Gửi tiết kiệm và các sản phẩm tài chính khác
Gửi tiết kiệm là một hình thức đầu tư phổ biến hiện nay, được đánh giá là an toàn. Với hình thức này, khách hàng gửi một khoản tiền vào ngân hàng có mục đích chính đó là tiết kiệm - tức là đây là một khoản tiền để dành, chưa có kế hoạch sử dụng, chứ không phải khoản tiền cho việc chi tiêu thường xuyên, thanh toán cá nhân. Khách hàng sẽ đạt được một khoản lợi nhuận nhất định từ ngân hàng bằng hình thức gửi tiết kiệm ngân hàng. Khách hàng gửi tiết kiệm tại ngân hàng có thể chọn kỳ hạn gửi tiền tùy theo nhu cầu của mình (có thể là 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng…). Ngày cuối cùng của mỗi kỳ hạn gửi tiền được gọi là ngày đáo hạn. Khi đó, người gửi tiền được nhận được khoản tiền lãi từ ngân hàng. Tuy nhiên, tùy theo nhu cầu, khách hàng có thể gửi tiết kiệm không kỳ hạn và có thể tất toán bất cứ lúc nào.
Chứng chỉ tiền gửi (Certificate of Deposit) là một loại giấy tờ có giá, được các ngân hàng phát hành để huy động vốn từ các tổ chức hoặc cá nhân. Trên thực tế, loại giấy tờ này có giá trị như một quyển sổ tiết kiệm để thể hiện bạn đang có một khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng đó.
Sổ tiết kiệm cũng là giấy tờ do ngân hàng cấp nhưng chỉ nhằm mục đích xác nhận quyền sở hữu đối với tài sản (tiền) gửi tại ngân hàng đó.
Chứng chỉ tiền gửi có một số khác biệt so với tiền gửi tiết kiệm. Do tính chính dài hạn và cố định thời hạn gửi, chứng chỉ tiền gửi thường có lãi suất cao hơn tiền gửi tiết kiệm và được ngân hàng sử dụng để huy động vốn dài hạn. Ngoài ra, khác với sổ tiết kiệm khi người gửi chỉ có thể cầm cố, chứng chỉ tiền gửi còn cho phép khách hàng chuyển nhượng theo quy định của ngân hàng.
Tuy vậy, dù lãi suất của chứng chỉ tiền gửi cao hơn gửi tiết kiệm nhưng tính thanh khoản lại không cao. Chứng chỉ tiền gửi không được rút hoặc tất toán trước hạn, hoặc nếu có phải qua nửa kỳ hạn (tùy quy định ngân hàng). Trong khi đó, tiền gửi tiết kiệm có thể rút tiền dễ dàng khi đến hạn hoặc rút một phần trước hạn.
Mới đây, Thông tư số 04/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tiết kiệm có hiệu lực từ ngày 1/8/2022. Theo đó, khách hàng rút toàn bộ tiền gửi trước hạn sẽ nhận được mức lãi suất bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi. Nếu rút trước hạn một phần tiền gửi, phần tiền gửi rút trước hạn sẽ áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất. Phần tiền gửi còn lại sẽ áp dụng mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần.
Hiện nay, có 3 loại chứng chỉ tiền gửi chính, bao gồm: (i) Chứng chỉ tiền gửi ghi danh: Là giấy tờ có giá phát hành dưới hình thức chứng chỉ hoặc ghi sổ có mang tên người sở hữu; (ii) Chứng chỉ tiền gửi vô danh: Giấy tờ có giá phát hành dưới hình thức chứng chỉ hoặc ghi sổ không mang tên người sở hữu. Khi đó, quyền sở hữu chứng chỉ sẽ thuộc về người nắm giữ; (iii) Chứng chỉ tiền gửi ghi sổ: Là loại chứng chỉ không được quyền chuyển nhượng, thường sẽ bán theo mệnh giá và lĩnh lãi vào ngày đáo hạn.
Ngoài chứng chỉ tiền gửi, khách hàng còn quan tâm đến sản phẩm bảo hiểm và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Về cơ bản khi gửi tiết kiệm ngân hàng, bản chất là nhà đầu tư đang cho ngân hàng vay tiền và ngân hàng cần thanh toán tiền lãi trên khoản tiền đó. Điều này giống với trái phiếu, nếu nhà đầu tư mua trái phiếu họ cũng đang cho đơn vị này vay tiền để thu lại lợi nhuận. Việc nhà đầu tư nhận tiền khi đáo hạn cũng tương tự với việc rút tiền từ tài khoản tiết kiệm sau khi hết hạn gửi tiền ngân hàng.
Điểm khác nhau giữa trái phiếu với tiền gửi tiết kiệm sẽ là những yếu tố giúp khách hàng quyết định nên mua trái phiếu ngân hàng hay gửi tiết kiệm. Điểm khác biệt này phụ thuộc vào những yếu tố sau đây:
Về lãi suất: Đối với trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất thường cố định trong vài năm đầu và dao động trong khoảng 8 - 10%/năm. Những năm tiếp theo, lãi suất vay dựa trên lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng cộng với một biên độ nhất định. Đối với hình thức gửi tiết kiệm, khách hàng nhận được mức lãi suất cụ thể, được quy định trong từng kỳ hạn của khoản vay.
Về lợi tức: Lợi tức trái phiếu được trả định kỳ, thông thường từ 3-6 tháng hoặc hàng năm tùy theo loại trái phiếu và thỏa thuận giữa hai bên. Còn với gửi tiết kiệm ngân hàng mức lãi suất sẽ được trả theo thời hạn quy định của người gửi với đơn vị cung cấp tín dụng.
Về kỳ hạn: Tùy theo loại hình, trái phiếu doanh nghiệp hay chính phủ thường có kỳ hạn từ 1 đến 5 năm, kỳ hạn của tiền gửi tiết kiệm là từ 1 tháng đến 36 tháng.
Trái phiếu có nhiều loại. Có trái phiếu do chính ngân hàng phát hành để tăng vốn - bản chất gần giống gửi tiết kiệm, khá an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn một loại trái phiếu khác do ngân hàng phân phối cho các doanh nghiệp… Lúc đó, ngân hàng chỉ là bên môi giới, không chịu trách nhiệm với việc hoàn tiền nếu các sản phẩm tài chính xảy ra những vấn đề không thể đoán định chẳng hạn doanh nghiệp vỡ nợ không đủ khả năng trả lãi trái phiếu.
Còn bảo hiểm không phải là sản phẩm đầu tư mà là dạng sản phẩm để khi gặp rủi ro sức khỏe, tính mạng… được đền bù phần tiền ký trong hợp đồng để chữa bệnh, khám bệnh… Nếu khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm với mục đích đầu tư, thì lợi nhuận sẽ kém hơn các kênh đầu tư khác
Khi mua bảo hiểm, có 2 hình thức sẽ được nhận tiền về. Thứ nhất là không may gặp rủi ro sức khỏe thì sẽ kích hoạt điều kiện để khách hàng thụ hưởng. Còn nếu không gặp rủi ro, bất kỳ thời điểm nào khách hàng cũng có thể được rút ra. Tuy nhiên, khi rút ra, phần tiền nhận về sẽ phải trừ nhiều loại chi phí như phí quản lý, bảo vệ rủi ro, phí khấu trừ ban đầu…
Thực tế, chính người dân được lợi khi có cơ hội tiếp xúc với nhiều sản phẩm trên thị trường tài chính. Nhưng họ cũng là những người dễ bị tổn thương nhất khi chưa chủ động trang bị kiến thức và cũng không được tạo điều kiện để tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, minh bạch.
Lưu ý với người gửi tiền, nhà đầu tư tài chính
Trước hết, các khách hàng cần quan tâm đến việc lập kế hoạch tài chính cá nhân. Thị trường tài chính ngày càng có nhiều sản phẩm tài chính rất phức tạp. Sản phẩm tài chính không chỉ vận hành theo lãi suất mà còn vận hành theo từng cấu trúc, tính năng, mục đích ra đời…Nếu muốn mua sản phẩm tài chính có lợi nhất thì hãy tìm hiểu, học cách lập kế hoạch tài chính. Mỗi khách hàng phải tự trả lời các câu hỏi tại sao mình nên đầu tư, tại sao mình mua bảo hiểm, có nên vay tiền ngân hàng mua nhà hay có nên mua trái phiếu này không, trái phiếu nào rủi ro...
Khi gửi tiết kiệm, người gửi tiền cần lưu ý: nên đến gửi tiền trực tiếp tại quầy giao dịch của các ngân hàng, tổ chức tín dụng được phép. Đây là quy chế về tiền gửi, được quy định rõ tại các ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có một số trường hợp đặc biệt với khách hàng VIP, thường được các nhân viên quen biết hỗ trợ mở tài khoản tiền gửi mà không đến ngân hàng thực hiện thủ tục theo quy định.
Cụ thể, khách hàng VIP được vào phòng VIP hoặc phòng Giám đốc để thực hiện các thủ tục cho giao dịch gửi hoặc rút tiền gửi cũng như ký các giấy tờ có liên quan. Việc này vô cùng nguy hiểm, vì trong một số trường hợp rủi ro, nhân viên ngân hàng không nộp tiền vào tài khoản của khách hàng hoặc không đưa đầy đủ các giấy tờ cần thiết cho khách hàng ký, hoặc trường hợp có thể tráo hồ sơ. Hơn nữa, khi giao dịch tại quầy, khách hàng sẽ được camera ghi hình và đây là bằng chứng rất tốt khi có sự cố xảy ra sau này.
Người gửi tiền không ký sẵn chứng từ trống. Khi làm thủ tục gửi tiền hoặc rút, chuyển tiền, trong bất cứ trường hợp nào thì khách hàng cũng không được ký vào các tờ giấy trắng. Tất cả các mẫu giấy tờ giao dịch về gửi hay rút, chuyển tiền của ngân hàng đều có nội dung rõ ràng và nhân viên ngân hàng phải tuân thủ theo đúng quy trình của ngân hàng để giao dịch với khách. Hơn nữa, với các mẫu giấy trắng đã có chữ ký của khách hàng, nhân viên ngân hàng vẫn có thể điền thông tin vào đó nhằm rút tiền của khách hàng theo nhiều cách khác nhau, thậm chí tin nhắn rút tiền cũng không được gửi đến số điện thoại mà khách hàng đã ký, vì có thể đã có sự thông đồng tại các bộ phận khác nhau.
Bên cạnh mức lãi suất hấp dẫn, người gửi tiền cũng quan tâm đến uy tín của tổ chức tín dụng được phép huy động tiền gửi. Các ngân hàng Việt với các sản phẩm tài chính hiện có và uy tín lâu năm thì độ rủi ro khi gửi tiết kiệm gần như bằng không.
Gần đây, các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai kênh gửi tiết kiệm online với mức lãi suất thường cao hơn gửi tại quầy, đồng thời nâng cao trải nghiệm và sự tiện lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, đảm bảo an ninh tài khoản, tránh bị kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản, khách hàng cần tuân thủ các quy định, khuyến cáo của ngân hàng khi giao dịch ngân hàng điện tử. Khách hàng nên thận trọng khi vào các trang web lạ và có tính bảo mật kém trên máy tính hoặc điện thoại. Không nhấn vào các đường link lạ, không cung cấp mật khẩu, mã OTP cho bất cứ ai...Ngoài ra, khách hàng cũng nên thường xuyên có chương trình quét virus của các hãng phần mềm uy tín và luôn cập nhật phiên bản mới; luôn tiếp nhận kịp thời các thông báo của ngân hàng nơi mở tài khoản về các cảnh báo rủi ro trong giao dịch trực tuyến.
Gửi tiết kiệm đang là kênh đầu tư an toàn hiện nay, hơn nữa quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền cũng luôn được đảm bảo theo quy định pháp luật. Đến nay, hạn mức trả tiền bảo hiểm đã được nâng lên tối đa 125 triệu đồng. Ở nước ta, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) là tổ chức BHTG duy nhất, được thành lập vào năm 1999 với sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng.
Điều cần quan tâm nữa với người gửi tiền là có những sản phẩm tài chính khác ngoài tiền gửi sẽ không được cam kết lãi suất như tiền gửi hoặc chứng chỉ quỹ. Mỗi người hãy tự bảo vệ mình trước bằng việc trang bị kiến thức. Sau này, nếu tài chính ổn hơn thì hoàn toàn có thể ủy thác cho một nhà tư vấn tài chính cá nhân hay những nhà quản lý tài sản - những người có kiến thức, chuyên nghiệp và có cơ quan quản lý trực tiếp.
Dù là chứng chỉ tiền gửi hay tiền gửi tiết kiệm cũng đều có những ưu, nhược điểm riêng. Vì thế, nhà đầu tư cần cân nhắc trước khi mua, cần tính tới các rủi ro tài chính đột xuất.
Khi tham gia đầu tư trên thị trường trái phiếu, các nhà đầu tư cần cẩn trọng để phân tích và phân loại các trái phiếu đang sở hữu để có quyết định phù hợp, không nghe tin đồn thất thiệt.
Các nhà đầu tư cá nhân khi được giới thiệu mua TPDN riêng lẻ hoặc có ý định đầu tư TPDN, nhà đầu tư cần yêu cầu tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về doanh nghiệp phát hành, trái phiếu. Nhà đầu tư cần đọc, hiểu và nắm rõ các quy định này tại các văn bản về trái phiếu và các bản công bố thông tin của doanh nghiệp. Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần hết sức lưu ý về trách nhiệm và cam kết của các tổ chức cung cấp dịch vụ. Việc các NHTM, công ty chứng khoán phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này bảo lãnh, bảo đảm cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là tổ chức cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành, rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.