Lựa chọn nhà thầu qua mạng ngày càng được chú ý nhưng nhiều bên mời thầu chưa hiểu hết về quy trình thực hiện. Chính vì vậy, bài viết này sẽ cung cấp tới bên mời thầu những thông tin tổng quan về đấu thầu qua mạng theo quy định hiện nay.
Văn bản pháp luật về đấu thầu qua mạng
Hiện nay, đấu thầu qua mạng được thực hiện theo quy định tại một số văn bản sau:
Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả.
Thông tư số 05/2018/TT-BKHĐT ngày 10/12/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu được tổ chức lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT ngày 15/11/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia.
Thông tư số 07/2016/TT-BKHĐT ngày 29/6/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tưquy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu mua sắm hàng hoá đối với đấu qua mạng.
Quy trình đăng ký tham gia đấu thầu qua mạng
Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT, quy trình đăng ký tham gia đấu thầu qua mạng đối với bên mời thầu được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1. Đăng ký thông tin tham gia hệ thống mạng.
Bước 2. Nhận mã phê duyệt và số tham chiếu.
Bước 3. Nhận chứng thư số, đăng ký thêm chứng thư số, hủy chứng thư số.
Bước 4. Quản lý chứng thư số.
Các gói thầu phải tổ chức đấu thầu qua mạng
Theo Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT, tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ (100%) các gói thầu sau: Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu được tổ chức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, một giai đoạn hai túi hồ sơ (không bao gồm: phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ; hai giai đoạn hai túi hồ sơ và không áp dụng đối với gói thầu chia nhiều thành phần, trường hợp cần áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng thì phải tách các thành phần thành gói thầu riêng biệt để lựa chọn nhà thầu).
Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng trong năm phải đảm bảo: Các gói thầu trong phạm vi hạn mức quy định phải đấu thầu qua mạng; Tổng số lượng các gói thầu qua mạng đạt tối thiểu mức tỷ lệ theo quy định đối với số lượng gói thầu đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh; Tổng giá trị gói thầu qua mạng đạt tối thiểu mức tỷ lệ theo quy định đối với tổng giá trị các gói thầu đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh.
Lộ trình áp dụng
Theo thông tư 11/2019/TT-BKHĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh đến lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng, đây là những điểm mới mà bên mời thầu cần đặc biệt lưu ý khi tham gia đấu thầu từ năm 2020 - 2025. Theo đó, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng phải theo lộ trình như sau:
Năm 2020
Tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng và thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng, trừ trường hợp đối với các gói thầu chưa thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng hoặc các gói thầu có tính đặc thù.
Tổng số lượng các gói thầu qua mạng phải đạt tối thiểu 60%/ tổng các gói thầu đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh; Tổng giá trị các gói thầu qua mạng phải đạt tối thiểu 25%/ tổng giá trị các gói thầu đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh.
Năm 2021
Tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng và thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng, trừ trường hợp đối với gói thầu chưa thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng hoặc các gói thầu có tính đặc thù.
Tổng số lượng các gói thầu qua mạng phải đạt tối thiểu 70%/ tổng các gói thầu đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh; Tổng giá trị các gói thầu qua mạng phải đạt tối thiểu 35%/ tổng giá trị các gói thầu đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh.
Từ 2022 đến 2025
Tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 70% các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu.
Tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng toàn bộ (100%) gói thầu sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập.
Tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng toàn bộ (100%) gói thầu mua sắm tập trung.
Đăng tải, cung cấp thông tin về đấu thầu
Theo Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT, các thông tin phải được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, bao gồm:
Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đăng tải các thông tin
- Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
- Quyết định phê duyệt dự toán (đối với trường hợp dự toán của gói thầu được phê duyệt sau khi đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu).
Thông báo mới thầu, mời chào hàng, thông báo mới quan tâm, thông báo mời sơ tuyển đăng tải các thông tin
- Quyết định phê duyệt: Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, yêu cầu báo giá, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển.
- Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, yêu cầu báo giá, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển.
- Quyết định phê duyệt danh sách ngắn.
- Các quyết định, hồ sơ sửa đổi.
- Văn bản làm rõ: Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, yêu cầu báo giá, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển.
Mở thầu đăng tải các thông tin
- Đăng tải biên bản mở thầu trong thời hạn không quá 2 giờ kể từ thời điểm đóng thầu.
- Đăng tải danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.
Kết quả lựa chọn nhà thầu đăng tải các thông tin
- Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
- Báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất.
- Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa phải đăng chi tiết thông tin các hạng mục hàng hóa thuộc gói thầu.
Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất
Theo Thông tư số 05/2018/TT-BKHĐT, Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT, phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất như sau:
Đối với phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ
Phương pháp đánh giá phải được quy định rõ trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, Bên mời thầu chọn một trong hai cách sau để đánh giá cho phù hợp (đối với đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thông thường):
Quy trình 01: áp dụng đối với phương pháp “giá đánh giá” và “giá thấp nhất”
Bước 1: Đánh giá tính hợp lệ hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất.
Bước 2: Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm.
Bước 3: Đánh giá về kỹ thuật.
Bước 4: Xếp hạng nhà thầu.
Quy trình 02: áp dụng đối với gói thầu theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất theo phương pháp “giá thấp nhất” và các hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đều không có bất kỳ ưu đãi nào
Bước 1: Xếp hạng nhà thầu theo giá dự thầu thấp nhất (không phải phê duyệt danh sách xếp hạng nhà thầu);
Bước 2: Đánh giá tính hợp lệ hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu xếp hạng thứ nhất;
Bước 3: Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu xếp hạng thứ nhất;
Bước 4: Đánh giá về kỹ thuật của nhà thầu xếp hạng thứ nhất.
Trường hợp nhà thầu xếp hạng thứ nhất không đáp ứng thì thực hiện các bước đánh giá nêu trên đối với nhà thầu xếp hạng tiếp theo.
Đối với phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ
Việc đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, hồ sơ đề xuất tài chính và xếp hạng nhà thầu được thực hiện theo quy định của Luật đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
Thanh toán chi phí đăng đải thông tin
Bên mời thầu phải thanh toán chi phí đăng tải thông tin tối đa 02 ngày làm việc, kể từ ngày tự đăng tải thông tin trên Hệ thống mạng.
Đấu thầu qua mạng đang trở thành xu thế tất yếu của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Đấu thầu qua mạng đã tạo môi trường cạnh tranh, công bằng và minh bạch cho các nhà thầu, tiết kiệm được thời gian và chi phí cho các bên tham gia.
Đấu thầu qua mạng còn giúp bên mời thầu rút ngắn thời gian các khâu đấu thầu với việc loại bỏ các công đoạn như soạn thảo, trình duyệt văn bản… Hệ thống đấu thầu qua mạng có thể được dùng để làm cơ sở thu thập các thông tin lịch sử về năng lực của nhà thầu, giúp bên mời thầu phân loại, đánh giá nhà thầu…
Văn bản điện tử do bên mời thầu, nhà thầu và nhà đầu tư phát hành dưới dạng điện tử được xem là văn bản gốc, có giá trị pháp lý để làm cơ sở đối chiếu, so sánh, phục vụ việc đánh giá, giám sát, thẩm định; thanh, kiểm tra, kiểm toán… đảm bảo thống nhất quản lý thông tin về đấu thầu theo Khoản 26 Điều 4 của Luật Đấu thầu. Để thực hiện được điều này, văn bản điện tử được gửi đến Hệ thống mạng đấu thầu quốc chỉ được coi là có giá trị khi gửi thành công mà Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhận được và có phản hồi (ngay sau khi nhận được).