Ngày 15/11/2022, tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền số 14/2022/QH15 (sau đây gọi là Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2023, thay thế Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012.
Sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền để phù hợp thực tiễn
Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 là văn bản pháp lý toàn diện quy định về Phòng, chống rửa tiền, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền của Việt Nam. Tuy nhiên, trải qua 10 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 đã bộc lộ những bất cập, cần được thay thế nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền nói riêng và phòng, chống tham nhũng nói chung.
Thực tiễn, Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 là văn bản pháp lý toàn diện quy định về phòng, chống rửa tiền theo định hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền. Từ đó đến nay, trải qua 10 năm thi hành Luật Phòng, chống rửa tiền, công tác phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật Phòng, chống rửa tiền còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động phòng, chống rửa tiền, cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện, cụ thể:
Thứ nhất, Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội thông qua vào năm 2012. Tại thời điểm này, các quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền được xây dựng theo hướng phù hợp, nội luật hóa các khuyến nghị của FATF được ban hành trước năm 2012 và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát sinh về phòng, chống rửa tiền trong giai đoạn này. Từ đó đến nay, FATF (Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính - là cơ quan giám sát tài chính khủng bố và rửa tiền toàn cầu) đã có 11 lần sửa đổi các khuyến nghị, dẫn đến việc một số quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền và các văn bản hướng dẫn thi hành không còn phù hợp với 40 khuyến nghị hiện hành của FATF.
Thứ hai, đối tượng báo cáo của Luật Phòng, chống rửa tiền, theo quy định hiện hành bao gồm hai nhóm: (1) Các tổ chức tài chính (FIs); (2) Các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính (DNFBPs) phù hợp với các hoạt động của đối tượng báo cáo tại thời điểm ban hành.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, phát sinh một số hoạt động mới cần được bổ sung vào đối tượng báo cáo như hoạt động trung gian thanh toán. Thực tế, về hoạt động trung gian thanh toán, hiện nay, khung pháp lý cho hoạt động này tương đối đầy đủ. Trong khi đó, các quy định về phòng, chống rửa tiền mới chỉ được quy định tại các văn bản dưới luật nên chưa đảm bảo đầy đủ và hiệu quả. Do đó, cần luật hóa hoạt động này vào đối tượng báo cáo tại dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Đồng thời, trong thực tiễn có thể phát sinh những hoạt động mới có rủi ro về rửa tiền, đặt ra yêu cầu cần phải có quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền để bao quát được các lĩnh vực, hoạt động mới phát sinh này.
Thứ ba, Luật Phòng, chống rửa tiền hiện hành không có quy định về việc đánh giá rủi ro quốc gia và tại từng đối tượng báo cáo về rửa tiền, trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền; đồng thời, quy định về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền trên cơ sở rủi ro của các đối tượng báo cáo tại Luật Phòng, chống rửa tiền chưa đảm bảo tính đầy đủ, hợp lý. Trong khi đó, đây là một trong những yêu cầu thuộc nhóm các vấn đề then chốt và cơ bản trong công tác phòng, chống rửa tiền được nêu ra tại Khuyến nghị số 1 trong Bộ 40 khuyến nghị của FATF về phòng, chống rửa tiền.
Thứ tư, về các biện pháp phòng, chống rửa tiền áp dụng đối với đối tượng báo cáo, qua quá trình triển khai và đối chiếu các quy định theo các yêu cầu tại Bộ 40 khuyến nghị của FATF về các biện pháp phòng ngừa rửa tiền mà đối tượng báo cáo phải áp dụng, vẫn còn một số tồn tại cơ bản như: Các quy định áp dụng đối với các thỏa thuận ủy quyền hiện chưa đầy đủ và chưa rõ ràng do định nghĩa về thỏa thuận ủy quyền được nêu ra trong Luật Phòng, chống rửa tiền chưa phù hợp với khái niệm tương ứng về “legal arrangement” theo khuyến nghị của FATF; quy định về các giao dịch liên quan tới công nghệ mới còn thiếu các quy định theo yêu cầu mới phát sinh tại 40 khuyến nghị của FATF như yêu cầu đối tượng báo cáo phải thực hiện đánh giá rủi ro về rửa tiền trước khi cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới, sản phẩm, dịch vụ hiện có áp dụng công nghệ mới...
Từ các cơ sở nêu trên, việc xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) là cần thiết, nhằm phù hợp với các nghĩa vụ thực hiện điều ước quốc tế, cam kết quốc tế của Việt Nam, thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền/ tài trợ khủng bố/ tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (RT/TTKB/TTPBVKHDHL) của khu vực cũng như trên toàn thế giới. Đồng thời, việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 cũng phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm khắc phục những hạn chế của các quy định của pháp luật, qua đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống RT/TTKB/TTPBVKHDHL trong thời gian tới. Bên cạnh đó, để đáp ứng kịp thời các yêu cầu trong nước về tăng cường hiệu quả của quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền cũng như yêu cầu về đáp ứng các khuyến nghị của FATF, khắc phục một số thiếu hụt theo đánh giá đa phương của APG trong thời hạn 1 năm (kể từ khi bị áp dụng quy trình rà soát các nước có thiếu hụt nghiêm trọng của FATF (từ tháng 3/2022 - 3/2023).
