Theo Phó Thống đốc, thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, từ đầu năm đến nay, NHNN đã điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5%-2,0%/năm, qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh. Tính đến hết tháng 6/2023, lãi suất huy động bình quân giảm từ 0,7%-0,8%; lãi suất cho vay bình quân đã giảm từ 1%-1,2%.
Lãi suất đã giảm, cần đồng bộ giải pháp để kích cầu tín dụng
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tổ chức vào chiều tối 4/7/2023, trả lời về nguyên nhân vì sao lãi suất giảm nhưng tín dụng tăng chậm, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú lý giải là do khó khăn từ nền kinh tế và “sức khỏe” của doanh nghiệp.
Phó Thống đốc thông tin, các ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn Nhà nước bao giờ cũng đi đầu thực hiện các chính sách của NHNN. Nhiều ngân hàng có gói giảm lãi suất rất sâu, dành cho những đối tượng, lĩnh vực cần có sự ưu đãi của Chính phủ và Nhà nước. Nhìn chung, các NHTM đã đưa ra rất nhiều gói tín dụng, chủ động hạ lãi suất. Xu hướng chung tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian tiếp theo.
Đối với lãi suất điều hành của NHNN, hiện nay, cho vay qua nghiệp vụ thị trường mở chỉ có 4%, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN đối với TCTD chỉ 5%/năm. Các NHTM đang thừa thanh khoản nên không mặn mà với khoản cho vay của NHNN. Lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng, kỳ hạn qua đêm cũng chỉ từ 0,4%-1%/năm, có thể nói là rất thấp; một tuần từ 0,8%-1,5%/năm, một tháng từ 3%-3,2%/năm…Có nghĩa là mức cho vay giữa các ngân hàng với nhau trên thị trường liên ngân hàng rất thấp. “Nhìn chung, lãi suất đang giảm tích cực, kể cả lãi suất điều hành và lãi suất cho vay” – Phó Thống đốc nhận định.
Về dư nợ tín dụng, ngay từ đầu năm NHNN xác định tăng trưởng tín dụng từ 14%-15% để phù hợp với chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ đã giao, góp phần tăng trưởng kinh tế 6,5% và kiểm soát lạm phát trong khoảng 4,5%.
Phó Thống đốc cho hay, đến nay, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 4,2%, tăng trưởng huy động vốn khoảng 4,16%. Số tiền gửi huy động là trên 12,6 triệu tỷ đồng. Có nghĩa là huy động và cho vay ở thời điểm hiện nay tương đương, kể cả tốc độ, doanh số, số dư. Đến thời điểm hiện nay, trong giao tín dụng, NHNN đã giao được khoảng 11% từ đầu năm, như vậy dư địa còn rất nhiều để các ngân hàng có thể cho vay.
Thanh khoản của các NHTM đang thừa. Thông thường, tại các nước, khi lãi suất tăng cao thì tín dụng có thể tăng trưởng âm, lãi suất của Việt Nam đã hạ, theo thông thường thì tín dụng tăng.
“Vậy vì sao có câu chuyện tín dụng tăng chậm hơn khi lãi suất giảm nhanh?” – Phó Thống đốc nêu vấn đề và đưa ra một số đánh giá dưới góc độ quản lý, điều hành cũng như thực tế của nền kinh tế:
Thứ nhất, tình hình nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng thấp, như vậy cầu tín dụng cũng không thể tăng cao được.
Thứ hai, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khó khăn, tồn kho nhiều, nhiều doanh nghiệp khó có đơn hàng, lĩnh vực xuất khẩu cũng có những khó khăn nhất định. Thị trường bất động sản chưa sôi động lại, nhiều dự án chưa triển khai được, kể cả những dự án bất động sản thương mại và bất động sản nhà ở xã hội chưa được triển khai nhiều mặc dù NHNN tạo điều kiện về tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, sẵn sàng đẩy mạnh những lĩnh vực tỉ lệ rủi ro thấp.
