Dù Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2015 xuống còn 3,5% (động thái hạ dự báo mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây), các khách mời tham dự một phiên thảo luận về chủ đề triển vọng kinh tế toàn cầu đã chỉ ra những yếu tố giúp kinh tế thế giới khởi sắc: gói kích thích của NHTW châu Âu ECB, giá dầu giảm, những thay đổi căn bản ở Brazil, Trung Quốc, Nhật Bản và cuối cùng là đà tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Mỹ.
Benoît Coeuré, thành viên Hội đồng điều hành ECB, cho rằng quyết định về gói nới lỏng định lượng của ECB đã đặt nền móng cho chính sách kích thích kinh tế mạnh mẽ ở Eurozone. Tuy nhiên, giờ đây thách thức nằm ở chỗ các chính phủ phải đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu. “Chúng tôi (ECB) đã thực hiện phần nhiệm vụ của mình, nhưng ECB không thể tăng sản lượng của nền kinh tế hay tạo ra việc làm. Điều này đòi hỏi những cải cách phức tạp và mạnh mẽ hơn. Chúng ta cũng không thể ngồi im và nhìn những ý tưởng cơ bản về đồng tiền chung bị xói mòn”.
Các khách mời còn lại hoan nghênh gói QE của ECB, nhưng cũng nhấn mạnh sự cần thiết của cải cách song hành với chính sách tiền tệ, bao gồm những cải cách trên thị trường lao động và cải cách về tài khóa để tăng lực cầu trong nền kinh tế.
“QE tạo điều kiện cho tái cấu trúc và đầu tư”, Phó giám đốc điều hành của Quỹ tiền tệ quốc tế Min Zhu nói.
Giá dầu giảm là một lực đẩy lớn cho tăng trưởng ở hầu hết các nền kinh tế và sẽ “bôi trơn” quá trình tái cấu trúc. Đây là trường hợp của Brazil, mặc dù hoạt động sản xuất dầu khí của nước này đang ngày càng lớn mạnh. Bộ trưởng Tài chính Brazil Joaquim Levy cho biết Brazil đang chuyển từ chính sách tăng thu nhập của các công dân nghèo nhất (vốn là trọng tâm của chính sách kinh tế trong thập kỷ vừa qua) sang tăng đầu tư ở cả khu vực công và tư nhân. “Mục tiêu của chúng tôi là biến Brazil thành một thị trường năng động hơn, dễ kinh doanh hơn”.
Nhật Bản cũng đang triển khai chương trình trong đó bao gồm nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ, sắp xếp lại chính sách tài khóa và tái cấu trúc nhằm đặt nền móng cho tốc độ tăng trưởng 2% trong năm 2015. Thống đốc NHTW Nhật Bản Haruhiko Kuroda khá tự tin về triển vọng tăng trưởng của không chỉ Nhật Bản mà cả Trung Quốc. “Mặc dù đang thực hiện cải cách, Trung Quốc vẫn tăng trưởng tới 7,5%”.
Kinh tế Mỹ đang vận hành tốt và là động lực của nhu cầu trên toàn cầu. Tuy nhiên, Zhu cảnh báo rằng phần lớn tăng trưởng của Mỹ đến từ chi ngân sách và người tiêu dùng, trong khi đầu tư tư nhân vẫn khá chậm chạp.
Thống đốc NHTW Anh Mark J. Carney cho rằng công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng nhưng khó đoán định đối với kinh tế toàn cầu nói chung và đối với khu vực tài chính nói riêng (thông qua hệ thống giao dịch và thanh toán).