Góc nhìn không gian ba chiều về nguyên nhân đổ vỡ
Khủng hoảng tài chính Mỹ là nguyên nhân gây ra khủng hoảng kinh tế để dẫn đến việc hàng triệu người dân mất việc làm, công việc kinh doanh bị đình đốn hoặc đóng cửa, giá nhà sụt giảm, nhiều người mất nhà cửa, niềm tin người tiêu dùng bị suy giảm.
Nước Mỹ đã phân tích bản chất của khủng hoảng tài chính dưới góc nhìn đa chiều trên cơ sở đó đưa ra những biện pháp tổng thể sau khủng hoảng. Nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng tài chính tại Mỹ là do hệ thống luật pháp sơ hở, các quy định không phù hợp với diễn biến của thị trường tài chính. Quy định về kiểm soát rủi ro thì không đủ quyền lực để quản trị rủi ro như quy định về tỷ lệ an toàn vốn không phù hợp, quy định về kiểm soát các công cụ phái sinh không chặt chẽ, sự phối hợp và phân công trách nhiệm giữa các cơ quan giám sát vẫn còn khoảng trống. Hệ thống cảnh báo sớm hoạt động kém hiệu quả, không dự báo được rủi ro mang tính hệ thống của thị trường tài chính. Đồng thời, các quy định về xử lý đổ vỡ thiếu minh bạch và không dựa trên nguyên tắc thị trường như sử dụng tiền thuế của dân để xử lý đổ vỡ tín dụng thông qua các gói cứu trợ. Việc bảo vệ người tiêu dùng, nhà đầu tư tài chính không đầy đủ dẫn đến việc người dân bị ảnh hưởng quyền lợi khi các tổ chức tài chính bị đổ vỡ do việc thiếu thông tin hoặc không được cung cấp thông tin chính xác về sản phẩm và tình trạng của tổ chức tín dụng và về các sản phẩm dịch vụ mà họ sử dụng. Việc quản lý chi tiêu của Ban điều hành các tổ chức tài chính ngoài tầm kiểm soát do vậy mặc dù tổ chức tài chính gặp khó khăn lương bổng của những nhà điều hành tổ chức đó vẫn rất cao. Các quy định về BHTG cũng bộc lộ hạn chế như quy định chức năng nhiệm vụ của Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Mỹ (FDIC), hạn mức chi trả, phương án xử lý đổ vỡ, nguồn vốn…chưa phù hợp.
Những quy định pháp lý không chặt chẽ và phù hợp dẫn đến tạo mảnh đất màu mỡ cho những hành vi lừa đảo, sai trái trên thị trường. Nước Mỹ đã phải trả giá đắt cho những sai lầm đó bằng một cuộc đại khủng hoảng lớn nhất trong vòng 70 năm qua. Tuy nhiên, trong việc phân tích những nguyên nhân gây ra hậu quả đó, thì người tiêu dùng Mỹ được coi là nạn nhân chứ không phải là nguyên nhân. Trách nhiệm của Chính phủ là phải bảo vệ người tiêu dùng bằng công cụ luật pháp.
Thực hiện cuộc “đại phẫu thuật”
Để tạo ra sự ổn định về kinh tế để tăng trưởng việc làm, bảo vệ người tiêu dùng, tăng cường sức mạnh phố Wall, chấm dứt tình trạng quá lớn để đổ vỡ và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính khác, đạo Luật cải tổ tài chính đã ra đời. Đây có thể coi là một cuộc đại phẫu thuật đối với thị trường tài chính Mỹ.