Thứ ba, những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang khó tiếp cận tín dụng. Trước đây doanh nghiệp khó về năng lực tài chính để đảm bảo vay phải có khả năng trả nợ, đến nay càng khó hơn. Vấn đề này, Chính phủ, các bộ, ngành, các hiệp hội, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành ngân hàng đang quyết liệt tháo gỡ. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được có thể trả nợ được không, nguyên tắc tối thiểu ngân hàng cho vay phải thu được nợ. Ngược lại, có doanh nghiệp, ngân hàng mời chào vay nhưng lại chưa có nhu cầu vay.
Đây là những nguyên nhân trực tiếp tạo ra những "khác thường" so với những năm trước khi lãi suất giảm mà tín dụng chưa tăng được nhanh.
“Tuy nhiên, cùng với đồng loạt các chính sách khác mà Chính phủ đang triển khai, trong thời gian tới, một trong những yêu cầu ngành ngân hàng đặt ra là tiếp tục tập trung tăng cường quản lý tốt hơn nữa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên cơ sở các NHTM phải tính toán bảo đảm được an toàn tối thiểu cho mình và cắt giảm những chi phí, để có điều kiện hạ lãi suất, cũng như cắt giảm các loại phí” – Phó Thống đốc chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng tăng cường cải cách thủ tục hành chính. Vừa qua, NHNN đã sửa đổi Thông 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng, trong đó tháo gỡ rất nhiều nội dung, đặc biệt là bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ số tạo điều kiện cho cả ngân hàng và doanh nghiệp trong triển khai tiếp cận tín dụng nhanh hơn, thuận lợi hơn.
Đồng thời, tiếp tục xem xét các đối tượng, lĩnh vực để cùng với các bộ, ngành có những chính sách đồng bộ. Chính sách giãn, hoãn, cơ cấu lại các khoản nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN sẽ tiếp tục được tăng cường, các hiệp hội quan tâm triển khai tốt. Đây là những chính sách trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 diễn ra cùng ngày, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tăng tiếp cận tín dụng đang là vấn đề được quan tâm. Nên theo Thống đốc, về phía điều hành, NHNN đã và sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt, chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp.
Nhưng Thống đốc kiến nghị các giải pháp từ phía các cơ quan, bộ ngành khác cần được quan tâm, chẳng hạn như giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp thông qua xúc tiến thương mại, khai thác thị trường trong nước, cải thiện điều kiện tiếp cận tín dụng thông qua bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy đầu tư công để có sự lan tỏa đến hoạt động sản xuất, kinh doanh khác. Với thị trường bất động sản, cần giải quyết vấn đề pháp lý cũng như các doanh nghiệp bất động sản cần điều chỉnh giá của bất động sản.
Chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, mở rộng hơn được thể hiện chủ yếu thông qua: tăng cung tiền (M2), tăng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay.
Theo Thủ tướng, về thực chất, chủ trương này đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhất quán, có lộ trình, xuyên suốt từ tháng 10/2022 đến nay; NHNN đã làm nhưng cần làm mạnh hơn nữa.
Thủ tướng Chính phủ đưa ra chủ trương chuyển chính sách tiền tệ từ "chặt chẽ" trước tháng 10/2022 sang "chắc chắn" từ tháng 10/2022 và tiếp tục chuyển sang "linh hoạt, nới lỏng hơn" trong điều kiện hiện nay là cần thiết. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết tháo gỡ khó khăn về thanh khoản, tín dụng, thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh và phù hợp với thực tiễn.
Cùng với NHNN và ngành ngân hàng, Thủ tướng kêu gọi và đề nghị cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tăng cường tiết kiệm chi phí, đổi mới quản trị doanh nghiệp, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển sản phẩm có chất lượng theo hướng sản xuất xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện môi trường, đáp ứng yêu cầu mở rộng thị trường trong nước, quốc tế.