Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, từ đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế; chỉ đạo các TCTD triển khai các biện pháp để ổn định mặt bằng lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để phấn đấu hạ lãi suất cho vay.
Ngày 25/2/2025, NHNN đã tổ chức cuộc họp với hệ thống TCTD để quán triệt và có Công văn số 1328/NHNN-CSTT6 chỉ đạo hệ thống TCTD ổn định lãi suất tiền gửi, giảm lãi suất cho vay. Theo đó, NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi; tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cơ cấu, tổ chức lại bộ máy hoạt động hiệu quả hơn nữa, tăng cường trách nhiệm xã hội, sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; thường xuyên báo cáo NHNN việc công bố và thực hiện lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay.
Lãi suất giảm nhưng tiền gửi dân cư vẫn ở mức kỷ lục
Theo NHNN, đến ngày 20/4/2025, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 4,05%/năm, giảm 0,06% so với cuối năm 2024 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,31%/năm, giảm khoảng 0,62%/năm so với cuối năm 2024.
Qua theo dõi diễn biến lãi suất tại các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP), hai tuần đầu tiên của tháng 5, chỉ có Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) giảm lãi suất huy động. Thống kê về lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 6 tháng của các ngân hàng hiện nay, mức 5,65%/năm là lãi suất tiền gửi cao nhất thị trường, do GPBank và Vikki Bank niêm yết. Đáng chú ý, đây cũng là hai ngân hàng dẫn đầu thị trường về lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn từ 6-36 tháng.
Cụ thể, lãi suất ngân hàng kỳ hạn 9 tháng tại Vikki Bank là 5,95%/năm, tại GPBank là 5,75%/năm.
Lãi suất ngân hàng kỳ hạn 12-36 tháng tại Vikki Bank là 6%/năm, trong khi tại GPBank là 5,95%/năm.
Ngoài ra, có 16 nhà băng đang niêm yết lãi suất tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn 6 tháng từ 5%/năm trở lên, lần lượt gồm: MBV (5,5%/năm); BaoViet Bank (5,45%/năm), ABBank, VCBNeo, VietBank (5,4%/năm); Bac A Bank, NCB (5,35%/năm); HDBank (5,3%/năm); BVBank (5,15%/năm); Eximbank, KienlongBank, LPBank, Viet A Bank (5,1%/năm); MSB, OCB, PGBank (5%/năm).
Các ngân hàng còn lại đều niêm yết lãi suất dưới 5%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 6 tháng. Trong đó, Vietcombank và SCB vẫn là hai ngân hàng niêm yết lãi suất huy động thấp nhất, chỉ 2,9%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 6 tháng.
Ở kỳ hạn 12 tháng, Vietbank hiện có mức lãi suất khá ưu đãi là 5,8%/năm, tiếp theo sau là các ngân hàng Saigonbank và Bắc Á (5,6%/năm), VRB, HDBank, ABBank và NCB (5,5%/năm), PGBank (5,4%/năm), VietABank, MSB, Kiên Long và Nam Á Bank (5,3%/năm)...
Ở kỳ hạn 6 tháng, Vietbank vẫn là ngân hàng có lãi suất cao nhất là 5,4%/năm. Tiếp sau là NCB (5,25%/năm), HDBank và ABBank (5,2%/năm), VRB và BVBank (5,1%/năm), Bắc Á (5,15%/năm)...
Ở kỳ hạn 3 tháng, các ngân hàng có mức lãi suất tốt nhất là Vietbank (4,4%/năm), NCB (4,1%/năm), BVBank, Bảo Việt và Bắc Á (4%/năm)...
Ở nhóm NHTM có vốn nhà nước, biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy đầu tháng 5/2025 vẫn chưa có sự biến động so với cùng kỳ tháng 4/2025.
Thị trường cũng ghi nhận mức lãi suất cao dành cho các điều kiện đặc biệt với số tiền gửi lớn. Đơn cử như ABBank áp dụng lãi suất 9,65%/năm cho khoản tiền gửi tiết kiệm từ 1.500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng; PVcomBank áp dụng lãi suất 9%/năm cho khách hàng có khoản tiền gửi tiết kiệm từ 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 12-13 tháng; HDBank áp dụng lãi suất 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, với số dư tiền gửi tiết kiệm tối thiểu 500 tỷ đồng...