Nguyên tắc xây dựng Đạo luật là dựa trên tính minh bạch và thị trường. Nguyên tắc thị trường được thể hiện rõ nét là không sử dụng tiền thuế của dân để giải quyết đổ vỡ của các tổ chức tài chính đổ vỡ thông qua các gói cứu trợ. Đồng thời để đảm bảo tính minh bạch Đạo luật quy định rõ về trách nhiệm cung cấp thông tin của các tổ chức kinh doanh tài chính cho các cơ quan giám sát cũng như người sử dụng dịch vụ tài chính. Để lấp những khoảng trống trong việc giám sát tài chính và bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính, đạo Luật cũng quy định thống nhất chức năng, nhiệm vụ quyền hạn rõ ràng của từng cơ quan trong hệ thống giám sát tài chính.
Bản chất của Đạo luật cải cách tài chính Mỹ là tạo hành lang pháp lý để thực hiện việc tái cấu trúc hệ thống tài chính Mỹ trong đó tập trung vào các trụ cột chính là cấu trúc lại cơ quan giám sát, chuyên nghiệp hóa các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng tài chính, tập trung và thống nhất các phương thức quản lý và bảo vệ an ninh tiền tệ.
Nội dung chính của Luật tập trung vào những vấn đề cơ bản như: tăng cường quyền lực và tính độc lập trong việc bảo vệ người gửi tiền; chấm dứt tình trạng quá lớn để đổ vỡ, hình thành hệ thống cảnh báo sớm, tăng tính minh bạch và trách nhiệm đối với các công cụ ngoại bảng, giám sát ngân hàng liên bang, quản lý thu nhập của ban điều hành và quản trị , bảo vệ các nhà đầu tư và tăng cường thực hiện các quy định về chứng từ kế toán.
- Để tăng cường công cụ bảo vệ tài chính tiêu dùng, Cơ quan bảo vệ tài chính tiêu dùng mới đã được thành lập với nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ người tiêu dùng của Mỹ tránh được những sản phẩm và hành vi không công bằng, lừa đảo và vi phạm, đảm bảo mọi người sẽ tiếp cận được với thông tin rõ ràng mà họ cần về các khoản vay và các sản phẩm tài chính khác từ các công ty thẻ tín dụng, những người môi giới thế chấp, các ngân hàng và các đối tượng khác. Với việc thành lập cơ quan này, người tiêu dùng Mỹ cuối cùng đã có được cơ quan để giám sát các sản phẩm tài chính, tạo cho người Mỹ một sự yên tâm rằng có một hệ thống thay thế làm việc cho họ chứ không phải cho các ngân hàng lớn ở phố Wall.
- Phát hiện ra vấn đề lớn xảy ra sắp tới thông qua việc thể hiện được những rủi ro mang tính hệ thống. Một Ủy ban giám sát ổn định tài chính mới được thành lập sẽ tập trung vào việc nhận dạng, điều chỉnh và thể hiện được những rủi ro mang tính hệ thống tại các tổ chức tài chính lớn và phức tạp cũng như những sản phẩm và những hành vi mà lan truyền rủi ro. Cơ quan đó đưa ra những khuyến nghị đối với các cơ quan giám sát về việc gia tăng các nguyên tắc chặt chẽ đối với những công ty mà sự phát triển lớn và phức tạp đủ để đe dọa đến sự ổn định tài chính của nước Mỹ.
- Đối với việc chấm dứt tình trạng quá lớn để đổ vỡ thông qua các gói cứu trợ: Ngăn chặn một cuộc khủng hoảng khác khi mà người đóng thuế Mỹ buộc phải cứu trợ những công ty tài chính lớn. Các công ty tài chính lớn yêu cầu phải củng cố để trụ lại tốt hơn trong khủng hoảng, đăt ra trách nhiệm do tăng trưởng quá mức hoặc phức tạp gây ra những rủi ro cho hệ thống tài chính và tạo ra một cách thức để đóng cửa các công ty tài chính lớn mà sự đóng cửa đó không đe dọa đến nền kinh tế. Bởi trong thực tế trước kia các công ty tài chính lớn (và chủ nợ của họ) tin rằng Chính phủ cứu họ khi gặp vấn đề, họ có sự hỗ trợ để phát triển lớn hơn và gây ra rủi ro nhiều hơn, và họ tin rằng mình sẽ gặt hái được lợi ích và đặt người đóng thuế phải gánh chịu cho những việc làm sai trái của họ. Từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, nhiều những tổ chức tài chính trước kia được coi là “quá lớn để đổ vỡ” chỉ phát triển lớn hơn thông qua việc tiếp nhận các công ty đổ vỡ, đặt đất nước vào thế yếu tương tự dẫn đến các gói cứu trợ năm ngoái.
