Ngân hàng giảm lãi suất cho vay cũng là “cứu mình”
Từ giữa tháng 7 đến nay, hưởng ứng lời kêu gọi từ Hiệp hội Ngân hàng, các NHTM đã công bố giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp đang lao đao vì đại dịch. Tuy nhiên, bên cạnh việc giảm lãi suất, các chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp đồng bộ hơn để giúp doanh nghiệp tồn tại qua đại dịch.
Ngân hàng Vietcombank công bố giảm thêm lãi suất tiền vay với tất cả khách hàng trong thời gian từ 15/7/2021 đến hết 31/12/2021. Cụ thể, khách hàng doanh nghiệp sẽ được giảm lãi suất 1%/năm cho các đối tượng thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, các khách hàng còn lại được giảm tùy mức độ ảnh hưởng, lớn nhất là giảm 1%. Với khách hàng cá nhân, Vietcombank giảm lãi suất tới 1%/năm khi vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và giảm lãi suất tới 0,5%/năm khi vay vốn phục vụ đời sống. Vietcombank không giảm lãi suất với các khoản dư nợ đang được hưởng ưu đãi lãi suất và một số khoản vay khác như vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản...
Đây là đợt giảm lãi lớn nhất của Vietcombank trong năm 2021 nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với quy mô khoảng 1.800 tỷ đồng. Đồng thời, Vietcombank tiếp tục triển khai nhiều chương trình lãi suất thấp đối với các khoản vay mới nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn từ nay đến cuối năm. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng trong 6 tháng cuối năm 2021 dự kiến lên tới 4.000 tỷ đồng và cả năm 2021 là 6.100 tỷ đồng.
Từ năm 2020 đến nay, Vietcombank đã liên tục triển khai 7 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và thiên tai.
TPBank tuyên bố giảm thêm 1% lãi suất cho khách hàng cá nhân gặp khó khăn bởi Covid-19. Riêng khách hàng doanh nghiệp đang chịu tác động mạnh bởi dịch bệnh có thể hưởng mức hỗ trợ là được giảm tới 1,2%. Đây là một trong những gói hỗ trợ lãi suất sớm nhất của một ngân hàng tư nhân được đưa ra thị trường trong đợt dịch thứ 4 này. Tổng số dư nợ hỗ trợ khách hàng lần này được TPBank ước tính gần 45.000 tỷ đồng. Cụ thể, nhà băng này sẽ giảm từ 0,5% - 1,2% lãi suất cho các khách hàng doanh nghiệp hoạt gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19. Tổng dư nợ được nhận hỗ trợ lãi suất của nhóm khách hàng này ước tính vào khoảng 18.188 tỷ đồng. Gần 26.300 tỷ đồng dư nợ của các khách hàng cá nhân cũng được xét giảm lãi suất 1%.
Trước đó, Agribank cũng cho biết sẽ giảm thêm lãi suất hỗ trợ khách hàng vay vốn sớm ổn định hoạt động kinh doanh, vượt qua khó khăn. Cụ thể, đối với khoản vay tại thời điểm 15/7/2021, Agribank giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên (Không áp dụng đối với các khoản cho vay đã được ưu đãi lãi suất, miễn giảm lãi). Ước tính, với việc tiếp tục giảm lãi suất lần này, Agribank dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.
Bên cạnh đó, Agribank cũng đã tích cực tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong việc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ như: Cơ cấu lại nợ gốc và lãi; Miễn phí chuyển tiền trong nước và ủng hộ hơn 130 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch Covid-19;…Chương trình giảm lãi suất cho vay kéo dài đến hết ngày 31/12/2021 và được áp dụng rộng rãi tại 2.300 điểm giao dịch của Agribank trên toàn quốc.
Ngân hàng ACB cũng tuyên bố sẽ giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn. ACB sẽ xem xét điều chỉnh lãi suất cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp có hợp đồng vay và tại thời điểm đến hạn thay đổi lãi suất trong khoảng thời gian 15/7 đến 15/10/2021. Cùng với chính sách xem xét giảm lãi suất cho vay, ACB còn đồng thời triển khai thêm gói vay ưu đãi 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất tối thiểu 6%/năm cho khách hàng doanh nghiệp và 7%/năm cho khách hàng cá nhân từ nay đến 31/10/2021.
Trước đó, Sacombank, Viet Capital Bank, MB... cũng tuyên bố giảm lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19.
Như vậy, sau "hiệu triệu" của Ngân hàng Nhà nước và vận động của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các ngân hàng thương mại đã lần lượt giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Đây là sự hỗ trợ thiết thực với người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid -19 đang tác động nghiêm trọng tới doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp và thu nhập người dân.
