Chỉ số lòng tin của 17 nước thành viên Eurozone trong tháng Sáu giảm 0,6 điểm xuống 89,9 điểm trong tháng giảm thứ ba liên tiếp, trong khi chỉ số của 27 nước thành viên EU ổn định ở mức 90,4 điểm.
Nhà kinh tế chủ chốt Howard Archer thuộc IHS Global Insight nhận định, tăng trưởng GDP của Eurozone giảm trong quý II năm nay là điều chắc chắn và triển vọng nhìn chung khá ảm đạm trong quý III tới.
Tại Eurozone, trong tháng 6/2012 chỉ số lòng tin vào lĩnh vực dịch vụ giảm 2,2 điểm và trong lĩnh vực công nghiệp giảm 1,3 điểm, ngược lại chỉ số lòng tin vào lĩnh vực bán lẻ tăng 3,2 điểm và vào lĩnh vực xây dựng tăng 2,1 điểm.
Nhà kinh tế Jennifer McKeown thuộc Capital Economics nhận định, số liệu trên là một bằng chứng nữa cho thấy sự suy giảm tăng trưởng kinh tế đang tác động đến các nền kinh tế hàng đầu Eurozone.
Lòng tin ở Pháp và Đức - hai nền kinh tế lớn nhất Eurozone - sụt giảm mạnh nhất, trong khi lòng tin ở Tây Ban Nha và Italy khả quan hơn trong bối cảnh hai nước này đang nỗ lực cải cách để khắc phục các vấn đề tài chính công.
Thống kê của hãng nghiên cứu kinh doanh Markit tuần trước cho hay, hoạt động trong lĩnh vực tư nhân đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm qua trong quý II năm nay, do lòng tin kinh doanh sa sút.
Chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Markit kẹt ở mức 46 điểm trong tháng 6/2012, không đổi so với tháng 5/2012.
Cuối tuần trước, các nhà lãnh đạo bốn nền kinh tế lớn nhất Eurozone là Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha đã cam kết dùng khoản tiền 130 tỷ euro (163 tỷ USD) để thúc đẩy hoạt động kinh tế.
Nhà kinh tế Christian Shulz thuộc ngân hàng Berenberg Bank dự báo, nếu châu Âu kiểm soát được cơn hoảng loạn trên thị trường tài chính, những ảnh hưởng của các biện pháp khắc khổ dịu lại và kinh tế Đức hồi phục, Eurozone sẽ thoát khỏi suy thoái vào cuối năm nay.
Theo nhà kinh tế này, các số liệu kinh tế yếu kém gần đây của Eurozone đã làm tăng khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu trong tuần tới sẽ cắt giảm lãi suất - hiện ở mức 1%./.