Bổ sung đối tượng báo cáo và nhiều điểm mới quan trọng
Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 được kết cấu gồm 4 Chương 66 Điều, giảm 1 Chương và tăng 16 Điều so với Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012. Trong đó có một số nội dung mới cơ bản sau đây:
Về đối tượng báo cáo: Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 kế thừa quy định về đối tượng báo cáo tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012. Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung về đối tượng báo cáo, cụ thể:
(i) Sửa đổi, bổ sung tên gọi của một số hoạt động của đối tượng báo cáo (các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kinh doanh trò chơi có thưởng,...), phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và nội hàm khái niệm theo khuyến nghị của tổ chức quốc tế; bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên cơ sở luật hóa quy định về đối tượng này tại Nghị định số 116/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung).
(ii) Đồng thời, để đảm bảo bao quát được các hoạt động phát sinh trong tương lai, Luật quy định Chính phủ quy định hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo chưa được quy định tại Luật sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh đó, Luật sửa đổi nội dung hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền: Quy định về hợp tác quốc tế tại Luật được kế thừa từ quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 và luật hóa các quy định tại Nghị định 116/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung). Bên cạnh đó, để đáp ứng thực tiễn, Luật bổ sung nguyên tắc có đi có lại trong việc trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin trong trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.
Quy định về đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia, đối tượng báo cáo về rửa tiền: Bổ sung quy định đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền. Theo đó, định kỳ 5 năm, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, trình Chính phủ phê duyệt. Các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm thực hiện cập nhật rủi ro về rửa tiền dựa trên việc triển khai kế hoạch thực hiện sau đánh giá hoặc khi có các rủi ro phát sinh thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành gửi Ngân hàng Nhà nước tổng hợp trình Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, Luật giao Chính phủ quy định chi tiết nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền.
Trách nhiệm đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo: Đối tượng báo cáo phải đánh giá rủi ro về rửa tiền; xây dựng quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền, trong đó có nội dung về việc phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro thấp, trung bình, cao và các biện pháp áp dụng tương ứng với các mức độ rủi ro về rửa tiền. Luật giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo.
Về nhận biết khách hàng, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định cụ thể hơn về thông tin nhận biết khách hàng; bổ sung quy định đối tượng báo cáo có thể khai thác thông tin trong các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định pháp luật để đối chiếu, xác minh thông tin do khách hàng cung cấp; sửa đổi các quy định về nhận biết khách hàng thông qua bên thứ ba trên cơ sở hoạt động kinh doanh qua giới thiệu quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 và quy định xác minh thông tin nhận biết khách hàng thông qua việc thuê tổ chức khác.
Về cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 bổ sung quy định rõ hơn trách nhiệm của đối tượng báo cáo phải thực hiện các biện pháp thích hợp để xác minh nguồn gốc tài sản của khách hàng, chủ sở hữu hưởng lợi và thực hiện giám sát mối quan hệ kinh doanh trong suốt quá trình giao dịch với khách hàng này.
Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định đối tượng báo cáo phải ban hành chính sách, quy trình để nhận diện, đánh giá mức độ rủi ro về rửa tiền trước khi cung cấp sản phẩm, dịch vụ mới và sản phẩm, dịch vụ hiện có áp dụng công nghệ đổi mới và việc áp dụng các biện pháp để giảm thiểu rủi ro về rửa tiền.
Luật cũng kế thừa và quy định cụ thể hơn một số yêu cầu thu thập, cập nhật, lưu trữ thông tin của đối tượng báo cáo, cá nhân, tổ chức có liên quan; quy định trách nhiệm cung cấp các thông tin này cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về quan hệ ngân hàng đại lý: Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 sửa đổi, làm rõ hơn quy định đối tượng báo cáo khi thiết lập quan hệ với ngân hàng đối tác để cung cấp dịch vụ ngân hàng, thanh toán và các dịch vụ khác cho ngân hàng đối tác phải thu thập thông tin về ngân hàng đối tác, đánh giá việc thực hiện các biện pháp về phòng, chống rửa tiền, hiểu rõ về trách nhiệm phòng, chống rửa tiền của ngân hàng đối tác trong quan hệ đại lý.
Về giám sát một số giao dịch đặc biệt: Kế thừa quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 về các giao dịch đặc biệt mà đối tượng báo cáo phải giám sát, đồng thời, bổ sung quy định đối tượng báo cáo phải áp dụng các biện pháp tăng cường; kiểm tra thông tin và mục đích của giao dịch, trường hợp có nghi ngờ, phải xem xét báo cáo giao dịch đáng ngờ và có thể từ chối giao dịch đó.
Ngoài ra, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 cũng có quy định mới hơn về trách nhiệm xây dựng quy định nội bộ và báo cáo, cung cấp, lưu trữ thông tin, hồ sơ về phòng, chống rửa tiền. Theo đó, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 làm rõ hơn yêu cầu về quy định nội bộ của các đối tượng báo cáo; giảm bớt yêu cầu về quy định nội bộ cho đối tượng báo cáo là cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ. Luật sửa đổi một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ; bổ sung dấu hiệu đáng ngờ đối với hoạt động trung gian thanh toán; sửa đổi quy định về thời hạn báo cáo, khắc phục những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Quy định cụ thể về lưu trữ, bảo mật thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo, phù hợp pháp luật hiện hành và thực tiễn hoạt động của đối tượng báo cáo.