Thời gian gần đây, khá nhiều ngân hàng đối mặt với rủi ro đạo đức trong xử lý nghiệp vụ, gây thất thoát tài sản của người gửi tiền, tổ chức và cá nhân có liên quan. Đơn cử như vụ mất hơn 200 tỷ đồng tiền gửi cá nhân tại một chi nhánh ngân hàng ở TP.Hồ Chí Minh, vụ hơn 500 tỷ đồng tiết kiệm của khách hàng “biến mất” tại một chi nhánh ngân hàng ở Hải Phòng… là những biểu hiện của vi phạm liêm chính trong xử lý nghiệp vụ ngân hàng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khủng hoảng ngân hàng không xuất hiện nhiều do sai lầm kỹ thuật mà chủ yếu do sai lầm liên quan tới liêm chính của đội ngũ nhân sự thực hiện giao dịch ngân hàng (RiskMinds 2009 Risk Managers’ Survey; Childress, 2013).
Biểu hiện của vi phạm liêm chính trong thực thi nghiệp vụ ngân hàng bao gồm: Gian dối trong cổ phiếu ưu đãi; sở hữu và bán sản phẩm tài chính liên quan tới gian dối về tài sản kém chất lượng; đưa ra hợp đồng đảm bảo với những điều khoản thiếu minh bạch và gây bất lợi cho khách hàng; tài trợ cho hoạt động tạo “bong bóng” tài sản (bất động sản, cổ phiếu, ngoại tệ…); thực hiện giao dịch với mức rủi ro vượt ngưỡng cho phép chấp nhận; chấm dứt trước hạn hợp đồng bảo lãnh với mức độ hạn chế về giải pháp thay thế; thiếu thiện chí tài trợ doanh nghiệp hiệu quả và có lợi nhuận; hỗ trợ gian lận thuế; thành viên điều hành ngân hàng có hạn chế đáng kể về trình độ, năng lực và đạo đức nghề nghiệp; thực hiện chi phí lớn bất thường thiếu minh bạch; và thực hiện các khoản tiền thưởng lớn bất thường cho các thành viên ban điều hành ngân hàng (DOMÈNEC MELÉ, 2014).
Trong thực tế thực hiện giao dịch ngân hàng, rủi ro đạo đức khó được kiểm soát và loại trừ tuyệt đối do nhiều nguyên nhân, trong đó có hai nguyên nhân trọng yếu có thể xác định. Thứ nhất, dường như chúng ta phải chấp nhận thực tế mỗi bộ luật được con người xác lập bao hàm một số kẽ hở. Nếu không có mạng lưới an toàn liêm chính, bằng cách này hay cách khác sẽ xuất hiện việc lợi dụng kẽ hở của luật pháp trong triển khai. Thứ hai, các khía cạnh của đời sống và hoạt động của các chủ thể trong xã hội phức tạp hơn rất nhiều so với nội dung luật pháp được thiết kế điều chỉnh hành vi của chủ thể bởi vì pháp luật được xây dựng dựa trên nghiên cứu các vấn đề và sai lầm đã xuất hiện.
Để kiểm soát rủi ro đạo đức trong hoạt động ngân hàng, tiến sĩ Domènec Melé (25/6/2014) đã đề xuất 10 nội dung sau:
Thứ nhất, tạo ra một môi trường làm việc có trách nhiệm cao mà ở đó không cho phép ngân hàng tối đa hóa lợi nhuận bằng mọi giá. Ngân hàng đảm nhận trách nhiệm xã hội quan trọng trong quá trình thu nhận tài sản của công chúng (nhận tiền gửi và các tài sản tương đương), cho vay cá nhân và tổ chức để họ tiêu dùng và đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, và tạo ra của cải xã hội. Khi ngân hàng hoạt động với mức rủi ro vượt ngưỡng an toàn cho phép, họ vô hình trung thoái thác trách nhiệm xã hội, yếu tố quan trọng cho duy trì phát triển kinh tế quốc gia. Chức năng xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động ngân hàng. Ngân hàng sai lầm trong đáp ứng vai trò xã hội, xảy ra thua lỗ, phá sản không những ảnh hưởng trực tiếp tới ngân hàng mà còn làm ảnh hưởng an toàn quốc gia.