- Đối với việc tăng cường giám sát ngân hàng: Luật mới sẽ hợp thức hóa giám sát ngân hàng với những cách thức rõ ràng về trách nhiệm, tăng cường sự thống nhất. Đó cũng là lần đầu tiên sẽ có những cách thức rõ ràng về trách nhiệm giữa các cơ quan giám sát ngân hàng. Trong đó:
+ Tổng công ty BHTG Mỹ (FDIC): giám sát ngân hàng và tổ chức tiết kiệm cấp bang và tập đoàn ngân hàng tổng hợp cấp bang có tổng tài sản dưới 50 tỷ USD
+ Cơ quan kiểm soát tiền tệ (OCC) giám sát ngân hàng cấp quốc gia và tổ chức tiết kiệm cấp liên bang với tổng tài sản dưới 50 tỷ USD.
+ Cục dữ trữ liên bang Mỹ (FED) giám sát các tập đoàn ngân hàng và tiết kiệm với tổng tài sản là trên 50 tỷ USD.
- Tạo ra sự minh bạch và trách nhiệm đối với những công cụ phái sinh.
Giải pháp được đưa ra là bảo vệ người đóng thuế tránh sự cần thiết phải cứu trợ trong tương lai, tránh cho hệ thống tài chính khỏi những rủi ro quá mức. Những công cụ phái sinh sẽ được giám sát chặt chẽ, hơn nữa sẽ được thanh toán tập trung thông qua trung tâm thanh toán và thanh toán bằng hối phiếu. Những trao đổi không thanh toán sẽ được điều chỉnh bằng khung điều kiện bắt buộc, những người buôn bán và những người tham gia trao đổi lớn sẽ điều chỉnh bằng điều kiện về vốn, và tất cả các giao dịch sẽ được thông báo vì vậy những cơ quan chức năng sẽ kiểm soát được những rủi ro trên diện rộng, thị trường phức tạp. Thị trường những công cụ phái sinh đã bùng nổ từ 91 ngàn tỷ năm 1998 lên 592 nghìn tỷ năm 2008. Trong suốt thời kỳ khủng hoảng, những quan tâm về khả năng của các công ty làm ăn tốt dựa trên những hợp đồng của họ và thiếu sự minh bạch những rủi ro đang tồn tại đã làm cho thị trường tín dụng đóng băng. Các nhà đầu tư rất sợ kinh doanh khi Bear Stearn, AIG và Lehman Brother đã đổ vỡ vì bất cứ giao dịch mới nào có thể đẩy họ vào trạng thái rủi ro hơn. Những công cụ phái sinh được coi như hợp đồng để đảm bảo sự kinh doanh từ rủi ro nhưng chúng đã trở thành phương tiện để những nhà kinh doanh tham gia vào cuộc cá cược lớn mà không có cơ quan hoặc quy tắc giám sát và do vậy làm gia tăng rủi ro. Bởi thị trường phái sinh được coi như quá lớn và quá liên kết để đổ vỡ, những người đóng thuế đã phải gánh chịu những canh bạc của phố Wall. Những canh bạc đó liên quan tới hàng nghìn người kinh doanh, tạo ra một mạng lưới mà ở đó một sai lầm đã đe dọa đến hàng loạt và đổ vỡ kinh tế toàn cầu. Những giao dịch liên kết đó kết hợp với sự thiếu minh bạch , tạo ra việc loại bỏ những tổ chức “quá lớn để đổ vỡ”để gây ra tốn kém nhiều hơn cho người đóng thuế.