Theo các chuyên gia, khi các NHTM trao cho doanh nghiệp cơ hội tiếp cận vốn rẻ hơn để phục hồi sản xuất kinh doanh, cũng là tự “cứu mình”, bởi khi doanh nghiệp phá sản thì ngân hàng cũng nặng đòn nợ xấu. Với quy mô tín dụng toàn nền kinh tế hiện trên 10 triệu tỷ đồng, nếu ngân hàng giảm 0,5% lãi suất cho vay thì doanh nghiệp sẽ có thêm hàng chục ngàn tỷ đồng để hồi sức.
Bên cạnh việc vận động các NHTM giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng khuyến cáo, các TCTD phải cân nhắc mức giảm dựa trên cơ sở năng lực tài chính của mình, nhất là khi rủi ro tiềm ẩn nợ xấu còn rất lớn. Nếu sức khỏe hệ thống ngân hàng lâm nguy thì cả nền kinh tế sẽ phải trả giá.
Thực tế, các ngân hàng vẫn đang phải chịu nhiều áp lực để tăng vốn điều lệ đáp ứng chuẩn Basel II, tiến tới là Basel III. Bên cạnh đó, ngân hàng còn phải đầu tư cho công nghệ, gia tăng các sản phẩm, dịch vụ tiện ích trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0. Chưa kể, chi phí dự phòng rủi ro có thể tăng mạnh trở lại vào cuối năm và những năm tới khi Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 hết hiệu lực.
Để ngân hàng có động lực giảm thêm lãi suất cho vay, có lẽ, Chính phủ và NHNN cần tạo thêm dư địa giúp hệ thống này giảm thêm lãi suất. Theo đó, có thể ban hành cơ chế “thưởng room” tăng tín dụng cho những ngân hàng chịu giảm mạnh lãi suất cho vay, còn dư địa tăng trưởng; tạo cơ chế khoanh nợ với các khoản vay chịu ảnh hưởng nặng do đại dịch Covid-19 (tương tự cơ chế khoanh nợ với thiên tai, dịch bệnh trong lĩnh vực nông nghiệp…).
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, nếu lãi suất đầu vào giảm sâu khiến dòng tiền “chảy” ra khỏi hệ thống ngân hàng. Vì vậy, ngoài giảm lãi suất, các cơ quan chức năng cần có giải pháp đồng bộ như miễn một số loại thuế, phí, tiền thuê đất, bên cạnh hỗ trợ tiêm vắc-xin cho người lao động.
Lãi suất tiền gửi ổn định, tiền gửi doanh nghiệp chảy mạnh vào ngân hàng
Trong khi lãi suất cho vay đang được các NHTM điều chỉnh giảm, mặt bằng lãi suất tiết kiệm trong tháng 7 cũng chưa có biến động. Một số ngân hàng tiến hành điều chỉnh lãi suất huy động nhưng chỉ ở mức tăng, giảm nhẹ. Việc điều chỉnh lãi suất tiết kiệm tăng, giảm đan xen ở các ngân hàng là diễn biến bình thường, tùy vào nhu cầu huy động vốn của mỗi ngân hàng ở từng giai đoạn. Mặt bằng lãi suất tiền gửi bằng VND phát sinh mới trong kỳ báo cáo ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,1-3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,0-5,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,6-6,7%/năm. Cụ thể:
Lãi suất kỳ hạn 3 tháng: Đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng, theo quy định của NHNN lãi suất tiết kiện tối đa là 4%/năm. Tuy nhiên, tháng 7/2021 đa số các ngân hàng đều niêm yết lãi suất huy động thấp hơn mức này đối với kỳ hạn 3 tháng. Chi có VietBank, GPBank là niêm yết lãi suất kỳ hạn 3 tháng ở mức tối đa 4%/năm. Còn lại các ngân hàng khác theo khảo sát đều thấp hơn con số quy định.
Lãi suất kỳ hạn 6 tháng: Kỳ hạn gửi tiết kiệm 6 tháng tại các ngân hàng thương mại theo khảo sát cũng có sự chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng. Ở kỳ hạn này, lãi suất cao nhất thuộc về ngân hàng CBBank với mức lãi suất 6,25%/năm. Tiếp đến là các ngân hàng gồm: NCB (6,05%/năm), VietAbank và NamAbank (6%/năm).Còn các ngân hàng thuộc nhóm "Big4" lại có lãi suất thấp nhất ở kỳ hạn 6 tháng: Vietinbank, Agribank, BIDV (4%/năm), Vietcombank (3,8%/năm)
Lãi suất kỳ hạn 9 tháng: Tháng 7/2021, theo khảo sát lãi suất huy động tại quầy kỳ hạn 9 tháng có sự dao động từ 3,8%/năm đến 6,35%/năm. Trong đó, ngân hàng có lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 9 tháng cao nhất là CBBank với 6,35%/năm, tiếp đến là hai ngân hàng SCB và NCB với mức lãi suất 6,2%/năm.
