Ủy ban Châu Âu (EC) vừa đưa ra một số biện pháp để hướng tới hiện đại hóa Liên minh tiền tệ Châu Âu (EMU), trong đó bao gồm tăng cường hợp tác kinh tế giữa các quốc gia thành viên, cải thiện tình hình đồng euro trên trường quốc tế và hoàn thiện liên minh ngân hàng khu vực.
Trong bối cảnh này, hội nhập về tài chính, tài khóa là yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm tính toàn vẹn của đồng Euro, đồng thời tăng cường
hội nhập kinh tế và chia sẻ rủi ro. Thông qua cơ chế giám sát tập trung và xử lý ngân hàng đổ vỡ thống nhất, liên minh ngân hàng góp phần lớn trong việc đẩy mạnh chia sẻ rủi ro trong trường hợp xảy ra cú sốc về tài chính. Một số khía cạnh nổi bật trong kế hoạch hiện đại hóa EMU được EU đề cập đến bao gồm:
Hoàn thiện Liên minh về tài chính - ngân hàng
Theo EU, các liên minh ngân hàng dự kiến sẽ được hoàn thiện vào giai đoạn đầu tiên của lộ trình phát triển Liên minh tiền tệ Châu Âu mới vào giữa năm 2017, bao gồm hai trụ cột chính về giám sát và xử lý. Những quy định chung sẽ góp phần ngăn ngừa khủng hoảng ngân hàng (thông qua Yêu cầu vốn chỉ thị và vốn điều lệ) và đề xuất khung xử lý chung đối với các ngân hàng đổ vỡ theo trật tự trong trường hợp gặp quá nhiều khó khăn ( thông qua Hướng dẫn về xử lý và phục hồi ngân hàng).
Xây dựng mô hình BHTG chung cho Châu Âu
Mô hình bảo hiểm tiền gửi (DGS) được xây dựng để củng cố niềm tin người gửi tiền,qua đó ngăn ngừa nguy cơ rút tiền hàng loạt tại ngân hàng. Theo quy định đã được thông qua, cư dân Châu Âu có số dư tiền gửi dưới 100.000 Euro tại các ngân hàng sẽ được bảo vệ quyền lợi.
Tuy nhiên, do liên kết giữa các ngân hàng trong khối với Chính phủ các quốc gia rất chặt chẽ nên vấn đề đặt ra càng phức tạp. Thứ nhất, do các ngân hàng nắm giữ chủ yếu các khoản nợ của Chính phủ nên khi một Chính phủ yếu kém sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, Chính phủ đó lại là cơ quan bảo hộ chính sách BHTG.
Về việc cấp vốn trước đối với Quỹ BHTG, mặc dù nhiều quốc gia trong khối được yêu cầu thực hiện vấn đề này nhưng việc triển khai không đồng đều. Do đó, EC đã đề xuất triển khai hệ thống tái bảo hiểm để bổ sung thêm vào mô hình BHTG hiện tại. Chi tiết về hệ thống này sẽ được đưa ra trong đề xuất pháp lý vào cuối năm 2015. Giống như các hệ thống BHTG khác, mô hình BHTG Châu Âu cũng đòi hỏi việc áp dụng các biện pháp an toàn để ngăn ngừa rủi ro đạo đức và quản lý cẩn trọng các vấn đề rủi ro khác có liên quan.
Thay đổi Chỉ thị về mô hình BHTG
Chỉ thị về mô hình BHTG đối với các nước thành viên được thông qua vào năm 2014 và hạn cuối cùng để các nước thành viên triển khai trong hệ thống luật pháp quốc gia là ngày 3/7/2015.
Trên cơ sở đó, Chỉ thị mới sẽ mở rộng phạm vi bảo hiểm và tăng cường bảo vệ đối với tiền gửi kỳ hạn lãi suất cao, giảm thời gian chi trả xuống còn 7 ngày và cấp vốn trước đối với Quỹ BHTG thông qua thu phí BHTG từ hệ thống ngân hàng. Mặc dù các nước Châu Âu đã có mô hình BHTG trên cơ sở Hướng dẫn được ban hành năm 1994 (sửa đổi năm 2009) với hạn mức BHTG lên tới 100.000 Euro. Tuy nhiên, với Chỉ thị mới, ngoài việc quyền lợi người gửi tiền được bảo vệ tốt hơn thì sẽ tạo sân chơi bình đẳng cho các ngân hàng trong khu vực.
Hiện tại đã có 9 quốc gia trong khu vực thông báo với EC về việc đã hoàn thiện các biện pháp chuyển đổi (bao gồm: Bulgaria, Đan Mạch, Đức, Croatia, Latvia, Hungary, Áo, Bồ Đào Nha, Phần Lan, và Anh), 4 quốc gia đang thực hiện chuyển đổi từng phần (Cộng hòa Séc, Tây Ban Nha, Pháp và Slovakia). Đối với các quốc gia còn lại không tuân thủ việc chuyển đổi theo Chỉ thị, EC đã tiến hành các biện pháp trừng phạt hồi tháng 9 năm nay.