-Những quỹ dự phòng:
Những quỹ dự phòng quản lý hơn 100 triệu USD sẽ buộc yêu cầu phải đăng ký với SEC như là những nhà tư vấn và phải công khai dữ liệu tài chính cần cho việc giám sát rủi ro hệ thống và bảo vệ nhà đầu tư. Quỹ này có trách nhiệm với những giao dịch lớn về vốn và rủi ro nhưng một số đã hoạt động bên ngoài hành lang pháp lý của quy định về hệ thống tài chính, thậm chí chúng đã trở nên liên kết với phần còn lại của thị trường tài chính quốc gia. Trước kia, không có một cơ quan giám sát nào thu thập được thông tin về quy mô và bản chất của những công ty đó và tính toán những rủi ro mà chúng gây ra cho nền kinh tế. The SEC hiện nay không có khả năng kiểm tra việc không đăng ký sổ sách kế toán và hồ sơ. Luật mới đã lấp đầy những khoảng trống đó bằng cách kết thúc “ cái bóng” hệ thống tài chính theo đó những quỹ dự phòng này hoạt động phải cung cấp cho những cơ quan giám sát những thông tin quan trọng. Đồng thời phải đăng ký với SEC với tư cách nhà tư vấn đầu tư và cung cấp thông tin về việc kinh doanh của họ và những dữ liệu cần thiết để xác định rủi ro. Những dữ liệu này sẽ được chia sẻ với cơ quan giám sát rủi ro hệ thống và SEC sẽ báo cáo đến Quốc hội hàng năm về việc làm cách nào để sử dụng những dữ liệu đó để bảo vệ những nhà đầu tư và toàn bộ thị trường.
- Với vấn đề bảo hiểm: Thành lập một cơ quan mới nằm trong kho bạc để điều khiển thị trường bảo hiểm, liên kết những vấn đề bảo hiểm quốc tế, và yêu cầu một nghiên cứu về những cách thức để hiện đại hóa việc giám sát bảo hiểm và cung cấp cho Quốc hội những khuyến nghị.
Riêng về vấn đề bảo vệ người gửi tiền thì trong Luật cải tổ hướng tới trọng tâm vào việc tăng cường quyền lực, tạo sự chủ động cho FDIC trong việc giám sát, xử lý đổ vỡ như mở rộng thẩm quyền cho FDIC trong việc xử lý các công ty tài chính có khả năng tác động đến ổn định hệ thống , được tiếp cận hạn mức tín dụng đặc biệt từ Bộ tài chính, đồng thời bỏ quy định giới hạn Quỹ bảo hiểm tiền gửi ở mức tối đa là 1,5% số dư tiền gửi được bảo hiểm. Đặc biệt, hạn mức BHTG đã tăng lên 250.000 USD (trước kia chỉ là 100.000 USD)…
…..suy ngẫm từ cách ngăn chặn “ canh bạc phố Wall’ của người Mỹ
Người ta cũng chưa ai khẳng định được Luật cải tổ tài chính Mỹ sẽ là cho thị trường tài chính Mỹ phát triển mạnh lên những không thể phủ nhận Luật mới sẽ đạt được sự an toàn hơn cho hệ thống tài chính, người tiêu dùng được bảo vệ tốt hơn. Đây là Luật của riêng nước Mỹ nhưng là vấn đề suy ngẫm của nhiều quốc gia trong việc thiết kế chính sách, luật pháp về tài chính, ngân hàng.
