Lãi suất cho vay ngày càng “mềm”
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong 2 tháng đầu năm, lãi suất huy động VND bình quân kỳ hạn trên 12 tháng ở mức khoảng 6,55%/năm, tăng 0,03 điểm % so với cuối năm ngoái. Xu hướng tăng nhẹ lãi suất dài hạn vào những tháng đầu năm cũng không có gì đặc biệt vì đầu năm các NH phải chuẩn bị nguồn vốn cho kế hoạch kinh doanh cả năm. Và cũng không loại trừ khả năng một số NH điều chỉnh lãi suất kỳ hạn dài để cơ cấu lại nguồn vốn dài hạn. Vấn đề quan trọng ở đây, mặc dù lãi suất huy động nhúc nhích nhẹ, nhưng lãi suất cho vay vẫn đang được các NH giữ ở mức khá “mềm”.
Anh Nguyễn Văn Ngọc – Giám đốc một DN chuyên phân phối mặt hàng Thép ở Hà Đông cho biết, vừa được vay vốn của một NHTMCP quốc doanh 2,5 tỷ đồng với lãi suất 6%/năm. Điều ngạc nhiên nhất đối với CEO DN này đó là mức lãi suất đang ở mức khá thấp. Cách đây vài năm lãi suất mà DN này vay ít nhất phải trên 10%/năm dù đã có tài sản thế chấp. “Tất nhiên là DN được hưởng mức lãi suất mềm như vậy cũng được NH kén chọn rất kỹ càng về năng lực tài chính, dòng tiền của DN. Nhưng đối với DNNVV như chúng tôi chưa bao giờ nghĩ có ngày được vay vốn với lãi suất thấp như vậy”, anh Ngọc bày tỏ.
Theo thông tin về hoạt động của các TCTD trong tuần 26/2 - 2/3/2018, mặt bằng lãi suất cho vay VND các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 6 - 6,5%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn và 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn giảm xuống chỉ còn từ 4 - 5%/năm.
Có được mặt bằng lãi suất như vậy theo chia sẻ của CEO một NH lớn, là do nhiều yếu tố hỗ trợ như tốc độ xử lý nợ xấu được đẩy nhanh, thanh khoản các NH dồi dào, lợi nhuận của nhiều NH khả quan… Và nếu điều kiện cho phép thì NH này sẽ tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận là dư địa giảm lãi suất cho vay không còn nhiều, nhất là khối NHTM lớn đã tiên phong thực hiện giảm lãi suất từ đầu năm nay. Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) TS Nguyễn Quốc Hùng đánh giá là vẫn có thể thực hiện được nhưng tỷ lệ giảm không nhiều vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố nhất là tốc độ lạm phát...
Nhưng đang gặp lực cản
Thực tế diễn biến thị trường cũng đang cho thấy việc giảm lãi suất cho vay gặp lực cản từ lạm phát. TS Cấn Văn Lực đưa ra cảnh báo, lạm phát đang diễn biến khá phức tạp. CPI tháng 2/2018 tăng 0,73 so với tháng trước và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2017. Mặc dù, lạm phát đang trong tầm kiểm soát nhưng chúng ta cần phải cảnh giác, nhất là trong năm nay nhiều loại dịch vụ đang trong lộ trình tăng giá. Khi lạm phát kỳ vọng tăng rất khó để giảm lãi suất đầu vào và như vậy việc giảm lãi suất đầu ra cũng sẽ trở nên khó khăn hơn.
Điểm khó nữa, trong bối cảnh FED dự kiến tăng lãi suất khoảng từ 3-4 lần sẽ gia tăng áp lực tăng lãi suất trên thế giới đặc biệt đối với đồng USD. Điều này, chắc chắn tác động tới lãi suất tiền đồng VND. “Lạm phát xu hướng tăng nhanh, giá xăng dầu, phí bảo vệ môi trường… tăng lên như vậy thì làm sao lạm phát đứng yên được. Mà lạm phát tăng thì lãi suất sẽ đứng ngồi không yên”, TS. Bùi Quang Tín phân tích thêm những yếu tố tạo áp lực lên lãi suất.
TS. Tín cho rằng, không nên đặt kỳ vọng để rồi tạo sức ép lên lãi suất. Bởi hơn bất kỳ chủ thể nào, các NH là người mong mỏi giảm lãi suất cho vay trước. Để giành giật khách hàng, tự bản thân các NH phải giảm giá bán hàng hóa dịch vụ. TS. Tín đưa ra quan điểm: Lãi suất là giá vốn của đồng tiền. Giá đó phụ thuộc vào nhiều biến số chi phí. Chẳng hạn như chi phí vốn đầu vào, chi phí hoạt động như trả lương nhân công, thuê mặt bằng… những chi phí này NH có thể kiểm soát được. Nhưng có một biến số nữa mà NH đau đầu nhất đó là rủi ro hoạt động kinh doanh của DN.
Vậy nên, lãi suất sẽ được NH quyết định trên cơ sở cân đối năng lực tài chính, cân đối mối quan hệ giữa khách hàng với NH. Xét ở góc độ này, khó có thể cào bằng được tất cả DN được vay một mặt bằng lãi suất. Ông Tín cho rằng, lãi suất năm 2018 có thể sẽ giữ như năm 2017 đã là một thành công của hệ thống NH.
Một lý do nữa, mà một số chuyên gia đặt vấn đề trong việc không nên tạo sức ép giảm lãi suất đó là chất lượng các DN hiện nay rất không đồng đều. Nếu chỉ kêu gọi các NH giảm lãi suất mà không yêu cầu DN phải nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, hoạt động hiệu quả thì việc giảm lãi suất không có nhiều ý nghĩa.
“Không phải giảm lãi suất là DN có lãi. Nếu DN không chịu cải tiến công nghệ và đưa ra sản phẩm tốt không đáp ứng được yêu cầu thị trường, kinh doanh kém hiệu quả, DN không trả được nợ, không nộp được thuế cho ngân sách thì việc giảm lãi suất cũng không mấy ý nghĩa. Còn NH bị ảnh hưởng không kém khi phải lấy lợi nhuận để tăng trích lập dự phòng rủi ro xử lý nợ xấu. Lợi nhuận NH giảm đi, NH không thể nộp thuế nhiều được chắc chắn ngân sách cũng bị ảnh hưởng. Chính vì thế cần phải có cái nhìn công bằng đối với cả NH và DN.
Do đó, vấn đề ở đây còn là thực lực DN. Nếu DN chứng minh được rằng, kế hoạch phát triển thị trường tốt, có công nghệ tạo sản phẩm đáp ứng thị hiếu trong nước và xuất khẩu, giá thành sản phẩm bảo đảm bù đắp chi phí, và có lãi thì NH sẵn sàng giảm lãi suất ngay không cần kêu gọi. Còn không, một bên NH giảm chi phí một bên DN tăng chi phí hoạt động thì có giảm nữa cũng chưa chắc hiệu quả.
Thay vì tạo áp lực phải giảm lãi suất, theo một số chuyên gia nên yêu cầu các NH nhanh chóng đáp ứng các quy định khắt khe tại Thông tư 41 để đảm bảo chuẩn mực an toàn vốn đáp ứng theo Basel II. Khi thực hiện nghiêm túc các quy định này, các khoản vay của NH sẽ an toàn, hiệu quả hơn rất nhiều khi loại bỏ nhiều DN rủi ro. Nợ xấu thấp, kinh doanh lãi tốt hơn, bền vững hơn, lúc đó lãi suất cho vay của các NH có thể hạ đến mức không tin được.