Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren của bang Massachuset, Hoa Kỳ cho biết: Dù có thể chưa hoàn hảo, Đạo luật Dodd-Frand năm 2010 vẫn là một cải cách mạnh mẽ trong việc đối phó với khủng hoảng tài chính và giúp thị trường đi đúng hướng.
Cùng chung quan điểm này, Thượng nghị sĩ Sherrod Brown của bang Ohio- Thành viên của Ủy ban ngân hàng Thượng viện; bà Sheila Bair - Cựu Chủ tịch Tổng công ty BHTG Liên bang (FDIC); ông Thomas Hoenig - Cựu Giám đốc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Kansas và Cựu Phó Chủ tịch FDIC; và ông Michael Barr - Cựu quan chức Bộ Tài chính dưới thời Obama đã lên tiếng phản đối dự luật Thượng viện gần đây đã được Tổng thống Trump ký về việc sửa đổi các quy định của Luật Dodd-Frank. Dự luật mới nâng mức quy mô ngân hàng được coi là "rủi ro hệ thống" từ 50 tỷ USD lên 250 tỷ USD. Ngoài ra, các quy tắc giao dịch, cho vay và vốn của các ngân hàng với tài sản ít hơn 10 tỷ USD cũng được nới lỏng.
Kể từ khi ra đời vào năm 2010, Luật Dodd-Frank được xem là một cải cách sâu rộng đối với thị trường tài chính, bao quát và điều chỉnh hầu hết các vấn đề trọng yếu của thị trường tài chính nhằm tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, đảm bảo nguyên tắc thị trường (không sử dụng tiền thuế của dân để xử lý tổ chức tín dụng).
Luật Dodd-Frank cũng là một công cụ hữu hiệu trong việc bảo vệ người tiêu dùng thị trường tài chính. Ngoài việc 12 tỷ USD đã được chi trả cho người gửi tiền, Luật cũng góp phần bảo vệ người cao tuổi, cựu chiến binh và giải quyết gần một triệu khiếu nại của người tiêu dùng thông qua cơ sở dữ liệu công cộng. Trước khi có Luật này, việc bảo vệ người tiêu dùng còn ít nhận được sự chú ý từ các nhà quản lý liên bang.
Ông Hoenig cũng cho hay, vấn đề ngân hàng quá lớn để đổ vỡ (too big to fail) chưa chấm dứt. Trong bối cảnh hiện nay khi việc kiểm tra sức chịu đựng (stress-test) và các kế hoạch xử lý ngân hàng là chưa đủ để chứng tỏ khả năng chịu đựng của ngân hàng khi xảy ra khủng hoảng, việc nới lỏng Đạo luật Dodd-Frank còn là một vấn đề gây tranh cãi.