Trong những năm qua Việt Nam đã thực hiện cải cách mạnh mẽ hệ thống tài chính, ngân hàng thông qua điều chỉnh hệ thống luật pháp. Điều đó được thể hiện việc Quốc hội thông qua Luật Ngân hàng Nhà nước sửa đổi và Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi vào tháng 5/2010.Và hiện nay, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật sửa đổi Luật kinh doanh bảo hiểm đang được thảo luận và dự kiến sẽ ban hành trong thời gian tới. Luật BHTG dự kiến sẽ được ban hành trong năm 2011. Đây là những động thái thể hiện rõ nét chủ trương cải cách, sửa đổi hệ thống pháp luật về tài chính, ngân hàng và bảo vệ người tiêu dùng, người gửi tiền. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật điều chỉnh về lĩnh vực tài chính ngân hàng của nước ta hiện nay vẫn bộc lộ một số bất cập và khoảng trống pháp lý liên quan đến một số vấn đề như quy định về xử lý đổ vỡ ngân hàng chưa thật sự theo nguyên tắc thị trường, về mạng an toàn tài chính (cấu phần, chức năng, nhiệm vụ, phân công phối hợp giữa các cơ quan giám sát tài chính chưa rõ ràng), vấn đề bảo vệ người tiêu dùng tài chính chưa quy định đầy đủ, chính sách BHTG thể hiện bất cập (hạn mức chi trả thấp, địa vị pháp lý tổ chức BHTG, sự phối hợp giữa BHTGVN với các cơ quan giám sát khác chưa rõ ràng….).
Với một giải pháp mạnh và mang tính tổng thể trong việc cải cách thị trường tài chính của Mỹ có lẽ cũng đặt ra một số vấn đề suy ngẫm đối với các quốc gia trong việc cải cách thị trường tài chính bao gồm:
- Về vấn đề phản ứng chính sách
Phản ứng chính sách là một cách thức điều chỉnh chính sách kịp thời phù hợp với những diễn biến thực tiễn cuộc sống. Ngay sau khủng hoảng tài chính, nước Mỹ đã phân tích đầy đủ nguyên nhân gây ra khủng hoảng và đưa ra vấn đề điều chỉnh chính sách quản lý thị trường tài chính để hy vọng không đi vào vết xe đổ của cuộc khủng hoảng vừa qua. Việc phân tích thực trạng, nguyên nhân và những điểm yếu của thị trường tài chính cũng như hàng lang pháp lý điều chỉnh lĩnh vực này đặc biệt là những khoảng trống pháp lý hoặc những bất cập là những vấn đề rất quan trọng mà bất cứ quốc gia nào cũng quan tâm để điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Tuy nhiên, thời điểm điều chỉnh là rất quan trọng quyết định đến hiệu quả của chính sách, tránh hiện tượng bệnh nặng rồi mới mua thuốc chữa.
- Tạo tính tổng thể, hệ thống và đồng bộ về hang lang pháp lý điều chỉnh thị trường tài chính
Phạm vi điều chỉnh của Luật cải tổ tài chính bao trùm toàn bộ thị trường tài chính. Tính tổng thể và tính hệ thống của Luật cải tổ tài chính rất cao hướng vào việc tái cấu trúc thị trường, cải tổ hệ thống các cơ quan giám sát, tăng cường biện pháp bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính. Luật quy định rõ ràng về việc quản lý hoạt động kinh doanh tiền tệ, tín dụng, nhà đất, bảo hiểm, bảo hiểm tiền gửi một cách đồng bộ.
- Tính minh bạch và nguyên tắc thị trường
Đây cũng là vấn đề thể hiện rất rõ trong luật đặc biệt là ở khía cạnh xử lý đổ vỡ ngân hàng. Luật cải tổ đã có quy định rõ ràng về nguồn tiền để xử lý những kịch bản đổ vỡ tránh hiện tượng lấy tiền thuế của dân để xử lý đổ vỡ tín dụng. Đồng thời, Luật cải tổ cũng quy định rõ, minh bạch trách nhiệm, khu vực giám sát của các cơ quan giám sát tài chính tránh hiện tượng chồng chéo hoặc bỏ trống.
