đoán nước này có thể đạt mức tăng 1,7% trong năm nay và 2% trong năm tiếp theo.
Số liệu thống kê của Eurostat cũng cho thấy Eurozone đang phải đối mặt với nguy cơ giảm phát khi tỷ lệ lạm phát hiện tại chỉ ở mức 0,7%, thấp hơn mục tiêu trung hạn dưới 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đặt ra và nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức thấp trong thời gian dài.
Điều này khiến cho các nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc giảm phát, làm suy giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng như chi tiêu tiêu dùng và gây khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ dịch vụ.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, nền kinh tế Eurozone vẫn phục hồi chậm và mong manh. Tốc độ tăng trưởng của Eurozone hiện chưa đủ mạnh để góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao kỷ lục và thúc đẩy kinh tế phát triển.
Kinh tế Eurozone tăng trưởng chậm cũng gia tăng áp lực đối với ECB trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ và đưa thêm các biện pháp kích thích kinh tế.
Kinh tế Eurozone được dự đoán có thể tăng trưởng 1,1% trong năm nay và 1,6% trong năm sau nếu chính phủ các nước nới lỏng biện pháp kinh tế "thắt lưng buộc bụng" và ECB giảm lãi suất hoặc đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế hiệu quả trong tháng Sáu tới.