Thời gian qua, NHNN theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo báo cáo của các NHTM, trong tháng 2/2023, mặt bằng lãi suất đã ổn định và thực tế, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm so với cuối năm 2022; đã có 22 NHTM giảm lãi suất cho vay bình quân.
Từ ngày 6/3/2023, các NHTM đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi, trong đó, 4 NHTM có vốn Nhà nước giảm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết của từng ngân hàng tính từ ngày 27/2/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.
Các NHTM cổ phần giảm 0,5%/năm so với mức lãi suất của từng ngân hàng tính từ ngày 27/2/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.
Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các NHTM giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023 diễn ra sáng 3/3/2023 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, tính đến ngày 24/2, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 0,77%, huy động vốn tăng 0,05% so với cuối năm 2022.
Phát biểu tại phiên họp này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện nay, kinh tế thế giới đang phục hồi chậm, bước đầu đã tránh được nguy cơ suy thoái, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trên thị trường tài chính quốc tế, xu hướng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang diễn ra, do đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới (kể cả châu Á) vẫn đang tiếp tục tăng lãi suất. Từ đầu năm đến nay, đã có thêm 36 lượt tăng lãi suất trên thế giới. Điều này khiến USD bắt đầu tăng giá trở lại từ giữa tháng 2/2023. Ngày 2/3, chỉ số USD Index ở mức 104.49 điểm, tăng 7,29% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Thống đốc, diễn biến của USD đang tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, bởi cơ quan này vừa phải phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, vừa phải nỗ lực ổn định tỷ giá. Trong điều kiện nền kinh tế mở, việc ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá rất quan trọng. Vì vậy, điều hành chính sách lãi suất phải thực hiện hài hòa với đảm bảo ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá.
Từ đầu năm đến nay, thị trường ngoại hối, tỷ giá trong nước ổn định, các giao dịch trên thị trường ngoại tệ thông suốt. Từ đầu năm đến ngày 3/3, VND chỉ mất giá 0,6% so với cuối năm 2022, đây là mức mất giá thấp so với các đồng tiền trong khu vực.
Trong khi tỷ giá ổn định, thì lãi suất và tiếp cận vốn là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng. Về vấn đề này, Thống đốc cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất và thực tế lãi suất trên thị trường đã bắt đầu giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm 0,43%. Đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều tiết theo hướng phấn đấu giảm lãi suất.
Tuy vậy, về tín dụng, Thống đốc cho biết, hiện tăng trưởng tín dụng tính tới hết tháng 2/2023 rất chậm. Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14-15%, cao hơn năm 2022 và có điều chỉnh tùy theo diễn biến thị trường. Trong tháng 2/2023, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Tuy vậy, tính tới 28/2, tín dụng toàn hệ thống vẫn tăng trưởng thấp.
Khi kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, tổ chức thực hiện giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, tăng trưởng tín dụng hướng vào các động lực tăng trưởng (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) và các lĩnh vực ưu tiên đã xác định.
Thủ tướng yêu cầu, điều hành lãi suất hợp lý, hiệu quả, phù hợp với kiểm soát lạm phát. Thực hiện cắt giảm lãi suất thực chất, khơi thông thị trường liên ngân hàng.