- Chuyên nghiệp hóa phương thức bảo vệ tài chính tiêu dùng và người gửi tiền
Việc bảo vệ tài chính tiêu dùng được thực hiện một cách đồng bộ và chặt chẽ thông qua một cơ quan chuyên trách thực hiện việc đó. Đặc biệt, người gửi tiền là đối tượng được bảo vệ thông qua việc tăng cường quyền lực FDIC, tăng hạn mức BHTG. Việc xây dựng Luật BHTG ở Việt Nam là hết sức cần thiết vì sẽ đạt được mục tiêu tăng cường việc bảo vệ người gửi tiền thông qua tăng hạn mức BHTG, tăng cường vai trò trách nhiệm của tổ chức BHTG trong hệ thống giám sát tài chính, tạo tính chuyên nghiệp thị trường trong việc xử lý đổ vỡ tín dụng.
- Xây dựng cơ chế phát hiện rủi ro hệ thống
Nguyên nhân đổ vỡ của thị trường tài chính Mỹ là thiếu một cơ quan chuyên nghiệp nghiên cứu và phát hiện những rủi ro mang tính hệ thống. Đặc điểm các cấu phần của thị trường tài chính là có tính chất liên thông cao chính vì vậy việc phát hiện rủi ro hệ thống là điều hết sức quan trọng tránh được những cuộc đổ vỡ quy mô lớn. Khi xây dựng pháp luật về tài chính ngân hàng, điều cần được quan tâm là tạo ra một cơ chế, cơ quan có trách nhiệm trong việc cung cấp những thông tin này đến cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý hoặc ngăn chặn kịp thời.
Liệu Đạo luật này có chữa lành vết thương của thị trường tài chính Mỹ hay không thì cần có thời gian. Nhưng đạo Luật này có lẽ là một liệu pháp để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, công chúng đối với hệ thống tài chính ngân hàng Mỹ vì họ tin rằng với những quy định mới sự an toàn đã được đặt lên hàng đầu./.
Tài liệu tham khảo:
- Dodd-Frank Wallstreet Reform and Consummer Protection Act
- www.house.gov
Các tin khác
Tổng quan về Tổng công ty BHTG Đài Loan
Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Đài Loan (CDIC, Trung Quốc) là một trong những mô hình tổ chức BHTG tiến bộ điển hình ở Châu Á. Được thành lập năm 1985 trên một nền tảng pháp lý vững chắc là Luật BHTG, CDIC là thành viên không thể thiếu của mạng an toàn tài chính quốc gia Đài Loan.
Quỹ bảo hiểm tiền gửi Ethiopia chính thức hoạt động
Ngân hàng Trung ương Ethiopia (NBE) chính thức thành lập Quỹ bảo hiểm tiền gửi Ethiopia (EDIF) từ tháng 11/2023 với tư cách là một thành viên của Mạng an toàn tài chính, bảo vệ cho cho người gửi tiền của các ngân hàng và tổ chức tài chính vi mô, phòng ngừa việc rút tiền hàng loạt.
Campuchia: Nghiên cứu thành lập bảo hiểm tiền gửi cho hệ thống tài chính quốc gia
Ngày 31/10/2023, tại Kampong Thom, trong sự kiện “Ngày Tiết kiệm Asian”, Ngân hàng Trung ương Campuchia (NBC) đã giới thiệu về bảo hiểm tiền gửi và vai trò đối với hệ thống tài chính quốc gia nhằm nâng cao niềm tin công chúng và thúc đẩy tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Khmer Riel.
Uganda: Quỹ bảo hiểm tiền gửi tăng gấp 3 lần
Chính phủ Uganda vừa công bố tăng Quỹ bảo hiểm tiền gửi (DPF) từ 400 tỷ Shs (tương đương 117 triệu đô la Mỹ) lên 1,3 nghìn tỷ Shs (tương đương 345 triệu đô la Mỹ).
PIDM tổ chức Hội nghị chuyên đề xử lý đổ vỡ quốc gia lần thứ nhất
Vừa qua, tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi (BHTG)...