Theo thống kê của NHNN, đến tháng 1/2025, tiền gửi dân cư đạt mức kỷ lục trên 7 triệu tỷ đồng, tăng 1,74% so với cuối năm 2024.
Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác chưa có nhiều khởi sắc, người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng bởi đây là lựa chọn an toàn.
Thị trường chứng khoán bấp bênh sau khi Mỹ công bố chính sách thuế quan và còn diễn biến khó lường sau thời gian Mỹ hoãn áp thuế 90 ngày với Việt Nam.
Trong khi đó, giá vàng trong nước tăng theo đà của giá vàng thế giới, tuy nhiên mức giá cao kỷ lục (có thời điểm tới 124 triệu đồng/lượng bán ra vào ngày 22/4) và chênh lệch với giá vàng thế giới tới 17 triệu đồng/lượng – vào ngày 12/5). Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần hết sức thận trọng nếu đầu cơ vào vàng, vì giá có thể giảm bất cứ lúc nào.
Giá vàng thế giới những ngày qua biến động khó lường, có lúc quay đầu tăng nhẹ trở lại và hướng về ngưỡng 3.250 USD/ounce sau khi lao dốc, có lúc xuống 3.210 USD/ounce vào phiên trước đó, trong bối cảnh Mỹ đạt được thỏa thuận hoãn thuế đối ứng trong 90 ngày với Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị hạ nhiệt tại nhiều nơi. Diễn biến này khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ. Thỏa thuận Mỹ - Trung được kỳ vọng sẽ khiến nhu cầu trú ẩn vào vàng suy giảm. Tuy nhiên, trên thực tế, vàng lại được hỗ trợ nhờ một loạt yếu tố nền tảng phức tạp hơn. Mặc dù thỏa thuận Mỹ - Trung giúp hạ nhiệt căng thẳng tạm thời, nhưng không phải chấm dứt cuộc chiến thương mại dài hạn. Các điều khoản cụ thể chưa được công bố rõ ràng, khiến giới đầu tư vẫn dè chừng và nắm giữ tài sản phòng thủ như vàng.
Trên thị trường bất động sản, các NHTM tung ra các gói lãi suất ưu đãi cho người trẻ mua nhà và sẵn sàng nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội, nhưng việc giải ngân không được như kỳ vọng do giá nhà đất vẫn ở mức cao so với đa số người dân, đặc biệt nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế.
Hóa giải thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ
Mặc dù điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua giữ được ổn định, song NHNN cho biết nhiều thách thức đang ở phía trước.
Lạm phát tiềm ẩn áp lực tăng trong bối cảnh độ mở nền kinh tế Việt Nam rất lớn, giá cả hàng hóa thế giới biến động do tác động của diễn biến địa chính trị phức tạp, xu hướng gia tăng về bảo hộ thương mại, an ninh lương thực tại các quốc gia, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ nhà nước quản lý, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan…
Mặt bằng lãi suất có nhiều sức ép trong thời gian tới do một số nguyên nhân: Lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm sâu thời gian qua; Nhu cầu vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng dự kiến gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, trong khi đó huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng có thể bị ảnh hưởng và cạnh tranh từ các kênh đầu tư khác (như bất động sản, thị trường chứng khoán); Mặt bằng lãi suất thế giới có xu hướng giảm nhưng vẫn duy trì ở mức cao và thị trường tài chính toàn cầu khó đoán định sau khi Mỹ tuyên bố chính sách thuế đối ứng.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế, việc giảm lãi suất cho vay là điều cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất huy động khó giảm thêm, việc cân bằng thanh khoản vẫn là thách thức lớn đối với các ngân hàng.
Thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác góp phần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cụ thể:
Điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, bám sát mục tiêu chính sách tiền tệ;
Theo dõi sát tình hình để điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để giảm lãi suất cho vay;
Tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô;
Thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế;
Chủ động, kịp thời điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu TTTD cho các TCTD trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô và tình hình thực tế mà không cần văn bản đề nghị từ các TCTD;
Chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; chú trọng đầu tư tín dụng vào các dự án, công trình trọng điểm; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Thanh Thủy