Thứ hai, tính minh bạch trong hoạt động ngân hàng cần được đảm bảo ở mức cao. Việc nắm giữ tài sản kém chất lượng với thông tin thiếu minh bạch sẽ ảnh hưởng tới uy tín và tính an toàn của ngân hàng.
Thứ ba, ngân hàng đảm nhận trọng trách quản lý vốn an toàn và minh bạch. Nhiều ngân hàng đã gặp khó khăn lớn khi không đảm bảo nội dung này. Điều cần được ghi nhớ là tiền của ngân hàng không phải tài sản của ban điều hành ngân hàng đó mà họ chỉ sở hữu một phần rất nhỏ.
Thứ tư, mỗi quyết định về nghiệp vụ tài sản có (ví dụ cho vay) cần gắn liền với nhiệm vụ thực thi trách nhiệm xã hội của ngân hàng, cân nhắc tới khía cạnh chính đáng trong thực thi trách nhiệm xã hội của dự án mà ngân hàng tài trợ, mang lại lợi ích xã hội.
Thứ năm, không lợi dụng lợi thế đặc thù của ngân hàng trong xử lý giao dịch ngân hàng. Lợi thế đặc thù của ngân hàng có thể hiểu là lợi thế về tiếp cận và sử dụng thông tin liên quan tới dịch vụ ngân hàng, lợi thế trong đàm phán, thương thảo trong thực hiện dịch vụ ngân hàng.
Thứ sáu, sai lầm trong cung cấp thông tin cho khách hàng và chịu áp lực hơn mức bình thường khi đưa ra phán quyết tài chính. Khách hàng thường kỳ vọng nhận lời khuyên, tư vấn từ nhân sự thực hiện giao dịch ngân hàng bởi vì họ tin tưởng vào nhân sự ngân hàng. Áp lực hoàn thành chỉ tiêu được giao từ đội ngũ quản lý ngân hàng có thể đẩy nhân viên ngân hàng phạm sai lầm khi bán dịch vụ ngân hàng, cung cấp tư vấn cho khách hàng thiếu mức độ tin tưởng như kỳ vọng.
Thứ bảy, xử lý nghiệp vụ ngân hàng cần có yếu tố đồng cảm và nhãn quan xã hội. Sự đồng cảm tạo điều kiện cho cán bộ ngân hàng có thể tìm ra giải pháp tối ưu hơn cho khách hàng.
Thứ tám, không hợp tác với ứng xử, giao dịch đáng ngờ của các đối tác khác, ví dụ như giao dịch gian lận thuế. Ngân hàng không thực hiện giao dịch không đảm bảo tính minh bạch và pháp luật.
Thứ chín, ngân hàng thực hiện hoạt động ngân hàng với trọng trách làm một phần của xã hội liêm chính, đóng vai trò đóng góp và xây dựng xã hội tươi đẹp.
Nội dung thứ mười làngân hàng cần chủ động tuân thủ quyđịnh của pháp luật một cách tự giác, liêm chính và cầu thị, không hình thức và phô trương.
Với mong muốn tối ưu hóa khả năng huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong cộng đồng, đầu tư cho phát triển đất nước bền vững và hiệu quả, tính liêm chính của đội ngũ nhân sự ngân hàng có vai trò rất quan trọng. Một bộ luật về đạo đức nghề nghiệp ngân hàng, cùng với hướng dẫn chi tiết ở cấp độ dưới luật quy định cụ thể ứng xử, hành vi được thực hiện và không được phép thực hiện đang được kỳ vọng thiết lập và thực thi ở Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Điều này không những có tác dụng thúc đẩy an toàn hoạt động ngân hàng mà còn tạo hành lang pháp lý bảo vệ nhân sự ngân hàng trong những rủi ro bất khả kháng.
TS. Nguyễn Thị Kim Oanh
Tài liệu tham khảo:
DOMÈNEC MELÉ (2014),Ten recommendations for the ethical rearmament of banking,http://blog.iese.edu/ethics/2014/06/25/ten-recommendations-for-the-necessary-ethical-rearmament-of-banking/
RiskMinds 2009 Risk Managers’ Survey; Childress, 2013