Lãi suất kỳ hạn 12 tháng: Tháng 7/2021 lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng ghi nhận mức cao nhất là 6,8%/năm (áp dụng cho cả gửi tại quầy và gửi online). Mức lãi suất này thuộc về ngân hàng SCB. Tiếp đến là các ngân hàng có mức lãi suất 6,55%/năm và 6,5%/năm như CBBank, Kienlongbank...
Lãi suất kỳ hạn 24 tháng: Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng tháng 7/2021 ghi nhận mức cao nhất là 6,9%/năm áp dụng cho hình thức gửi tại quầy.Những ngân hàng có lãi suất huy động kỳ hạn này cao nhất chủ yếu là các ngân hàng nhỏ như: Kienlongbank, CBBank, VietAbank... Còn các ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank lại có lãi suất thấp. So sánh giữa hai nhóm ngân hàng này mức lãi suất có sự chênh lệch từ 1 - 2,5%/năm.
Lãi suất huy động nhóm "Big 4": Tháng 7/2021, theo khảo sát lãi suất huy động tiền gửi nhóm "Big 4" ngân hàng nhà nước gồm: BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank không có nhiều thay đổi so với đầu tháng 4/2021. Mức lãi suất duy trì trong phạm vi từ 2,9%/năm - 5,6%/năm, nhận lãi vào cuối kỳ. Trong đó:Ngân hàng Vietcombank: Dao động từ 3,1%/năm - 5,5%/năm cho thời gian huy động từ 1 tháng đến 36 tháng. Trong đó, lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất hiện là 5,5%/năm cho tiền gửi tại kỳ hạn 12 tháng. Ngân hàng Agribank: Dao động từ 3,1%/năm - 5,6%/năm cho kỳ hạn huy động vốn từ 1 tháng đến 24 tháng. Trong đó mức lãi suất cao nhất là 5,6%/năm dành cho khách hàng gửi tiết kiệm tại kỳ hạn từ 12 tháng đến 24 tháng.Ngân hàng BIDV: Dao động từ 3,1%/năm - 5,6%/năm, niêm yết cho kỳ hạn huy động từ 1 tháng đến 36 tháng. Trong đó lãi suất cao nhất hiện là 5,6%/năm áp dụng tại kỳ hạn 12 tháng đến 36 tháng.Ngân hàng Vietinbank: Dao động từ 3,1%/năm - 5,6%/năm cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng và trên 36 tháng. Lãi suất cao nhất đang được Vietinbank triển khai là 5,6%/năm tại kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Mới đây, NHNN cập nhật dữ liệu về tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng (TCTD) trong 5 tháng đầu năm 2021.Cụ thể, đến hết tháng 5, tổng phương tiện thanh toán đạt hơn 12,5 triệu tỷ đồng, tăng 3,7% so với đầu năm.Tiền gửi của khách hàng tại các TCTD đạt hơn 10,27 triệu tỷ đồng, tăng 2,9% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi của dân cư tăng 2,6% lên hơn 5,27 triệu tỷ; tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng mạnh hơn với 3,3% và vượt mốc 5 triệu tỷ đồng.
Trước đây, trong giai đoạn 2015 trở về trước, tốc độ tăng trưởng tiền gửi của khu vực dân cư luôn cao hơn các doanh nghiệp. Tuy nhiên, kể từ năm 2016 đến nay, tăng trưởng tiền gửi của nhóm khách hàng doanh nghiệp hàng năm đã vượt nhóm dân cư. Năm 2012, tiền gửi của dân cư chiếm tới 57% trong tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên đến nay, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 51%.
Năm 2020, tiền gửi của doanh nghiệp bất ngờ tăng mạnh và mức tăng trưởng dần bỏ xa khu vực dân cư. So với đầu năm năm 2020, tiền gửi của dân cư tại các TCTD đến cuối tháng 5/2021 chỉ tăng 9,2%, trong khi tiền gửi của doanh nghiệp đã tăng tới 27,1%.
Việc tiền gửi của doanh nghiệp tăng mạnh trong hơn 1 năm trở lại đây không nằm ngoài tác động của đại dịch Covid-19. Trước sự bùng phát của dịch bệnh, các biện pháp giãn cách, hạn chế tiếp xúc đã khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất, lo ngại thiếu đầu ra. Theo đó, doanh nghiệp có tâm lý tích lũy tiền mặt để chống đỡ trước các rủi ro, chờ đại dịch đi qua.
Các chuyên gia cho biết, mặc dù tiền gửi vào ngân hàng có dấu hiệu tăng chậm lại nhưng thanh khoản hệ thống nhìn chung chưa rơi vào tình trạng eo hẹp bởi tín dụng có thể tăng chậm lại do tác động của đợt bùng phát Covid lần thứ 4, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp có thể yếu đi trong thời gian này. Các chuyên gia cũng lưu ý, lãi suất huy động có thể tăng vào cuối năm khi đó là thời điểm ngân hàng đẩy mạnh giải ngân. Tuy nhiên, lãi suất huy động sẽ không tăng mạnh do NHNN duy trì định hướng mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp.