BHTG là một công cụ quan trọng được triển khai ở nhiều quốc gia nhằm bảo vệ người gửi tiền trước những rủi ro do tổ chức tham gia BHTG không có khả năng hoàn trả tiền gửi cho người gửi tiền. Nhiệm vụ đặc trưng nhất của BHTG nói chung là bảo vệ người gửi tiền, giúp người gửi tiền có thể nhận lại khoản tiền gửi khi tổ chức tham gia BHTG đổ vỡ, góp phần đảm bảo sự ổn định của các tổ chức tham gia BHTG và sự phát triển an toàn, lành mạnh trong hoạt động ngân hàng.
Theo Bộ nguyên tắc cơ bản Phát triển hệ thống BHTG hiệu quả “Hệ thống BHTG cần thực hiện việc chi trả kịp thời cho người gửi tiền để góp phần ổn định tài chính. Trong trường hợp đã bắt đầu chi trả nhưng có sự chậm trễ kéo dài, tổ chức BHTG có thể thực hiện tạm ứng chi trả hoặc thanh toán từng phần khẩn cấp. Hiệp hội BHTG quốc tế cũng khuyến nghị việc áp dụng cơ chế bảo hiểm toàn bộ trong trường hợp đặc biệt, cơ chế này đã được nhiều nước áp dụng và là một công cụ hữu hiệu nhằm đảm bảo niềm tin của người gửi tiền.
Tại Việt Nam, theo quy định tại Luật BHTG, tổ chức tham gia BHTG là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật Các TCTD được nhận tiền gửi của cá nhân. Tổ chức tham gia BHTG hiện nay bao gồm các đơn vị: Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô. Đối tượng được BHTG là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG; tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các TCTD, trừ tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính TCTD đó; tiền gửi tại TCTD của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) của chính TCTDđó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó; tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia BHTG phát hành.
Theo Thông tư 24/2014/TT-NHNN, nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD là tổ chức tham gia BHTG vẫn lâm vào tình trạng phá sản, hoặc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia BHTG mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền. Tại văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán phải nêu rõ việc TCTD không khôi phục được khả năng thanh toán (lâm vào tình trạng phá sản) để làm cơ sở cho việc trả tiền BHTG.
Điều 24 Luật BHTG quy định, hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Hạn mức trả tiền bảo hiểm do Thủ tướng Chính phủ quy định theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ. Theo quy định này, trường hợp tổng số dư tiền gửi của một người gửi tiền tại một tổ chức tham gia BHTG lớn hơn hạn mức trả tiền bảo hiểm thì khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, số tiền Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của người đó (bao gồm tiền gốc và tiền lãi) tối đa sẽ bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 188 Luật Các TCTD 2024, được thông qua ngày 18/1/2024 tại Kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội khóa XV, sau khi phương án phá sản được phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức chi trả BHTG cho người gửi tiền, tối đa bằng số tiền gửi của cá nhân được bảo hiểm tại TCTD. Trường hợp TCTD được kiểm soát đặc biệt là QTDND, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với QTDND được kiểm soát đặc biệt, tổ chức BHTG và Ngân hàng HTX xây dựng phương án phá sản QTDND được kiểm soát đặc biệt và đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức chi trả BHTG cho người gửi tiền, tối đa bằng số tiền gửi của cá nhân được bảo hiểm tại QTDND.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức BHTG, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với QTDND được kiểm soát đặc biệt, tổ chức BHTG và Ngân hàng HTX hoàn thiện phương án phá sản QTDND được kiểm soát đặc biệt, trình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt.
Khi phương án phá sản đã được phê duyệt, tổ chức BHTG có trách nhiệm phối hợp với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt chi trả BHTG cho người gửi tiền theo phương án phá sản. Theo Luật Các TCTD 2024, trong trường hợp TCTD là tổ chức tham gia BHTG được kiểm soát đặc biệt thực hiện theo phương án phá sản được phê duyệt, khi Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức chi trả bằng số tiền gửi của cá nhân được bảo hiểm tại tổ chức tín dụng đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ phối hợp với tổ chức tham gia BHTG thực hiện chi trả toàn bộ tiền gửi cho người gửi tiền được BHTG.
Khi gửi tiền vào tổ chức tham gia BHTG, người gửi tiền hoàn toàn yên tâm vì quyền và lợi ích của mình luôn được bảo đảm. Như vậy, luật hóa việc chi trả toàn bộ cho người gửi tiền phù hợp với khuyến nghị của Hiệp hội BHTG quốc tế, điều này đóng vai trò đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao niềm tin công chúng đối với hệ thống các TCTD, giúp tổ chức tham gia BHTG huy động được tối đa nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư; đồng thời ngăn chặn hiện tượng rút tiền hàng loạt, góp phần vào sự phát triển an toàn hoạt động ngân hàng.
HN